Trăm năm hương chè cổ thụ

21/11/2019 09:00 GMT+7

Vượt qua ngọn núi lửa triệu năm Hàm Rồng, chếch về phía tây nam TP.Pleiku (Gia Lai) là một vùng bình nguyên rộng lớn với vùng chè Bàu Cạn, H.Chư Prông (Gia Lai) nức tiếng trăm năm.

Cùng với nhu cầu khai thác đất đai, nhân công cộng với khí hậu thuận lợi, giới chủ người Pháp đã đưa cây chè lên vùng B’lao (Lâm Đồng) và hai đồn điền Biển Hồ, Bàu Cạn (Gia Lai). Từ đó, hương chè cao nguyên có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện hàng trăm héc ta chè trăm năm ở đồn điền Bàu Cạn thuở nào vẫn còn lưu dấu.

Danh trà trăm năm

Giới chủ người Pháp với những nhà nghiên cứu, khẩn hoang đã rất tinh mắt và đầy căn cứ khoa học khi chọn vùng đất này cho cây chè, cà phê. Một cao nguyên bằng phẳng ở độ cao 700 m so với mực nước biển, đất bazan màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu ôn hòa nằm dưới chân ngọn núi lửa Hàm Rồng đã được chọn như thế.
Từ năm 1923, giới chủ người Pháp đã thành lập Công ty nông nghiệp chè và cà phê tỉnh Kon Tum (An Nam) - Compagnie Agricole Des Thés Et Cafés Du Kon Tum (AnNam), gọi tắt là CATECKA. Đấy cũng là chỉ dấu để cây chè “bén duyên” với vùng đất này cho đến ngày nay. Theo tài liệu chúng tôi có được, đồn điền này ngày càng phát triển khi cây chè sinh trưởng tốt, cho sản phẩm chất lượng được quốc tế thừa nhận.
Khu vực bắc Tây nguyên thời điểm đó thành lập khá nhiều đồn điền nhưng đồn điền này làm ăn phát đạt nhất thời Pháp thuộc. Từ diện tích chè 680 ha với 4,8 triệu cây năm 1928, chỉ một năm sau, diện tích chè của đồn điền tăng lên đến 900 ha với 5,8 triệu cây chè. Theo tư liệu của người Pháp vẫn còn lưu giữ, những sản phẩm từ cây chè Bàu Cạn nhanh chóng được giới quý tộc châu Âu và cả châu Á ưa chuộng. Nhiều nhà đầu tư đã tham gia hợp tác phát triển vào đồn điền. Trong báo cáo tại hội nghị toàn thể thường kỳ vào ngày 30.9.1930, công ty này có vốn đầu tư 15 triệu franc, chia thành 150.000 cổ phần - một số tiền rất lớn thời bấy giờ.
Những dấu ấn cho đến bây giờ vẫn lưu dấu một thời vàng son của cây chè nơi đây. Những căn biệt thự, văn phòng làm việc, nhà ở đến cả hệ thống thủy điện được xây dựng để lấy điện, lấy nước tưới cho cây chè.

Căn nhà được xây dựng từ thời Pháp dành cho các thầy ký

Đặc biệt, nhà máy thủy điện có công suất 0,172 MW đến nay vẫn phát điện được ghi nhận là thủy điện cổ thứ hai ở VN và top đầu ở khu vực Đông Nam Á. Không chỉ phục vụ cho đồn điền, công nhân sinh hoạt mà nhà máy còn cung cấp điện cho cả đô thị Pleiku thời bấy giờ. Dù được xây dựng từ năm 1950 nhưng đến nay thủy điện này vẫn hoạt động với toàn bộ máy móc từ thời Pháp thuộc. Chỉ có một số chi tiết nhỏ phải sửa chữa, thay thế trong quá trình bảo dưỡng, bảo trì.

