Trầm cảm ở nam giới: Bác sĩ chỉ ra dấu hiệu quan trọng không nên bỏ qua

05/06/2024 14:10 GMT+7

Bệnh trầm cảm thường đặc trưng bởi tâm trạng chán nản, buồn bã tuyệt vọng, trong đó có những suy nghĩ về cái chết.

Bác sĩ chuyên khoa 1, thạc sĩ tâm lý lâm sàng và y khoa Đoàn Nhật Trung, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long) cho biết, sau dịch Covid-19, tỷ lệ trầm cảm tăng lên gần gấp đôi. Nếu như trước đây trầm cảm phổ biến ở nữ giới thì hiện nay ngày càng nhiều bệnh nhân nam được phát hiện và chẩn đoán mắc chứng trầm cảm.

Các dấu hiệu đặc trưng của một người trầm cảm

Theo bác sĩ Trung, thông thường để chẩn đoán một người trầm cảm, cần dựa vào 9 dấu hiệu cơ bản bao gồm:

Khí sắc trầm cảm gần như suốt ngày, hầu như mỗi ngày được khai báo bởi bệnh nhân ví dụ cảm thấy buồn hay trống rỗng, tuyệt vọng...

Giảm sút rõ về sự thích thú hoặc thú vui trong tất cả các hoạt động hầu như mỗi ngày (được nhận thấy bởi bệnh nhân hoặc thông qua quan sát của người khác). Thậm chí mất hứng thú trong quan hệ tình dục vợ chồng.

Giảm cân đáng kể không phải do ăn kiêng hoặc tăng cân (ví dụ thay đổi trọng lượng cơ thể quá 5% trong 1 tháng) hoặc tăng hay giảm cảm giác ngon miệng gần như mỗi ngày.

Trầm cảm ở nam giới: Bác sĩ chỉ ra dấu hiệu quan trọng không nên bỏ qua- Ảnh 1.

Buồn bả, chán nản, mất năng lượng là một trong những dấu hiệu đặc trưng ở người bệnh trầm cảm

PEXEL

Rối loạn giấc ngủ. Mất ngủ hay ngủ nhiều hầu như mỗi ngày.

Rối loạn hoạt động tâm thần vận động. Kích động hoặc thao tác chậm, phản ứng chậm, nói chậm hơn bình thường...

Giảm sút năng lượng. Mệt mỏi hoặc mất năng lượng hầu như mỗi ngày.

Cảm giác bị mất giá trị hoặc cảm giác tội lỗi quá mức hoặc không thích hợp (có thể đạt đến mức hoang tưởng) hầu như mỗi ngày (không chỉ là việc tự trách móc hoặc có cảm giác tội lỗi do bị bệnh).

Giảm khả năng suy nghĩ hoặc tập trung chú ý hoặc thiếu quyết đoán hầu như mỗi ngày.

Ý nghĩ về cái chết tái diễn. Thường xuyên có ý nghĩ về cái chết, có ý định tự tử.

"Một người có 5/9 dấu hiệu trên, trong đó có 2 dấu hiệu đáng chú ý là có ý định tự tử, tâm trạng chán nản kéo dài mất hứng thú kể cả trong quan hệ tình dục là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán tình trạng trầm cảm", bác sĩ Trung chia sẻ.

2/3 nguyên nhân trầm cảm do căng thẳng quá độ kéo dài

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết 1/3 nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm là do yếu tố di truyền và 2/3 là từ căng thẳng quá độ kéo dài.

Nếu bệnh trầm cảm do căng thẳng quá độ kéo dài thì có thể phòng tránh được nhưng nếu do yếu tố di truyền thì không thể phòng tránh.

"Tuy nhiên cần xác định trầm cảm do nguyên nhân di truyền hay nguyên nhân khác chứ không thể tự suy diễn. Người bệnh trầm cảm cần được giúp đỡ và can thiệp sớm nhất có thể. Bởi họ không thể tự vượt qua được", bác sĩ Mẫn chia sẻ.

Bác sĩ Trung cho biết có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm bao gồm thể xác, tinh thần và xã hội. Về yếu tố thể xác, trầm cảm có nguy cơ cao rơi vào nhóm người có bệnh lý thần kinh như Parkinson, đột quỵ, co giật... Về tinh thần do sự kiện đau buồn, mất mát, người mẹ trầm cảm sau sinh hoặc mang thai trầm cảm thì đứa con có nguy cơ trầm cảm nhiều hơn. Về xã hội, các mối quan hệ xã hội, kinh tế tài chính, mâu thuẫn với những người xung quanh... lâu dài cũng dẫn đến nguy cơ trầm cảm.

"Các mối quan hệ gãy đổ, mất mát, xung đột, văn hóa, kinh tế khủng hoảng, thu nhập giảm...khiến tỷ lệ trầm cảm gia tăng", bác sĩ Trung chia sẻ.

Trầm cảm ở nam giới: Bác sĩ chỉ ra dấu hiệu quan trọng không nên bỏ qua- Ảnh 2.

Bác sĩ Trung thăm khám cho một bệnh nhân nam

BSCC

Điều trị trầm cảm

Theo bác sĩ Trung, bệnh trầm cảm có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc, liệu pháp tâm lý hoặc kích thích từ trường xuyên sọ. 

Kích thích từ trường xuyên sọ là một phương pháp điều trị không xâm lấn sử dụng từ trường để kích thích các nơron trong não. Quy trình này được thực hiện bằng cách sử dụng một thiết bị ngoại vi tạo ra một từ trường mạnh để kích thích các vùng cụ thể của não từ bên ngoài sọ. Tùy trường hợp, thiết bị sẽ tác động vào từng vùng não tương ứng. Các sóng điện từ sẽ kích thích tế bào thần kinh và làm thay đổi chức năng điện thần kinh ở vùng não đó, mang lại hiệu quả.

"Thông thường người bệnh khi nghe đến sóng điện từ đi qua não sẽ lo sợ, tuy nhiên phương pháp này khá an toàn và hiệu quả", bác sĩ Trung cho hay.

Ngoài ra, có những loại thuốc được chỉ định cho bệnh nhân trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng nhất định đến các mạch máu não và chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine và norepinephrine... Tùy theo mỗi loại thuốc mà thuốc chống trầm cảm sẽ có tác động theo những cách thức khác nhau.

Bên cạnh đó, liệu pháp tâm lý cũng là một phương pháp điều trị hiệu quả ở bệnh nhân trầm cảm. Giúp bệnh nhân có cái nhìn đúng đắn nhất về mọi vấn đề, về sức khỏe của mình, hướng dẫn bệnh nhân tập trung hít thở để tăng cường oxy trong não. 

Một số phương pháp giúp cải thiện cảm xúc cho người bệnh như tập thiền, tập yoga, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. "Để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị trầm cảm, chúng ta cần giảm bia rượu, thuốc lá, tăng cường các hoạt động vận động như tập thể dục, tập thở để giúp trao đổi oxy tốt hơn...", bác sĩ Trung khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.