Trăm dâu đổ đầu... thượng đế

27/10/2022 04:08 GMT+7

Đó là nghịch cảnh của thị trường xăng dầu, nơi mà người dân trả tiền mua hàng sòng phẳng nhưng phải gánh chịu mọi buồn vui lỗ lãi từ doanh nghiệp (DN) đầu mối, DN phân phối cho tới cửa hàng bán lẻ.

Họ cũng gánh luôn cả sự bối rối, loay hoay của cơ quan quản lý, thậm chí có lúc còn bị “đổ lỗi” góp phần gây nên tình trạng lộn xộn trên thị trường này.

Đơn cử, một số cây xăng do chiết khấu thấp, bán nhiều lỗ nhiều nhưng sợ bị rút giấy phép nên chuyển sang bán cầm chừng. Mỗi khách hàng đến chỉ được mua 30.000 - 50.000 đồng/xe máy; 300.000 - 500.000 đồng/ô tô. Hạn mức trong tay người bán, nên khách hàng muốn đổ đầy bình cũng không được. Có cửa hàng nại lý do là nguồn cung khan hiếm, chỉ bán dầu không bán xăng, hoặc có lúc chỉ bán xăng mà không bán dầu. Khách có nhu cầu “lệch pha” thì tự động tìm chỗ khác, miễn kêu ca.

Tương tự, đầu mối lúc có lời thì nhập đầy đủ, lúc tính toán thấy lỗ thì tự động giảm, thậm chí không nhập, dẫn đến tình trạng khan hiếm xăng dầu, khiến các khách hàng, vốn được mệnh danh là “thượng đế” phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ từ mờ sáng tới nửa đêm, trong nắng nóng hay mưa gió đợi đến lượt mình... Cây xăng đổ lỗi cho nhà phân phối, phân phối đổ lỗi đầu mối nhập khẩu, đầu mối thì “trách móc” chính sách điều hành thị trường xăng dầu đã lỗi thời... nhưng hậu quả thì chỉ các “thượng đế” phải gánh chịu.

Mới nhất, Sở Công thương TP.HCM đề xuất các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn phải bảo đảm không mở cửa bán hàng trễ hơn 6 giờ và không đóng cửa trước 18 giờ hằng ngày. Tối thiểu phải bán 12 giờ/ngày, riêng ngày lễ thì không ít hơn 8 giờ... Đề xuất đang lấy ý kiến nhưng nó lại khiến nhiều “thượng đế” lo ngay ngáy. Lo nếu hết xăng đúng lúc cửa hàng đã bán đủ 12 giờ/ngày rồi thì chỉ còn nước dắt bộ. Lo từ nay có thể phải chạy đi mua xăng đúng khung giờ quy định. Đặc biệt, lo tình trạng rối ren hiện nay không thể được trị dứt điểm bởi ai cũng biết, mấu chốt vấn đề không nằm ở khung giờ bán mà nằm ở nguồn cung, ở việc kinh doanh thua lỗ nên từ DN đầu mối tới cây xăng mới đóng cửa, ngưng nhập. Bệnh một đường, trị một nẻo thì biết bao giờ mới khỏi.

Lại nhớ cách đây khoảng nửa tháng khi đang cao điểm khan hiếm xăng dầu, tại cuộc họp báo về tình hình phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM lý giải về một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xếp hàng mua xăng dầu rằng “có rất nhiều xe, khi nhìn đồng hồ xăng, còn tới nửa bình hoặc 2/3 bình cũng chen vào đổ”. Xin được khẳng định là pháp luật không có quy định nào cấm người dân mua xăng khi còn nửa bình hay 2/3 bình cả. Đó là quyền của họ. Nói vậy chẳng khác nào lỗi khan hiếm nguồn cung, cây xăng đóng cửa khắp nơi là do khách hàng?

Đến hiện tại, người dân ở một số tỉnh thành phía Nam vẫn hết sức mệt mỏi và bức xúc vì tình trạng khan hiếm, bán định mức, chỉ bán xăng không bán dầu hoặc ngược lại đang tiếp diễn, trong khi cơ quan quản lý thì liên tục khẳng định nguồn cung không thiếu.

Nhìn lại thì có lẽ không ở lĩnh vực nào mà khách hàng, vốn được mệnh danh là “thượng đế”, lại khổ như thị trường xăng dầu. Nơi mà trăm dâu đổ đầu... thượng đế nhưng họ chỉ còn biết chờ đợi Chính phủ vào cuộc, giải quyết dứt điểm mọi vấn đề để trả lại sự minh bạch, công bằng và sòng phẳng cho thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.