Trầm cảm ở người trẻ Kỳ 1: Đừng nhảy!

25/11/2019 06:00 GMT+7

"Mỗi sáng thức dậy mình không biết làm gì tiếp theo, không biết đi về đâu, và mình thực sự sợ loài người ở ngoài kia".

Đó là chia sẻ của anh Chung Chí Công (34 tuổi, TP.HCM), đạo diễn bộ phim điện ảnh "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi", về giai đoạn anh phải đối diện với trầm cảm. 
Nhiều năm trước, khi còn là sinh viên trường đại học Ngoại thương TP.HCM, cái tên "Chung Chí Công" như một thương hiệu cho những gì hài hước, sáng tạo, đầy năng lượng, một thế hệ sinh viên Ngoại thương năng động và nhiều thành công. Nhưng 3 năm trước, trầm cảm gần như biến anh thành một con người khác.  

Anh Chung Chí Công chia sẻ về thời gian trầm cảm của mình

Ảnh: Thanh Tâm

 
Trầm cảm là một vấn đề chung mà rất nhiều người trẻ đang đối mặt trong xã hội hiện đại, tuy nhiên người ta mới chỉ nói nhiều về nó trong vài năm gần đây khi chứng kiến tỉ lệ tự sát do trầm cảm tăng cao, đặc biệt là ở giới trẻ.
Số liệu thống kê cho thấy tại Việt Nam mỗi năm có 36.000 người tự tử do trầm cảm. Khoảng 30% dân số có những bệnh về sức khỏe tâm thần, trong đó 25% là trầm cảm. Độ tuổi phổ biến của trầm cảm trước đây là 60-65 tuổi, nhưng hiện nay là 18-35 tuổi, thậm chí trẻ hơn là độ tuổi vị thành niên. 
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, BV Tâm thần TP.HCM, cho biết trầm cảm là căn bệnh đi liền với xã hội hiện đại. "Chỉ có thời tiền sử mới không có trầm cảm. Xã hội càng hiện đại thì trầm cảm sẽ càng gia tăng. Điển hình là trước năm 1995, bệnh viện tôi chỉ khoảng 50 người đến khám về trầm cảm và lo âu mỗi ngày, nhưng hiện nay là 500 người trên tổng số 1.000 bệnh nhân.", bác sĩ Hiển cho biết. 

Thống kê về số người tự tử do trầm cảm tại Việt Nam

Đồ họa: Thanh Tâm

Chuyên gia tâm lý Huỳnh Thị Hoài Như (trung tâm Touching Soul Center) quan sát thấy qua 14 năm làm việc trong ngành điều trị tâm lý có sự gia tăng rõ rệt số lượng bệnh nhân điều trị tâm lý ở độ tuổi từ 18-35 tuổi.
Giải thích về sự gia tăng đó, chị Như cho biết: "Theo tôi trước hết là do hiểu biết của người dân về trầm cảm là gì. Ngày trước người ta quan niệm về trầm cảm là buồn, chán nản, thất vọng, phải dùng ý chí để vượt qua, nên người nhà và cả bệnh nhân đều rất ngại đi tìm nơi thăm khám. Nhưng hiện tại, người dân đã hiểu trầm cảm là những rối loạn về cảm xúc, tâm lý gây ra những xáo trộn về thể chất, cuộc sống, và nó hoàn toàn không liên quan đến ý chí của một người nào đó. Và khi đối diện với những xáo trộn ấy, việc của mình là tìm những sự hỗ trợ để vượt qua." 

Ảnh: Thanh Tâm

Tuy nhiên, nhận thức về sức khỏe tâm thần tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, điển hình là vẫn còn tồn tại những hiểu nhầm hay thành kiến về bệnh trầm cảm cần phải điều chỉnh.
"Chúng ta hay nhìn thấy những trường hợp nặng của trầm cảm là hành vi tự tử hay tự gây hại. Tuy nhiên, tôi muốn nói là trầm cảm là một điều có thể xảy ra với bất cứ ai, với bất cứ lý do gì. Đó là những cảm xúc hiển nhiên sẽ xảy đến khi con người gặp bất trắc, là điều đầu tiên để bảo vệ cơ thể trước những đau buồn của chính mình, và cho người đó một thời gian để hồi phục. Cho nên, nhìn nhận trầm cảm là căn bệnh ghê gớm, nguy hiểm, thì không đúng. Và đánh giá một ai đó vì họ bị trầm cảm lại càng không phù hợp.", chị Hoài Như chia sẻ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.