Trầm cảm bủa vây cuộc sống

17/04/2018 05:50 GMT+7

Ngoài tâm thần phân liệt, động kinh được xem là bệnh mãn tính thì loại bệnh mà Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đang tiếp nhận nhiều nhất là trầm cảm do những áp lực cuộc sống...

“Không hiểu vì sao tôi hay cáu gắt, chuyện nhỏ tôi cũng cáu gắt với vợ con. Mỗi ngày tôi chơi game 2 giờ, dứt game là cáu gắt”, anh L. (kỹ sư hóa chất 32 tuổi, có vợ và 2 con sống ở Q.3) khai với bác sĩ khi đến khám tại Bệnh viện (BV) Tâm thần TP.HCM chiều 13.4.
Trong khi đó, một chàng trai 27 tuổi ở Kiên Giang ngồi vào ghế khám bệnh với nguyên nhân cách đây một tháng đi tập yoga, có uống loại thuốc tan mỡ và sau đó người cứ nóng bừng bừng, đi nhiều nơi uống thuốc không khỏi nên được chỉ sang BV Tâm thần. Cả hai bệnh nhân này đều có dấu hiệu rối loạn cảm xúc do căng thẳng trong công việc, cuộc sống và được bác sĩ kê toa điều trị để tránh rơi vào trầm cảm.
Đủ kiểu dẫn đến trầm cảm
Bác sĩ Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Tâm thần TP.HCM, phân tích: Bệnh tâm thần phân liệt là do yếu tố sinh học, luôn chiếm 0,3 - 1% dân số. Còn những rối loạn khác là đi theo tập quán và sự phát triển của xã hội, trong đó cũng có một phần yếu tố sinh học. “Không ai nghĩ người nông dân lo âu, trầm cảm mà thực tế họ khám rất nhiều. Ngay cả người có cốt cách tâm lý, tâm linh tốt như người đi tu vẫn bị trầm cảm, lo âu. Như vậy, trong cuộc sống không ai dám chắc mình không có bị ức chế về tâm lý”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Theo các bác sĩ, có muôn hình vạn trạng nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, lo âu. Một nữ học sinh lớp 9 tại TP.HCM được gia đình đưa đến khám vì ghét… môn văn trong nhà trường. Nữ sinh cho biết mình rất thích văn chương, rất thích đọc truyện, lên Facebook chia sẻ văn chương rất nhiều, nhưng văn học theo em không phải là lý thuyết suông, miêu tả, khẳng định như trong trường dạy; không để cho em bộc lộ suy nghĩ; không văn hoa như em mơ ước; không có nội dung cho em thể hiện cái tôi… “Cái khổ của em học sinh này là rất yêu văn học mà quay qua ghét môn văn trong nhà trường vì theo em là khô cứng. Em mâu thuẫn liên tục và dẫn đến stress. May mà em chỉ mới rối loạn stress, rối loạn thích ứng, điều trị bằng cách chuyển đến nơi có môi trường khác và chưa cần kê toa thuốc”, bác sĩ Tâm phân tích và cho rằng nếu không can thiệp gì thì học sinh này sẽ phát triển xấu trong tâm lý, vài chục năm sau có khả năng dẫn đến rối loạn lo âu lan tỏa.
Bác sĩ CK 2 Vũ Kim Hoàn, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp BV Tâm thần TP.HCM, kể ông đang điều trị rất nhiều bệnh nhân trong tình trạng ám ảnh, sợ hãi. Điển hình là cô giáo H. (34 tuổi, ở miền Tây) trong một lần lên TP.HCM đã sử dụng nhà vệ sinh công cộng thì thấy một vệt màu đỏ như máu. Về nhà, cô gọi một tổng đài tư vấn để hỏi vệt màu đỏ đó là gì? Nhân viên tổng đài nói có thể là máu và có khả năng lây nhiễm bệnh. Từ đó, cô H. bỗng sợ màu đỏ, mỗi lần vào nhà vệ sinh gia đình, cô phải chà rửa một tiếng cho sạch sẽ và tắm thêm một tiếng nữa. Quần áo, vật dụng gia đình đều không có màu đỏ thì cô mới hài lòng. Điều này khiến gia đình lo lắng và đưa cô đi khám… tâm thần. “Sau khi cho bệnh nhân uống thuốc ổn định, tôi bắt đầu cho bệnh nhân tiếp xúc màu đỏ. Ban đầu là những vật dụng có màu đỏ như áo khoác, khăn tay... rồi nhờ chồng bệnh nhân mua thuốc đỏ bôi lên bàn, ngón tay cô, để giải ức chế từ từ cho bệnh nhân. Sau khi bệnh nhân đã bớt sợ và mong muốn có con thì ngưng điều trị và hiện nay đã sinh con tốt đẹp”, bác sĩ Hoàn kể.
Trục trặc trong tình cảm cũng là nguyên nhân khiến nhiều người trầm cảm. Chiều 13.4, tại ghế chờ của BV Tâm thần, ông Đ.X.L (48 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức), đến khám và chia sẻ ông đã uống thuốc điều trị 19 năm qua, nếu ngưng thuốc là người buồn không muốn sống nữa. “Mình bị thất tình triền miên. Mà cuộc đời “vô duyên” lắm, mình yêu ai cũng bị bỏ. Mình khóc rất nhiều và có biểu hiện trầm cảm, gia đình đưa đi khám, bác sĩ phát hiện mình bị trầm cảm nặng, cho thuốc điều trị đã gần 20 năm nay”, ông L. kể.
Trầm cảm bủa vây cuộc sống1
Bệnh nhân tâm thần cần sự giúp đỡ của mọi người
Dễ tái phát, điều trị kéo dài
