(TNO) Lúc hơn 20 giờ ngày 4.10, nhà báo Lê Phú Khải điện thoại báo tin: "Cụ Võ vừa qua đời!". Tôi bất ngờ và hỏi lại: "Ai?". Anh nói: "Nước mình có hai cụ Võ nhưng ông Kiệt đã đi trước rồi".
* Chuyên đề: Vĩ đại Võ Nguyên Giáp
|
Tôi không bất ngờ vì biết mấy năm nay các bác sĩ, giáo sư chăm sóc cụ rất chu đáo ở Viện Quân y 108 Hà Nội, vì tuổi cao chớ không có bệnh gì. Song, người sống qua tuổi 100 là rất hiếm, mà cụ nay tuổi đã sang 103 rồi.
Tôi quặn lòng nhớ miền Trung còn đang tả tơi vì cơn bão số 10 càn quét, nay lại cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước chung cảnh bão lòng.
Đau thương chồng chất đau thương!
Tôi ngại biểu lộ tình cảm mình lúc này vì sợ mang tiếng là "ăn theo vĩ nhân và sự kiện lớn". Nhưng khi ngắm kỹ tấm ảnh tôi được chụp chung với Đại tướng có ghi ngày tháng, tự nhiên tôi lại bồi hồi xúc động. Đó là ngày 7.5.1992. Chính ngày kỷ niệm 38 năm chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động năm châu rúng động địa cầu". Và cũng như lần thứ nhất Đại tướng về thăm cũng là ngày đặc biệt, kỷ niệm 30 năm chiến thắng.
Tổng tư lệnh ngày ấy dành tình cảm đặc biệt, đến thăm bộ đội An Giang và Quân khu 9 mà sao tôi không để ý.
Thật tình thì đất nước vừa đổi mới còn lắm ngổn ngang, người người đều bận việc, bận tâm, kể cả tâm sự dẫy đầy. Tôi không ngoài hoàn cảnh ấy, nhưng qua lần đón tiếp duy nhất ấy cứ để lại trong tôi một nỗi niềm khôn tả, đeo đẳng suốt từ bấy đến giờ.
Tôi còn nhớ hôm ấy là ngày 5.5.1992. Tôi được Thường trực Ủy ban phân công thay mặt Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh với tư cách Phó chủ tịch đón tiếp Đại tướng về thăm bộ đội và đồng bào từ ngày 6 đến ngày 7.5. Nhưng trong chương trình, Đại tướng chỉ có ghé qua thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh rồi đi Quân khu 9.
Điều ấn tượng khó quên là năm ấy Đại Tướng tròn 80 tuổi mà trông rất phương phi, sắc mặt hồng hào và luôn rạng rỡ khi tiếp chuyện mọi người. Tôi buột miệng hơi vô duyên: "Đại Tướng còn khỏe quá".
Phu nhân cụ, bà Đặng Bích Hà tiếp vào: "Tối nào cụ cũng ngồi thiền một tiếng, ngủ ngon và mỗi sáng điểm tâm với 2 quả trứng vịt lộn". Khi tôi đến nhà nghỉ đón, hình như sợ tôi sốt ruột vì ngồi chờ mình đang thay quân phục, cụ nói như phân bua: "Mình đi thăm và nói chuyện với bộ đội phải mặc cho nghiêm chỉnh!".
Đến bộ chỉ huy, cán bộ chiến sĩ đón tiếp nồng nhiệt, cụ rất vui. Phía bàn trên, mọi người đã bắc sẵn cái ghế cho cụ, nhưng cụ vẫn kêu bắc thêm một ghế nữa rồi đưa tay ra hiệu mời tôi ngồi. Tôi lúng túng đẩy qua Thiếu tướng Võ Khắc Sương và Đại tá tỉnh đội trưởng Bùi Văn Huấn (Út Lê) nhưng hai anh vẫn khước từ. Còn cụ thì nói như ra lệnh: "Ở đâu cũng phải có chánh quyền, Ủy ban phải lên đây!".
