Sau khi xả trạm và ngưng hoạt động từ rạng sáng 1.12, lúc 23 giờ 15 hôm qua, Trạm thu phí tuyến đường tránh Cai Lậy đặt trên QL1 bắt đầu hoạt động thu phí trở lại.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, thời điểm trạm hoạt động trở lại tuyến đường này khá thông thoáng, lượng phương tiện lưu thông không nhiều.
Tại mỗi cabin, đơn vị thu phí bố trí 2 nhân viên thu phí, 1 nhân viên bảo vệ. Khu vực quanh trạm thu phí không còn xuất hiện các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, thanh tra giao thông... cùng phương tiện chuyên dùng để cẩu kéo xe như ngày 30.11. Trong khoảng 30 phút đầu, trạm hoạt động khá bình thường.
VIDEO: Trạm thu phí BOT Cai Lậy thu phí trở lại lúc nửa đêm, có sẵn tiền 100 đồng thối cho tài xế
Lúc 23 giờ 30, ngày 1.12 trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã cho nhân viên trở lại cabin thực hiện thu phí trở lại. Có tài xế đã nhận tiền thối mệnh giá 100 đồng.
Bộ Giao thông vận tải vừa phát đi thông cáo khẳng định đang tích cực phối hợp với Bộ Công an, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức thu phí tại trạm BOT Cai Lậy.
Tuy nhiên, từ lúc 23 giờ 45, bắt đầu xuất hiện tình trạng tài xế sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm và yêu cầu thối lại tiền thừa 100 đồng. Nhân viên trạm thu phí sau khi kiểm đếm tiền đã đưa tờ 100 đồng trả tài xế. Đến khoảng 0 giờ ngày 2.12, một đầu kéo container dừng lại giữa làn thu phí với lý do thu phí mà chưa thông báo. Sau khoảng 10 phút, phương tiện này mới chịu rời khỏi trạm dưới áp lực của một nhóm người mặc thường phục... Toàn bộ nội dung được truyền trực tiếp trên một tài khoản mạng xã hội.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH BOT Tiền Giang - đơn vị đầu tư tuyến đường tránh và trạm thu phí, cho biết đã chuẩn bị đầy đủ tiền mệnh giá 100 đồng để thối lại tài xế khi có yêu cầu. Trước đó, tối 1.12, bà Nguyễn Thị Đậm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tiền Giang, xác nhận do nhu cầu tăng đột xuất xung quanh vụ việc tại BOT Cai Lậy nên NHNN chi nhánh Tiền Giang đã có đề xuất NHNN trung ương điều chuyển loại tiền 100 đồng về Tiền Giang.
Trước đó, sau hơn 3 tháng tạm dừng hoạt động (từ 15.8), 9 giờ ngày 30.11 Trạm Cai Lậy hoạt động trở lại. Hàng trăm người thuộc các lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát hình sự và cả lực lượng an ninh... cùng các phương tiện chuyên dụng như xe cứu hỏa, xe cứu hộ, xe cứu thương được huy động tới khu vực trạm thu phí.
Tuy nhiên, trạm chỉ hoạt động được hơn 3 giờ đồng hồ, đến 12 giờ 45 cùng ngày thì phải “xả” lần 1 vì giới tài xế sử dụng tiền lẻ 200 đồng, 500 đồng và tiền mệnh giá 500.000 đồng để mua vé qua trạm, dẫn đến đôi co, kéo dài thời gian giữa nhân viên thu phí với tài xế, gây ùn tắc giao thông. Sau đó, trạm phải “xả” thêm 1 lần cũng vì nguyên nhân trên. Đến lần “xả trạm” thứ 3 vào rạng sáng 1.12, Trạm BOT Cai Lậy tạm dừng hoạt động. Trong ngày đầu thu phí trở lại này, lực lượng công an đã đưa 2 tài xế về trụ sở làm việc.
Hai người bị công an cưỡng chế 'mời' lên xe về trụ sở làm việc, ba lần cánh tài xế dùng tiền lẻ để phản đối, yêu cầu thối đúng 100 đồng và ba lần BOT Cai Lậy phải xả trạm. Đến trưa 1.12, trạm BOT Cai Lậy vẫn chưa hoạt động lại.
Trong một diễn biến khác, chiều 1.12, Bộ GTVT ra thông cáo cho biết đang tích cực phối hợp với Bộ Công an, UBND tỉnh Tiền Giang và các đơn vị liên quan tổ chức việc thu phí tại Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để hoàn vốn cho dự án. Theo Bộ GTVT, các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối an ninh, trật tự tại Trạm thu phí Cai Lậy. Bộ GTVT khẳng định trong quá trình triển khai dự án đã nhận được sự đồng thuận của HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, trình tự thủ tục tuân thủ quy định pháp luật.
Trước bức xúc của người dân và tài xế về vị trí trạm, Bộ GTVT vẫn khẳng định đã nghiên cứu các phương án đầu tư tăng cường mặt đường QL1, đồng thời nghiên cứu phương án mở rộng QL1 đoạn qua TX.Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe. Cũng theo bộ này, kết quả nghiên cứu cho thấy phương án đầu tư riêng tuyến tránh, đặt trạm trên tuyến tránh và phương án đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường, đặt trạm trên QL1 là hợp lý. Bộ GTVT cũng đã nhận được văn bản đồng thuận của HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang về vị trí đặt trạm trên QL1 hiện hữu.
Bình luận (0)