Trăm năm phấn thổ - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

25/02/2024 08:30 GMT+7

Bữa đó, Tân thấy mình đóng bộ áo dài long phụng đĩnh đạc. Bàn tay thuôn dài ngọc ngà của người con gái anh thương nằm gọn trong bàn tay dạn dày sương gió của anh.

Tiếng lộc cộc móng ngựa nện trên đường. Chùm lục lạc trên cổ ngựa kêu leng keng. Nhúm lông gà nhuộm màu xanh đỏ rực rỡ đính trên đầu con ngựa phất phơ qua lại trong cơn gió ướp hương hoa buổi sớm thơm phức vờn qua lộ. Bầy trẻ con bu đen bu đỏ hai bên đường. Những cái miệng còn dính kẹo cao su, hàm răng sún thả ra mấy tràn cười tươi tràn sức sống như lá non trên cành.

Cô dâu chú rể, làm bể bình bông, đổ thừa con nít, bị đòn tét đ…ít…ttt…

Đám rước đi loanh quanh đâu đó trong giấc mơ mang mùi lúa ngọt. Những đôi mắt cười hấp háy. Tiếng bầy trẻ nhấp nhô, vờn theo những bước chân ngựa ngẫu hứng làm trò giữa lộ. Làm như đôi ngựa cũng vui. Chừng như chúng muốn kéo dài cuộc vui này. Chúng thồ Tân đi vòng quanh. Không hiểu sao đường cứ dài tăm tắp. Ngựa cứ phi.

Cho đến khi tiếng bầy trẻ rớt lại phía sau…

***

Má rủ Tân đi coi miếng đất thổ cư trên chỗ chợ mới, ngay lộ lớn, lòng anh xổ ra không biết bao nhiêu điều ngổn ngang khó tả. Bao nhiêu năm rồi, Tân từ một đứa con nít vô tư bị bắt phải già sớm, như trái cây chín háp trên cành. Buồn, vui, thương, hận, yêu, ghét… đủ thứ mùi vị đã quyện lấy cuộc đời anh, cuộn chặt như đòn bánh tét. Má nói, con có muốn thoát ra cũng phải đợi đến thời điểm chín muồi. Nụ rồi sẽ thành hoa. Trái xanh sẽ chuyển màu thành trái chín. Những âu lo rồi cũng sẽ lùi bước cho niềm vui ló dạng. Ai ở hoàn cảnh như má, yếu vía chút thì cũng đã buông cho cuộc đời trôi tới đâu thì trôi, rụng như lá rụng khỏi cành khỏi cội. Tân cười, ghẹo bà già chửi khơi khơi nghe chơi.

Trăm năm phấn thổ - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang- Ảnh 1.

Tuấn Anh

- Là vía má "mạnh" quá, đúng hông? Phải chi vía con như má, lúc đi thực tập ở nhà lạnh, đỡ khổ biết mấy!

- Cha tía bây! Nói gở không!

Cha tía bây! Má chửi như không. Chửi phong long vậy, ai nghe thì nghe. Mà người cần nghe thì đi mất biệt xứ nào, chỉ mình Tân ở đây hứng hết. À, còn có Tư Xà nghe phụ. Đó là mấy năm trước. Chớ nay Tư Xà cũng lãng tai nặng rồi. Như bữa má đi chợ sáng ngang nhà hỏi với vô:

- Anh Tư ăn bún riêu hông, tui mua giùm cho?

Ông già nhíu nhíu mày, hớn hở:

- Có… có… Sao cô biết? Tui… có… yêu… cô… nha… cô… Út!

Vậy thôi mà má giận, đi chợ nhất quyết kiếm đường vòng mà đi, không ngang qua hàng rào nhà Tư Xà nữa.

Tân không thấy bực, chỉ mắc cười. Tư Xà là người ơn của má con Tân, từng đứng ra mang trầu cau đi hỏi vợ giùm anh. Nếu được danh chính ngôn thuận kêu một tiếng ba dượng, vui chứ sao! Nhưng má nhất định không ưng. Tân hỏi ướm:

- Má còn thương ba lắm, đúng hông?

Má im ru. Tân không dám hó hé gì nữa.