Đưa lại danh trà ra thế giới

Cái tên Bàu Cạn vốn dĩ không phải có từ thời Pháp thuộc mà lại chính do những cư dân nơi đây đặt nên. Ở khu vực đồn điền này có một chỗ trũng, đọng nước vào mùa mưa trên diện tích khoảng 3 ha. Thông thường, đến tháng 1 hoặc tháng 2 hằng năm, nước trong bàu cạn dần, người dân địa phương tới đây để bắt ếch, nhái... Khi người Pháp lập đồn điền, khu nhà tạm của quản lý và công nhân được cất gần bàu nước này. Sau năm 1960, bàu bắt đầu cạn dần, đến năm 1963 thì khô hẳn. Thế nên, những người công nhân thường gọi nơi đây là Bàu Cạn. Từ đó, Bàu Cạn trở thành “chết tên”, gắn với cả vùng chè bạt ngàn cũng như địa danh hành chính đến ngày nay.
Ông Đặng Trường Sanh, Giám đốc Công ty cổ phần chè Bàu Cạn, cho biết: “Hiện công ty đang quản lý và kinh doanh trên 400 ha chè, trong đó có 100 ha chè giống shan, asam gần trăm năm tuổi khi được người Pháp trồng từ những thập niên 20, 30 của thế kỷ 20. Qua nhiều biến cố, thăng trầm của ngành chè nhưng danh chè Bàu Cạn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa xứng tầm với những vườn chè nơi đây khi chất lượng chè có thể sánh ngang với những thương hiệu chè nổi tiếng khác. Đó cũng là bài toán mà công ty đang tính toán, trăn trở nhằm đánh thức một danh trà tồn tại cả trăm năm nay”.
Từ năm 2017 sau khi cổ phần hóa, ngoài giữ ổn định những vườn chè giống thuần chủng, công ty này đầu tư cải tạo những vườn chè, đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo nên những sản phẩm có uy tín đối với ngành chè trong và ngoài nước. Cùng với đó, công ty đã thay đổi với những mẫu mã, sản phẩm mới đến thị trường nhưng vẫn giữ thương hiệu trà Bàu Cạn - CATECKA. Trong đó có sản phẩm trà đen (hồng trà) vốn rất nổi tiếng từ thời Pháp sau nhiều năm vắng bóng giờ cũng đã được công ty nghiên cứu, chế biến đưa ra thị trường.
“Cây chè trăm tuổi gắn liền với nhiều thế hệ người dân nơi đây, có nhiều gia đình gắn bó đến 3 thế hệ với công ty. Thế nên, chúng tôi đưa ra chính sách thu hút con em tại địa phương cũng như các em có trình độ, kinh nghiệm tại các lĩnh vực ở các môi trường chuyên nghiệp vào làm việc tại công ty”, ông Sanh cho biết thêm.

Dấu ấn xưa và nay

Hiện 21 trạm bơm mà giới chủ người Pháp xây dựng vẫn còn được sử dụng để bơm nước tưới cho một vùng chuyên canh chè nơi đây. Hệ thống đường điện từ nhà máy thủy điện dẫn về nhà máy vẫn còn hoạt động tốt. Cùng với sản phẩm chè, cây cà phê từ thời ban đầu cũng được đưa về trồng ở đây. Hiện sản phẩm này cũng đang phát triển mạnh cả về diện tích lẫn sản lượng và giá trị thương phẩm.
Cụ Đặng An Sinh, năm nay hơn 80 tuổi, ở xã Bàu Cạn, vẫn còn nhớ: “Nơi đây từng có một sân bay tư nhân sớm nhất ở khu vực bắc Tây nguyên. Khoảng cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, một chủ đồn điền người Pháp đã tự mua cả máy bay riêng cùng đường bay được xây dựng. Không chỉ để tự mình bay quanh đồn điền kiểm tra việc sản xuất mà ông chủ này cuối tuần nào cũng tự lái máy bay về Sài Gòn nghỉ ngơi. Trước năm 1961, khi chưa có sân bay Cù Hanh (Cảng hàng không Pleiku ngày nay - PV) thì các máy bay muốn hạ cánh xuống Pleiku đều phải nhờ đến sân bay của ông chủ đồn điền này”.
Vua Bảo Đại khi còn tại vị trong một lần công cán ở cao nguyên đã ghé thăm đồn điền chè Bàu Cạn và nghỉ lại một đêm.
“Không chỉ có vườn chè, Bàu Cạn còn chứa đựng trong mình những di tích lịch sử, thắng cảnh. Nơi đây có suối Mơ, thác Bàu Cạn, có thủy điện đầu tiên còn nguyên thủy được xây dựng trên đất nước VN, các căn nhà từ thời Pháp đến cả một khoảng đồi vàng rực hoa muồng níu chân du khách tới tham quan. Tất cả tài nguyên này còn chờ được đánh thức để phát huy đúng tầm, chất giá trị của nó”, ông Sanh phấn khích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.