Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine sáng qua (1.3) tuyên bố trong 24 giờ trước đó, các lực lượng nước này đã đẩy lùi hơn 85 cuộc tấn công của Nga về phía TP.Kupiansk thuộc tỉnh Kharkiv cũng như các thành phố Lyman, Bakhmut, Adviika và Shakhtarsk thuộc tỉnh Donetsk, theo trang The Kyiv Independent. Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine còn nói rằng không quân nước này đã thực hiện 11 cuộc không kích nhắm vào các căn cứ tạm thời của Nga.
Xem nhanh: Ngày 370 chiến dịch, Ukraine sẵn sàng phản công; máy bay Nga bị 'quân mình' bắn nhầm?
"Tâm điểm của các cuộc xung đột"
Trong số các thành phố trên, Bakhmut là nơi các lực lượng Nga cố bao vây trong 7 tháng qua mà vẫn chưa giành được quyền kiểm soát. Quân đội Ukraine hôm qua thông báo lực lượng Nga tiếp tục tiến quân và không dừng tấn công nhắm vào Bakhmut, theo Reuters. Trong bài phát biểu vào khuya 28.2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay "cường độ giao tranh chỉ có tăng" và trận chiến giành Bakhmut là "khó nhất", nhưng nhấn mạnh bảo vệ thành phố là việc thiết yếu.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar ngày 28.2 cho hay tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy Lực lượng bộ binh và Bộ Tư lệnh tác chiến miền Đông của Ukraine, đã ra lệnh gửi thêm quân tới Bakhmut sau khi ông Syrskyi thăm tiền tuyến vào ngày 25.2, theo The Kyiv Independent. "Bakhmut đã trở thành tâm điểm của các cuộc xung đột trong vài tháng qua. Kẻ thù đã tập trung các nỗ lực chính của họ ở đó vì muốn tiến tới biên giới của tỉnh Donetsk", ông Maliar khẳng định.
Quân đội Ukraine điều viện binh tới "máy nghiền" Bakhmut
Trước đó, tướng Oleksiy Hromov, sĩ quan cấp cao trong Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine, ngày 23.2 cho hay đã có khoảng 380 vụ đụng độ được ghi nhận trong khu vực kể từ đầu tháng 2. Ông Hromov cho rằng mục tiêu của Nga có thể là sớm giành được các thành phố "trọng yếu" của tỉnh Donetsk và kiểm soát toàn vùng Donbass trước mùa hè. Donbass là vùng công nghiệp trọng điểm, bao gồm hai tỉnh Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine.
Dự đoán mới của Mỹ
Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl ngày 28.2 cho hay Mỹ không cho rằng Nga sẽ giành được những phần lãnh thổ đáng kể ở Ukraine trong tương lai gần. "Mọi người có thể thấy một phần nhỏ lãnh thổ bị đổi chủ trong vài tuần hay vài tháng tới. Tôi không nghĩ rằng có bất cứ điều gì tôi chứng kiến mà cho thấy người Nga có thể càn quét Ukraine và giành được những phần lãnh thổ đáng kể vào bất kỳ lúc nào trong vòng một năm nữa", Reuters dẫn lời ông Kahl phát biểu tại một phiên điều trần ở Hạ viện Mỹ.
Chuyện cô gái Ukraine nhập ngũ dù cả nhà phản đối
Đến tối qua chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với nhận định trên của ông Kahl. Các lực lượng Nga được cho là đang kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ ở Ukraine, theo Reuters.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28.2 lặp lại lập trường của Moscow rằng họ sẵn sàng tham gia các cuộc hòa đàm để chấm dứt cuộc xung đột, nhưng Ukraine và các đồng minh phương Tây phải chấp nhận việc Nga sáp nhập các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia ở miền đông và nam Ukraine sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9.2022.
Trong khi đó, Kyiv lâu nay loại trừ các cuộc đàm phán với Moscow và yêu cầu quân đội Nga rút khỏi biên giới Ukraine đã được xác định khi nước này tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991, theo Reuters. Ngoài 4 tỉnh nói trên, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea trong năm 2014.
Tình báo Mỹ, Ukraine không thống nhất về khả năng Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga
Belarus đồng ý đề xuất của Trung Quốc về Ukraine
Theo AFP, Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus ngày 1.3 đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Minsk "hoàn toàn ủng hộ" các đề xuất của Bắc Kinh về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ông Lukashenko cho biết các nước nên đưa ra quyết định chính trị có trách nhiệm để ngăn thế giới rơi vào một cuộc đối đầu toàn cầu mà chẳng bên nào thắng. Ông Tập cũng kêu gọi các bên bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh, đồng thời hợp tác để xây dựng cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững.
Các phát biểu của hai nhà lãnh đạo được đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của ông Lukashenko đến Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh đã công bố lập trường về cuộc xung đột ở Ukraine, khẳng định Trung Quốc là một bên trung lập và kêu gọi đối thoại. Trong chuyến thăm Bắc Kinh, ông Lukashenko cũng đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tuyên bố rằng hai nước đang hợp tác trên mọi phương diện.
Đông A
Bình luận (0)