***

Ròng rã cả tuần, má con Tân mới chấm được một miếng đất tạm gọi là rộng rãi. Miếng đất nằm giữa một khu nhà của những bậc trí thức, không gian yên ắng, vài ba nhà hàng xóm còn giữ được mấy cây nhãn tiêu trước sân. Tiếng sẻ nâu chuyền cành ríu rít. Nghe tiếng chim, Tân bồi hồi nhớ mình từng nằm lăn dưới gốc cây bạch đàn mát rượi mỗi buổi trưa, giữa cánh đồng bạt ngàn gió, lúa. Bận đó, anh học một buổi, còn lại là chăn bò, canh chim chóc khỏi sà xuống phá lúa cho mấy chủ ruộng trong xóm. Xứ này là đất đồng bưng, nhìn tứ bề chỉ có lúa, thỉnh thoảng gặp vài cây bạch đàn đứng hiên ngang giữa đồng. Cánh đồng cặp sông Tắc - con sông dẫn dòng nhập lưu về sông Đồng Nai. Hai bên là rặng dừa nước um tùm, cùng đám cây bần, ô rô, chuối nước, lau sậy cao lút đầu người chen chúc…

Ngôi nhà mới của hai má con được dành ra một khoảng rộng làm sân. Má tha hồ trồng những bông hoa, cây cỏ mà má thích. Chỗ này là mớ rau đắng đất, rau sam. Chỗ kia là mấy bụi vạn thọ, sao nhái. Kia nữa có thể là hồng cúc trúc mai… Bù lại với hồi ở nhà cũ, khoảnh sân, hiên nhà, chái bếp đâu đâu cũng thấy mớ cỏ, mớ rơm khô má ôm về để dành cho bầy bò. Bữa cơm của hai má con cũng nghe mùi cỏ chan đầy. Mùi cỏ còn len lỏi đâu đó trong giấc ngủ của Tân. Má nói mùi cỏ này kỳ diệu lắm. Hồi mang bầu anh, má ốm nghén lên bờ xuống ruộng. Mùi gì bay qua mũi cũng làm má nôn: mùi cơm sôi, mùi cá, mùi hành tỏi… Rồi luôn cả mùi chồng. Má cười chua chát. Má nôn dữ thần, cứ sợ lúc nào đó rồi má cũng nôn con ra luôn, chắc chết!

Ba bực.

"Đàn bà chửa đầy xứ này, có phải mình cô đâu! Cái mùi nghèo lâu nay đeo dính vô người, sao cô không nghén?".

May thay, cái mùi cỏ sượt qua làm lòng dạ má dịu lại. Đàn bà chửa không được khóc, nếu khóc, sanh con ra đứa nhỏ mặt mày chù ụ suốt ngày. Má nghe ngoại nói vậy, ráng dựa mùi cỏ mà cầm chừng mớ nước mắt tủi hờn cứ chực trào. Rồi bao nhiêu năm trôi qua. Nhà vắng tiếng cằn nhằn của đàn ông. Má cũng quên luôn vụ muốn khóc. Má chỉ hay len lén thả tiếng thở dài trong hun hút đêm sâu. Nét đẹp của má dẫu có phủ lên một màu buồn thì vẫn cứ làm chùng chình lòng dạ đàn ông xứ này.

Ba không phải là người duy nhất "nghe ra" cái mùi nghèo của má con Tân. Người thứ hai là má của Lụa, chỉ cách nhà Tư Xà một hàng rào dâm bụt đỏ. Bà nhăn mũi, phẩy tay khi má sấp ngửa mang trầu cau tới hỏi cưới Lụa cho Tân. Anh mê Lụa từ tuổi chớm biết yêu, tới chừng má phá bầy bò thịt, mới dám sắm trầu cau, vòng vàng qua hỏi cưới. Tân khấp khởi mừng khi Lụa gật đầu. Nhưng má Lụa thì không.

- Con Lụa là cành vàng lá ngọc, tui cưng như cưng trứng. Về bển, biết nó chịu cực chịu khổ nổi không!

Má Tân năn nỉ bà nhận lễ. Má hứa:

- Chị thương con nhỏ bao nhiêu thì tui cũng thương bấy nhiêu...

Má Lụa phẩy tay. Nói thương thì dễ mà, ai nói hổng được, chị! Nhưng làm được mới khó. Thôi, tui quyết rồi. Đợi thằng Tân có nghề nghiệp, hoặc ít ra cũng cất được cái nhà đàng hoàng rồi hãy qua rước con Lụa, đâu có muộn mằn gì!

"Đâu có muộn mằn gì!".

Hai năm sau. Má Tân chua chát nhắc lại câu đó với bà sui hụt.

