Giang Trang níu vai hoạ sĩ Kỳ Nam, người đệm guitar cho mình hát nhạc Trịnh Công Sơn từ khi cô mới 18 tuổi. “Cho em hát thêm bài nữa được không”, Giang Trang nói. Cô đã hát thêm 3 bài nữa khi được yêu cầu hát tặng khán giả.
Khán giả tới nghe Giang Trang hát tối 11.12 tại L’Espace Tràng Tiền đều là những người bạn đã nghe cô hát nhiều năm. Họ bỏ xem trận chung kết AFF Cup 2018, đội mưa lạnh buốt tận khớp xương tới đây. Trong số này có cả cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Jean Noel Poirrier. Chính Giang Trang đã hát trong bộ phim tài liệu mà ông lên ý tưởng thực hiện Hà Nội của tôi (Mon Hanoi). Ông đến đây giữa những chuyến bay dài, nghe cô hát rồi sẽ lại trở về Campuchia với gia đình rất nhanh. Vợ chồng ông đều xem Trang như một người bạn âm nhạc thân tình.
Giang Trang đã hát nhạc Trịnh Công Sơn trên sân khấu từ năm 18 tuổi. Khi đó, cô hát từng nốt nhạc như một người hát hay. Nhưng Trang hát nhạc Trịnh cứ khác dần, bằng những nghiên cứu ca từ và thêm “màu” cho ca khúc. Màu Thiền chẳng hạn. Nhưng lần này, Giang Trang hát khác. Cảm giác như cô đã để lại đằng sau mọi nỗi buồn, niềm vui để chỉ còn sự ngơ ngác vui đón nhận những nốt nhạc ấy, lời ca này, cuộc đời kia. Vì thế, cô hát được cả câu chuyện trong đời sống mà được hay mất không còn quan trọng nữa.
Chính vì thế, khi Giang Trang hát Rừng xưa đã khép rất chậm rồi lại nhanh dồn dập, người ta thấy một người khi sống chậm rồi lại thấy cuộc đời xôn xao hơn trước. Và tới khi cô hát “ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay” thì từ giọng ca ánh lên một tia nhạc vui. Trang đã đến thời kỳ hát như đang ngồi ngắm cuộc đời trôi chảy, kể cả vấp váp cũng vẫn trôi chảy bình thường.
Có lẽ vì thế, đây là đêm Giang Trang quyến rũ nhất, sáng sân khấu nhất từ trước tới giờ. Cô nghiêng người, cô xoè tay, vò tóc. Cô còn cầm mic như đang nói thầm vào đó, rồi tư lự. Trang đã làm chủ kỹ thuật biểu diễn, điều mà trước đây cô chưa từng nghĩ tới việc luyện tập. Nhưng khi cô hát thật tự nhiên, chân thành, cả cánh tay, khoé mắt đều như cùng hát.
Không gian Nguyệt Hạ 2 với đạo diễn Lê Thiết Cương và Trường Art cũng hợp với Trang. Đó chỉ là trăng tròn, thật tròn, chuyển qua những màu đơn sắc mang hơi hướng dân gian. Chiếc ghế đỏ tối giản mà ông Cương thiết kế riêng cho người hát, ánh sáng cũng như trăng tàn trên sân khấu, rất nhẹ và mềm. Nó pha loãng sự ngẫu hứng jazz ra khắp khán phòng thành một thứ jazz trìu mến, có cái tôi của nghệ sĩ, nhưng có cái chúng ta của cuộc đời.
Giang Trang, với Nguyệt hạ 2, như chính mong muốn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - luôn mong có nhiều cách hát nhạc Trịnh, nhiều người hát nhạc Trịnh. Giang Trang, như cô tự nhận, hát nhạc Trịnh một cách ngây ngô nhưng chân thành. Đêm nhạc, như cô nói, chỉ có 48 tiếng ráp tập giữa các nghệ sĩ, nhưng không hẳn là như vậy. Ban nhạc đã cùng cô trải qua những năm dài hát Trịnh ca, và người chơi piano - ông Hiếu - đã chơi bằng cả 15 năm xa Hà Nội, nhớ Hà Nội. Họ đã cùng nhau hát nhạc Trịnh Công Sơn bằng bao năm nghĩ về âm nhạc, hát lên những lời ca của ông mỗi khi đông bạn bè và cả lúc chỉ có một mình.
Vì thế, câu hát hay nhất của đêm hôm qua, chính là lúc Giang Trang hát “Nhiều khi muốn quay về, ngồi yên dưới mái nhà”. Mái nhà có thể là gia đình như nhiều người vẫn hiểu, nhưng cũng chính là bản thân cô trong bao nhiêu năm đi tìm mình trong nhạc Trịnh.
Trang hát độc lập bằng mọi trải nghiệm âm nhạc và đời sống mà mình đã trải qua. Vì thế, từng từ thốt lên là một lần được ngạc nhiên vì sức nặng tự sự cô đã trao trong khán phòng nhỏ. Nhờ đó, mỗi ca từ lại được hiểu thêm nhiều sắc thái đời sống khác nhau. Và công chúng, sau buổi tối hôm qua, chắc tới giờ vẫn ngạc nhiên, Trang là ai mà hát nhạc Trịnh trần gian thế?!
Bình luận (0)