Sinh thời, Thiếu tướng - Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã tâm sự trong một lần trò chuyện cùng cơ quan báo chí như vậy. Từ ngày được phong hàm tướng (1948) cho đến khi qua đời (1997), suốt nửa thế kỷ ông mang trên vai quân hàm thiếu tướng. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, ông chỉ mặc đồ bà ba, mặc quân phục như bộ đội, chẳng bao giờ đeo “lon”.
Ông Lý Toét ở Paris
Năm 1936, từ Việt Nam sang Pháp, Phạm Quang Lễ (tên khai sinh của thiếu tướng Trần Đại Nghĩa) thi vào Trường Quốc gia cầu cống Paris. Đây là ngôi trường danh giá của nước Pháp. Chẳng hề đi chơi, sau giờ lên giảng đường, ông đóng cửa trong phòng mà học. Nhiều bạn học gọi là “ông Lý Toét ở Paris”. Làm việc 16 giờ/ngày mà ông vẫn thấy không đủ. Luôn canh cánh về tính mạng của đồng bào trước vũ khí hiện đại của thực dân Pháp, ông vào các thư viện lớn, tìm hiểu về vũ khí, thuốc nổ. Cuối năm 1946, ông theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước. Từ đây, tài năng chế tạo vũ khí của ông được dịp phát huy.
Đó là những ngày chuẩn bị Toàn quốc kháng chiến (12.1946). Xe tăng, xe bọc thép của Pháp nghênh ngang tung hoành mà Việt Minh chưa có thứ vũ khí nào để ngăn được. Để phá chiến xa, lục quân Nhật dùng bom ba càng, tuy rất có hiệu lực nhưng không an toàn. Bom nổ, xe tăng bị phá hủy, đồng nghĩa với người sử dụng phải hy sinh. Một số cảm tử quân Hà Nội sau đó đã xả thân như vậy. Riêng kỹ sư Trần Đại Nghĩa không có ý định nghiên cứu sản xuất bom ba càng mà chỉ nghiên cứu sử dụng thứ vũ khí này sao cho an toàn.
Lúc này, ông nghĩ đến bazoka. Ông đã được biết về uy lực của súng, đạn bazoka khi quân Đồng minh đổ bộ vào Pháp. Sau một tuần lễ về Hà Nội, ông lên Thái Nguyên nghiên cứu làm đạn chống tăng. Đầu năm 1947, từ Hà Đông, súng và đạn bazoka 60 li của Việt Minh do Trần Đại Nghĩa chế tạo đã thể hiện uy lực khi khiến xe tăng và xe bọc thép của Pháp đứng khựng. Cùng với những sáng chế tiếp theo trong ngành quân giới, ông được mệnh danh là “Ông Phật làm súng” với nhiều huyền thoại xung quanh cuộc đời mình.
|
Không để tư ảnh hưởng công
Ngôi nhà của gia đình thiếu tướng Trần Đại Nghĩa trầm mặc trên phố Hàng Chuối (Hà Nội). Ít ai ngờ một trí thức tên tuổi lừng lẫy thế giới vậy mà nếp sinh hoạt giản dị như mọi gia đình xung quanh. Vợ chồng đại tá Trần Dũng Trí, con trai cả của ông, kể:
“Sau ngày đất nước thống nhất, người thân của ông từ Vĩnh Long ra cũng phải bất ngờ. Cứ tưởng Bộ trưởng Trần Đại Nghĩa phải ở sang trọng thế nào...”.
Giờ đây, ông Nghĩa đã đi xa hơn 20 năm. Bà Nguyễn Thị Khánh đã ngoài 90 tuổi, sinh sống trong TP.HCM. Các con của ông bà kể lại: “Đám cưới cha mẹ mình được tổ chức rất đơn giản tại Cục Quân giới (Bắc Kạn) vào giữa tháng 8.1947. Nhiều người nhắc nên mời Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới dự nhưng ông gạt ngay: “Bác và anh Văn đang rất bận việc nước, không nên để chuyện riêng ảnh hưởng việc chung””.
Ngày ông qua đời, theo phong tục tang ma truyền thống Việt Nam có rải vàng mã, nhưng bà Khánh nói với các con, lúc còn sống, ông không mê tín, nay ông không còn cũng đừng mua vàng mã rải đầy đường, vất vả cho người lao công quét dọn.
Khi Cố vấn Phạm Văn Đồng vào TP.HCM, ghé thăm thiếu tướng Trần Đại Nghĩa và hỏi: “Người ta nói thanh niên bây giờ sa sút vậy, theo anh thì làm sao để thanh niên phát triển tốt lên để xây dựng đất nước?”. Ông Nghĩa trả lời: “Nếu có một bộ phận thanh niên sa sút về lối sống và chí tiến thủ thì hẳn là do các bạn trẻ ấy khi vào đời không được tận mắt thấy tính chất dũng cảm của người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến gian khổ!”. Theo ông, đổ lỗi cho thanh niên thì không nên mà phải tự trách người lớn đã không biết giáo dục cho lớp trẻ biết chịu khó học trong cái nghèo, cái khó, biết cần cù lao động.
Bình luận (0)