Khi Đại tướng nói chuyện với bộ đội, tôi thấy ông nhấn mạnh vấn đề đoàn kết nội bộ; đồng đội, đồng chí với nhau phải thương yêu, chớ tị hiềm, hiếp đáp nhau thì làm yếu lực lượng và không phải là Bộ đội cụ Hồ.
Trên đường đưa Đại tướng đi Quân khu 9, tôi mời cụ đi cùng xe với tôi. Trên đường đi, tôi chỉ hỏi cụ lúc này có đảm trách việc gì không. Cụ nói: "Tập trung nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh lớn lắm, nghiên cứu mãi không hết!". Tôi xin phép cụ được chụp ảnh lưu niệm, Đại tướng vui vẻ hỏi: "Có máy không?". Tôi đưa máy cho đồng chí bảo vệ đang ngồi ngang tài xế nhờ bấm máy giùm. Tấm ảnh ấy đối với tôi luôn là của quý nên tôi cất rất kỹ. Hôm nay tôi trân trọng treo lên, ngày ngày như thấy cụ còn tại thế và mỉm cười nhắc tôi sống phải có tâm và biết nhẫn.
Ba tôi - hồi còn sanh tiền - hay nói: "Trên núi có cây ngàn năm, dưới thế không người trăm tuổi". Câu này không biết ông dựa vào đâu, nhưng ông giải thích cho tôi có đến hai nghĩa: Người thọ "bách niên" và người tốt được "lưu danh thiên cổ" không có, giống như danh mộc có tuổi ngàn năm trên núi.
Hôm nay, tôi thành kính thưa với ba tôi rằng: Dưới thế gian này có người sống hơn 100 năm và tên thì lưu đến ngàn năm. Người đó là ĐẠI TƯỚNG của chúng ta: Anh Văn - Tướng Giáp!
Thành kính dâng nén hương lòng lên anh linh Võ Đại Tướng Đất nước trăm năm ngoại xâm dày xéo Người có tuổi trăm năm làm nên điều kỳ diệu: Là Tổng tư lệnh đội quân "nóp với giáo..." Đánh bại bốn kẻ ngoại bang cùng mười tướng bằng vai Lịch sử danh nhân, danh tướng chẳng có ai Chỉ một lần phong thành tên riêng: "Đại tướng" Là Anh Cả đời đời của đoàn quân bách thắng Bè bạn và dân tin yêu, cựu thù ngưỡng vọng Nhường vinh quang sau khúc khải hoàn Xa lạ oai quyền, sống nhẫn, sống nhân văn Tàng ẩn từ tâm bên trong Võ tướng Người đã sống một đời cao thượng Không nhiễm phù sinh nên không chết nhọc nhằn Lặng lẽ rời ngôi như ánh sao băng Đất nước quặn lòng nghiêng mình vĩnh biệt Người nối người trong nỗi niềm thống thiết Kết vành tang lên lá Quốc kỳ Kim cổ năm châu thế kỷ mấy ai Đại Tướng thiên tài! Người là Thiên tướng! Long Xuyên, ngày 6.10.2013 |
Nhớ lần Đại tướng về thăm An Giang ngày 6-7.5.1992, nhân kỷ niệm 38 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ
Long Xuyên, ngày 8.10.2013
Nguyễn Minh Nhị
(Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)
>> Cận cảnh Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Võ Nguyên Giáp - vị anh hùng mang tầm vóc quốc tế
>> Chính thức chọn Vũng Chùa - Đảo Yến để an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Chuẩn bị kỹ cho Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được chuyển bằng máy bay vào Quảng Bình
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp - chiến lược gia kiệt xuất
>> Họp chọn điểm an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Video clip: Lính Điện Biên nhớ người anh cả Võ Nguyên Giáp
>> Giáo sư sử học Mỹ Larry Berman: Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rõ kẻ thù
Bình luận (0)