Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?

06/10/2022 04:00 GMT+7

Khi rơi vào rối loạn trầm cảm sau sinh, người phụ nữ có thể thực hiện các hành vi gây hại cho bản thân và cho con trẻ...

Tại khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp phụ nữ sau sinh bị trầm cảm nặng với những biểu hiện như rạch tay tự tử, dọa tự tử, xung đột với con, không chăm sóc con...

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh

ThS-BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, đầu tiên là yếu tố liên quan đến thể chất. Người phụ nữ sau khi sinh, họ trải qua giai đoạn vượt cạn với những cơn đau, sự mệt mỏi về thể xác. Thứ hai, liên quan đến tâm lý, rối loạn giấc ngủ. Thông thường khi em bé khóc thì mẹ cho bú mà không kiểm tra các nguyên nhân khác, thói quen này ăn sâu vào tâm lý của các bà mẹ nên một đêm mẹ phải thức rất nhiều lần cho trẻ bú, việc thức đêm làm cho bà mẹ kiệt sức, dễ dẫn đến trầm cảm.

Theo PGS-TS-BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khối Sản Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), nghiên cứu thực hiện tại bệnh viện cho thấy, các yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh xảy ra ở sản phụ như: sản phụ là người dễ xúc cảm hơn người khác; không có hoặc thiếu sự quan tâm của người thân, đặc biệt là người chồng, sự chia sẻ trong việc chăm sóc em bé.

Mặt khác, những sản phụ có em bé được sinh ra có vấn đề về sức khỏe, phải nằm dưỡng nhi lâu hoặc cuộc sinh khó khăn; hay mất con cũng có khả năng trầm cảm cao.

Những biểu hiện của rối loạn trầm cảm sau sinh

Về thể chất, có thể nhận thấy người mẹ không muốn chăm sóc bản thân, chán nản về mọi thứ. Trong đó có chán ăn, chán uống dẫn đến sụt cân.

Họ không muốn giao tiếp với các mối quan hệ xã hội, cuộc sống của họ ngày càng trở nên nghèo nàn, co rút bản thân lại. Họ cảm thấy cuộc đời của họ bế tắc, không có hy vọng và mất hết năng lượng.

"Khi có các dấu hiệu bất ổn trên kéo dài trên 2 tuần, nên đưa người mẹ đến gặp chuyên gia tâm lý lâm sàng hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần để ngăn chặn các bất ổn, xung đột hay các hậu quả có thể xảy ra", BS Mẫn khuyến cáo.

Phụ nữ sau sinh cần được hỗ trợ để mau hồi phục và nâng đỡ tâm lý giúp họ bình an

minh họa: shutterstock

Phòng ngừa rối loạn trầm cảm sau sinh

BS Mẫn khuyến cáo những người thân xung quanh cần đồng hành với người phụ nữ mang thai để họ không mặc cảm về hình thể, không cảm thấy cô đơn với chuyện "mang nặng" trong 9 tháng 10 ngày và sau đó là "đẻ đau".

"Sau khi sinh, cần hỗ trợ để họ nhanh chóng lấy lại sức, để họ cảm thấy an yên trước khi trở lại công việc, lấy lại vai trò của họ trước khi sinh. Đừng để họ có suy nghĩ họ nằm ở đó là họ ăn bám, không giúp ích được gì, vì họ đã giúp sinh được đứa con chăm con đó là nhiệm vụ hết sức cao cả", chuyên gia khuyến cáo.

Người phụ nữ cũng nên có những bài tập phù hợp để nâng cao thể chất, ra ngoài đón ánh nắng mặt trời, hít thở không khí trong lành, tương tác với thế giới xung quanh để tránh sự tù túng xung quanh 4 bức tường.

Ngoài ra, các bà mẹ nên học cách thư giãn, để giải tỏa căng thẳng mệt mỏi, không nên áp đặt bản thân làm những việc quá sức, ngủ đủ giấc, dành thời gian chăm sóc bản thân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.