Má Lụa bỏ má Tân đứng chơ vơ ở cổng rào, ngúng nguẩy quay vô nhà tiếp thông gia. Thông gia này chơi sộp, bỏ rượu thôi mà chục cây vàng để kèm trong tráp lễ. Nghe nói nhà thông gia đâu tận thành phố, chồng tương lai của Lụa là tay kinh doanh bất động sản mới nổi. Gã trai ấy chỉ quen đi giày tây, đâu có sểnh ra là chân trần bám đầy bùn đất như Tân. Vậy mới xứng với hoa khôi xóm. Chớ nhìn Lụa đẹp như bông mai bông đào mà đứng cạnh Tân, bèo nhèo như… à mà thôi! Má Tân vô tình nghe người ta méc về mấy lời của bà sui hụt, ứa ruột ứa gan, mà cũng ngậm đắng nuốt cay chứ biết làm sao.

Tư Xà sửa lại bộ móng ngựa, bỏ điếu xì gà dang dở, ngó ra hàng rào, thấy một đám người áo xanh áo đỏ đứng nhốn nháo nói cười bên nhà Lụa. Trong đám đó, thấp thoáng có người khoác áo ba-đờ-xuy. Đàn ông xóm này, cao sang lắm cũng chỉ đóng bộ vest. Nông dân rặt, ai cũng lúng ta lúng túng khi phải khoác lên mình thứ áo quần sang trọng đó. Chỉ trừ một người. Đương nhiên, người ấy không phải nông dân. Cái nghề phiên dịch cuốn đôi chân ông ấy đi suốt, nghe đâu sau này cặp một cô Việt kiều để nuôi "giấc mơ Mỹ".

Nhưng lâu rồi, xóm này chắc cũng không ai nhớ nổi tên tuổi hay bóng dáng ổng, ngoài Tư Xà.

Lòng dạ Tư Xà nghe như muối xát. Buốt rát hơn là khi mắt ông chạm phải cái dáng thất thểu quay lui của má Tân. Nghe như bên Lụa thất hứa cũng có phần lỗi của mình, không cố gắng nói thêm, vun đắp cho mối tình của thằng Tân, con Lụa. Từ dạo đó, Tư Xà ít nói hơn, nếu nói, chỉ nói với con ngựa cũng đang thời kỳ quá độ, cũng sắp nghễnh ngãng như mình. Cuộc đời này, người ông thương không nhiều đâu. Ngoài vợ đã mất, ngoài đứa con gái thợ may tên Nương hiền dịu trong nhà, ông thương má con Tân như người ruột thịt. Người ngoài mà vậy. Còn ba Tân, phủi tay cái là phủi sạch nghĩa tình, như phủi bụi mờ trên lộ - ngày ông bước lên chiếc xe rồi đi biệt, dễ sao là dễ!

***

Lụa có chồng giàu, thêm phần tươi da thắm thịt. Mấy lần lướt qua Tân mà như kẻ lạ người xa. Tân khẽ mỉm cười chua chát. Tân mới hai mươi tuổi, cái tiền đồ bác sĩ của anh còn xa tít tận năm, sáu năm nữa, Lụa đâu có thần nhãn nhìn tới chừng đó năm. Anh không trách ai, chỉ trách mình vô duyên. Dần dà, Tân cũng biết tự mổ xẻ những nỗi buồn, sân hận rồi khâu vá vết thương lòng, một mình.

Tiền vàng hồi hỏi cưới Lụa, má đem bán hết cho Tân đóng học phí khi anh đậu đại học. Chi phí học ngành bác sĩ không phải rẻ. Sau đó lần lượt mấy bầy bò thịt khác cũng ra đi. Nuôi bò chứ không phải trồng rau vài ba bữa là có thể cắt bán được. Bữa má ngồi thẫn thờ trước sân suy tính thì gặp "bà sui hụt" đi ngang.

- Có chuyện gì à chị? Nói tui nghe, biết đâu tui giúp được!

Không biết xui khiến sao mà má Tân nghe lời ngọt như đường phèn của má Lụa. Rồi bả đưa thằng rể tới. Nó ra bên hông nhà, nện nện đế giày tây xuống nền đất. Cái mụt ruồi như hột đậu đen dính ngay mép miệng đẩy qua đẩy lại khi nó cất giọng kỳ kèo giá cả.

- Đất này chưa lên thổ cư. Giá này là con tính giá cho người quen, dù gì thì dì cũng là xóm giềng thân thiết với má vợ con, nên con trả cao hơn chỗ khác.

Vậy là đứt một nửa miếng đất. Má an ủi Tân:

- Mình ăn nhiều chứ ở bao nhiêu đâu con!