Một nghiên cứu cắt ngang, chọn ngẫu nhiên trên 3.000 bệnh nhân tại TP.HCM, cho thấy 16% có vấn đề về sức khỏe tâm thần; trong đó 6% mắc bệnh trầm cảm và 30% người trầm cảm tự tử.
“Trước đây, tại các phòng khám chúng tôi chỉ khám bệnh loại loạn thần, tâm thần phân liệt quậy phá, kích động, ảo giác, hoang tưởng. Nhưng giờ số ấy chỉ còn chừng 30%, còn lại 70% là lo âu, trầm cảm, stress…”, bác sĩ Trần Duy Tâm nói và cho biết hiện mỗi ngày tại cơ sở Võ Văn Kiệt (Q.5) BV Tâm thần khám trên 800 bệnh nhân; tại cơ sở trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận) mỗi ngày khám trên 150 bệnh nhi có vấn đề về tâm lý - tâm thần.
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM, làm phép tính: 30 năm trước phòng khám có 2 bác sĩ, 3 y sĩ nhưng bệnh nhân đến khám không nhiều, bác sĩ có thời gian nghỉ uống nước. Còn hiện nay BV có hơn 10 bác sĩ khám, mỗi bác sĩ khám 50 - 60 bệnh nhân/ngày, không có thời gian nghỉ ngơi vì bệnh nhân đến khám rất đông và rất căng thẳng. “Trong chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, hiện nay BV cũng đang quản lý 10.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 8.000 bệnh nhân động kinh tại các quận - huyện, phường - xã, ngoài ra còn 3.000 bệnh nhân tại các trung tâm của Sở LĐ-TB-XH, TNXP”, bác sĩ Thắng nói.
Theo bác sĩ Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh và trị liệu tâm lý, giám định viên pháp y tâm thần, những người bị stress lâu dài, mãn tính sẽ đưa đến trầm cảm và rối loạn lo âu. Trầm cảm là bệnh lý thuộc về rối loạn cảm xúc, gồm 3 triệu chứng lớn: giảm khí sắc, giảm năng lượng và giảm sở thích. Trầm cảm có 3 mức độ: nhẹ, trung bình và nặng. Trầm cảm nặng có trầm cảm không loạn thần và loạn thần. Thường bệnh nhân trầm cảm nặng có loạn thần dẫn đến tự sát khi có ý nghĩ tiêu cực, chán sống, tự ti và nghe có tiếng nói trong tai xúi giục “chết đi”.
Rối loạn lo âu là tập hợp các triệu chứng lo lắng, run rẩy, căng thẳng cơ bắp, ra mồ hôi, đầu óc trống rỗng, hồi hộp bồn chồn, đánh trống ngực, lo sợ mình bệnh tật, đi khám nhiều chuyên khoa không khỏi và cuối cùng đến chuyên khoa tâm thần. Thông thường trầm cảm đi với rối loạn lo âu và ngược lại.
Những đối tượng dễ mắc trầm cảm, rối loạn lo âu là do thần kinh không ổn định, nhân cách yếu và dễ bị tác động dẫn đến rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể. “Khi chẩn đoán bệnh nhân mắc trầm cảm, rối loạn lo lâu thì bác sĩ sẽ cho thuốc an thần kinh, vitamin B liều cao, thuốc ức chế beta… kết hợp khuyến cáo thư giãn, tập thể dục, trị liệu tâm lý, nghỉ ngơi. Nếu điều trị như vậy sau 2 tuần thuyên giảm thì bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị kéo dài 1 - 3 tháng, thậm chí 6 tháng. Tuy nhiên, các bệnh này dễ tái phát. Do vậy phải thay đổi lối sống, sinh hoạt thì mới mong khỏi bệnh”, bác sĩ Khuyên khuyến cáo.
Sự quan trọng của bữa cơm chiều
Theo bác sĩ CK 2 Vũ Kim Hoàn, bữa cơm chiều trong gia đình rất quan trọng. Trong khi ăn, mọi người nên cố gắng tránh xa điện thoại, ti vi, vừa ăn vừa trao đổi những chuyện trong ngày để nắm bắt tình hình chung, từ đó phát hiện sớm những trục trặc, khó khăn trong đời sống, công việc, học tập để cùng khuyên răn, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ nhau nhiệt tình; tuyệt đối tránh việc nhiếc móc, mắng chửi, la rầy vì điều này sẽ làm các thành viên không nuốn bày tỏ những vướng mắc của mình, thậm chí không muốn dùng cơm tối chung. Trong trường hợp cần thiết thì nên khuyến khích động viên hoặc giúp đưa người nhà đến khám tại chuyên khoa tâm thần, tâm lý để được tư vấn, giải tỏa. Tạo ra cuộc sống thoải mái, cân bằng giữa học tập, làm việc, ngủ nghỉ cho mọi người. Ngoài ra, gia đình cần có những buổi dã ngoại ngoài trời để tạo sự gắn kết cho mọi thành viên, từ đó tạo sự tin tưởng, niềm vui sống trong gia đình. Bên cạnh đó là sự giáo dục, quan tâm từ nhà trường, tạo môi trường tin cậy, bỏ bớt những áp lực trong học tập, gia tăng những hoạt động ngoại khóa giúp tăng cường thể lực cho các học sinh nhiều hơn.
“Nếu trong gia đình có người biểu hiện trầm cảm, lo lâu, mất ngủ... thì nên đưa đi khám chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt, chỉ có bác sĩ mới đánh giá được triệu chứng và điều trị thích hợp”, bác sĩ Hoàn khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.