Tràn lan ca khúc nhạt và nhảm

02/07/2018 08:27 GMT+7

Có không ít ca khúc được viết với ca từ nhạt nhẽo, thậm chí thô thiển, tục tĩu đang lan tràn trên mạng.

MV Như cái lò - sản phẩm kết hợp giữa Huyền Sambi và nhạc sĩ Khắc Hưng vừa ra mắt đã gây ra những tranh cãi, trong đó phần nhiều là những ý kiến phản hồi tiêu cực. Khán giả “dị ứng” với những ca từ vô nghĩa và phản cảm: “Đừng bắt em phải ra ngoài đường/Em chỉ cần có bốn bức tường/Một điều hòa và một cái giường/Nếu ra đường chỉ có/Nóng như cái lò/Nóng nóng nóng như cái lò… Cứ tiếp tục mà ểnh ương/Em cứ việc ở trên giường/Bởi vì anh là thiên đương đường, thiên đường/Anh sẽ khiến em lả lướt/Nơi đời em ao ước”.
Những ca từ trong đoạn rap (RTee viết lời) của ca khúc Em không hối tiếc (Hương Giang Idol hát) thì khiến người nghe phát “choáng” bởi sự trần trụi: “Vì độ cong của em và ngực trơn/Khiến đêm nay việc tán đổ em cực hơn/Màn đêm và rượu nay sẽ là cầu nối cho/Đôi mình xích lại gần thôi”.

Tôi nghĩ nhạc sĩ cần đọc thơ, cần trau dồi cảm xúc, trải nghiệm nhiều hơn để thoát ra khỏi kiểu viết ca từ quá ư là phù phiếm, suồng sã, bề nổi

Ca sĩ Tùng Dương

Vài năm trước, ca khúc Da nâu mà Phi Thanh Vân trình bày đã bị ném đá kịch liệt bởi ca từ bị cho là “ngớ ngẩn”: Da nâu, em sống trong khát khao/Da nâu, em sống trong ước ao/Da nâu, mang đến những ước ao/Da nâu, mang đến những khát khao…). Nhưng hiện tại ngày càng xuất hiện nhiều ca khúc “thảm họa”. Chẳng hạn Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu (Ưng Đại Vệ sáng tác, Song Luân hát) khiến người nghe phải phì cười: “Bơ vơ trong phòng/Cứ mải nghĩ suy/Mặt buồn hoài sẽ chẳng thay đổi được chi/Lấy mắt kính đeo/Tóc vuốt keo/Hôm nay sẽ phải đẹp cho em được yêu/Cho anh được đẹp/Cho em được yêu”.
Còn Oh my chuối (Sĩ Thanh hát, Addy Trần sáng tác) khiến người nghe “phát khiếp” bởi sự “nhảm” của ca từ: “Em thích chuối tây chuối ta/Anh mang chuối cho em nha/Đêm nay ta quẩy trong bar/Đến với em đêm nay, em không muốn về nhà/Đừng nói anh chỉ uống nước suối/Em sẽ gọi anh lần này là lần cuối/Đôi ta bên nhau đắm đuối”.
Càng cố gây sốc càng nhợt nhạt
Theo ca sĩ Tùng Dương, việc tồn tại những ca khúc nhạt và nhảm như vậy là do một bộ phận người viết ca khúc còn trẻ nghĩ sao viết vậy, cảm xúc bộc phát, một bộ phận khác thì dễ dãi trong sáng tạo, một bộ phận khác tìm cách chạy theo trào lưu, cố tình gây sốc để trở thành hiện tượng mạng. “Càng gây sốc thì ca từ càng nhợt nhạt”, Tùng Dương nói.
Thực tế, có không ít những ca khúc nhạt nhẽo lại trở thành “hit” trên mạng do có giai điệu dễ nghe. “Trên thị trường, có những bài hát được làm nên từ bộ beat mua ở nước ngoài. Người ta dễ dàng mua bộ âm thanh kiểu như vậy trên web với giá chỉ khoảng 12 - 20 USD, giống mua đồ chơi ghép hình rồi về lắp lại. Đưa vào đó những nội dung thậm chí hơi dung tục một tí có khi lại thành bài hát có nhiều người nghe”, nhạc sĩ Đỗ Bảo nhận xét.
Ca sĩ Tùng Dương cho rằng những nhạc sĩ tạo nên thứ âm nhạc dễ dãi phần nhiều vì vốn kiến thức không có. “Nhiều người không chịu đọc, trong đó có việc đọc thơ. Thơ là yếu tố giúp chúng ta viết lời hay, giúp cho những con chữ sắp xếp logic trong bài hát. Tôi nghĩ nhạc sĩ cần trau dồi cả cảm xúc, trải nghiệm nhiều hơn để thoát ra khỏi kiểu viết ca từ quá ư phù phiếm, suồng sã, bề nổi”. Anh cũng cho rằng sự tồn tại của những ca khúc nhạt nhẽo còn do chính người hát “đặt hàng”, tức ca sĩ.
“Hát là thể hiện văn hóa. Đến một thời điểm nào đấy, bạn không cần phải trưng trổ thể hiện nữa, mà quan trọng bạn hát cái gì, đề tài bạn lựa chọn. Chính vì vậy, đối với tôi, hát không chỉ là phát âm thanh từ trong cổ họng mà còn thể hiện chiều sâu trí tuệ. Đề tài, ca khúc, ca từ bạn lựa chọn thể hiện cho thấy bạn là người nghệ sĩ như thế nào”, Tùng Dương bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.