Má không xót khi phải bán miếng đất đã bảo bọc hai má con bấy lâu. Mà bà chua xót khi biết chồng Lụa đã phù phép nâng giá miếng đất lên gấp năm, gấp mười lần cái giá rẻ bèo đã trả cho bà - khi sang qua chủ mới.

***

Mỗi lần nghỉ hè, Tân về nhà là mỗi lần thấy Nương treo áo dài cưới trên sào. Anh thấy lạ.

- Mùa mưa gió dầm dề này, ai mà cưới, em treo ra làm chi?

Mắt Nương chỉ chực chờ ướt sũng.

- Kể cả mùa cưới, cái áo này cũng không ai ngó tới, em không bán được. Vía chị Lụa nặng quá, anh!

Giọt nước mắt ấm ức của Nương theo Tân vô giấc ngủ. Nương là bạn từ thuở thiếu thời cơ cực của anh đến tận bây giờ. Cô thôn nữ hiền lành như bông lúa, lúc nào cũng dịu dàng tỏa hương ngầm. Tân nói:

- Để anh mai mối một anh chàng nào đó trên thành phố cho em nghen?

Nương im lặng. Nhưng hễ lần nào Tân đưa bạn thành phố về, cô cũng có việc đi khỏi nhà, khi là đám tiệc họ hàng xa, khi là đi đám cưới bạn. Chiếc áo dài đỏ thắm vẫn phất phơ trên sào.

Nửa căn nhà còn lại của má con Tân bỗng nhiên lên giá vù vù khi vùng ven này bất ngờ được lên thành phố. Một khu dân cư sang trọng, từng lô mấy chục tầng cao ngất được hình thành trên mấy trăm mẫu ruộng bạt ngàn. Dù buồn thắt ruột khi rời khỏi nơi đã thân thuộc từng bữa cơm giấc ngủ, má con Tân cũng phải rời đi, sau khi được đền bù thỏa đáng. Phía bên kia đường, nhà má con Lụa, nhà Tư Xà vẫn nằm im, không động tĩnh vì đã vướng quy hoạch. Bữa má con Tân mở tiệc tân gia nhà mới trên đường lộ, má Lụa hấm hứ bực mình.

Tư Xà ngồi lặng trước hàng ba, ngẫm ngợi. Vậy là hằng ngày ông không còn thấy được bóng dáng má Tân qua lại đường này. Nỗi buồn như dài ra. Dài như con lộ lớn nối vùng ven này đi tận Sài Gòn, hồi cách đây hai mươi năm.

***

Hồi Tân lên tám là ba đi một bận mất hút. Anh nhớ rõ cái tướng cao ráo, đóng bộ tây lịch lãm, khoác ngoài ba-đờ-xuy xám tro. Đôi giày da của ông chừng như lạc lõng giữa con đường đất bỏ bụi mù tung mờ mịt suốt mấy tháng mùa khô. Con đường đó ngửa mặt ra phía lộ lớn có cái bến xe lam đi một chuyến dài xuống thị thành. Tân chạy chân trần theo ba ra tận bến xe. Khi tiếng nổ phành phành của xe lam chỉ còn như tiếng pháo lép xa tít mù, anh mới lủi thủi quay về. Buổi chiều đó đã thành một thước phim tua chậm trong trí nhớ non nớt của thằng con trai.

Sau này, lớn hơn chút, có một dịp Tân được Tư Xà đánh xe ngựa đưa ra khỏi vùng ngoại thành này, rồi bắt xe đò xuống Sài Gòn kiếm nhà ba. Ông không có ở nhà. Chỉ có thằng con trai mặt mũi nhọn choắt, đẩy he hé cánh cổng sắt đồ sộ mạ màu đồng, nhíu mắt hỏi tên anh. Rồi khi nghe Tân nói mình là con của ba, thằng đó đóng sầm cửa, thả một câu ơ hờ: "Nhầm rồi! Ổng là cha tôi. Chắc trùng tên thôi. Anh tìm chỗ khác thử". Tân uống trà đá cầm hơi, canh chừng cả ngày trời. Chạng vạng thì ba về. Cái tướng người trong bộ vest vẫn vậy, chỉ là hơi chậm chạp. Cặp mắt sau tròng kiếng đen rất ngầu kia có bớt sắc lẹm đi chút nào không, anh không biết. Nhưng cái cặp ria mép hơi dảnh lên phía nhân trung, Tân không quên được. Tân muốn chạy băng qua đường kêu ba ơi ba hỡi. Chắc ông sẽ sững sờ. Chắc ông sẽ vòng tay ôm anh thắm thiết. Mà thôi, cái đoạn tưởng tượng cứ để nó nằm yên trong trí, sẽ đẹp hơn. Ông rảo giày qua cổng. Tiếng khóa cổng lách cách. Tân đứng khựng bên này đường. Chiều đánh rớt vài cái lá me khô xợt qua mặt Tân. Vậy thôi mà anh thanh niên ngoại thành cũng giật mình, ngơ ngác giữa Sài Gòn.

***

Tiệc tân gia trôi qua có vài ngày thì bữa nọ, má Tân chết lặng khi thấy bóng dáng người mặc ba-đờ-xuy run rẩy trước cổng nhà.

Tân không ngạc nhiên. Bữa đụng mặt chồng Lụa giữa đường là anh biết thế nào cũng có ngày này. Má không biết chồng Lụa là ai. Nhưng cái mụt ruồi như hột đậu đen trên cái mặt choắt của thằng con trai đó, Tân không bao giờ quên được, dù nó có đóng sầm cửa bao nhiêu lần đi nữa. Ba nói, chồng Lụa đang vướng lao lý vì làm giả giấy tờ đất nhiều nơi, "bùa" nhiều dự án trên giấy. Căn nhà của ông ở Sài Gòn cũng phải cầm cố để nộp phạt. Chua chát hơn, đó là con riêng của vợ sau. Hai người không có con chung. Người vợ sau cũng đã mất lâu rồi.

Hôm đi hỏi cưới Lụa, ông xấu hổ đến mức bỏ về ngay sau khi làm lễ. Cái quay lưng thất thểu của má Tân như vết dao khoét vô nỗi ân hận muộn màng của ông. Ông sợ hãi khi nhìn thấy người mình từng phụ bạc. Ông muốn mình biến mất trong trí nhớ người xứ này. Chuyện lâu rồi, má Lụa - bà thông gia của ông cũng không nhớ nổi ông là ai trong xóm cũ.

- Bây giờ, tui chỉ còn đếm từng ngày, hai má con có tha thứ hay không, tui nhận hết…

Tân quay mặt đi, giấu đôi tay run run trong túi quần. Căn bệnh của ông giờ có núi tiền cũng không cứu nổi. Tân giờ là bác sĩ cũng chào thua, chỉ biết còn nước còn tát.

***

Tư Xà lãng tai nhưng cũng nghe ra được lời xin lỗi của ba Tân, mừng mừng tủi tủi, vỗ vai cái người hồi xưa từng coi khinh nghề xà ích nghèo mạt của mình.

- Anh chịu về là mừng rồi. Hèn gì cô Út cứ chờ miết, hông ưng… tui!

Má Tân liếc Tư Xà một cái dài sọc.

- Tui ưng anh, là tui ác với con Nương, thằng Tân dữ lắm. Anh làm ba mà hông để ý tới con mình gì hết trơn!

Má Tân nhìn Nương mắc cỡ, tay cứ cuộn cái lai áo đến mức cong queo. Nhiều lần má thấy Nương nhìn theo bóng Tân đi ra lộ, lên xe về Sài Gòn học mà mắt ầng ậng nước. Thử hỏi, má ưng Tư Xà sao đành? Gái gần ba mươi, Nương như bông lúa đã trổ đòng. Cái mùi thơm của lúa trổ đòng theo Tân từ lâu. Giờ thì anh mới biết tại sao mỗi mùa hè anh về là cái áo dài cưới Nương may cứ phất phơ trên sào. Người ta thương anh lâu lắm, mà anh nào hay!

***

Tư Xà nheo mắt cười.

- Anh ráng khỏe đặng còn mần sui với tui. Tui đánh xe ngựa đưa dâu về nhà anh. Bận này nữa thôi là tui cho cặp ngựa nghỉ hưu luôn đó.

Nụ cười của ba Tân như run lên trong một buổi sớm mai trời hây hẩy nắng, gió chạp lướt ngang nhà. Tư Xà nhấp ngụm trà, ngẫu hứng ngâm thơ.

Tiền tài như phấn thổ,

Nghĩa trọng tợ thiên kim

Con le le mấy thuở chết chìm

Người bạc tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi

Phải mà cách đây hai mươi năm, chắc Tư Xà đâu dám thốt ra mấy câu thơ đó. Nhưng mà, mùa này dịu dàng quá. Hai ông sui ngồi trước hiên nhà. Hai mái đầu bạc trắng, cười khà, bàn chuyện cưới xin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.