Chiếm mặt nước vịnh Bái Tử Long để nuôi thủy sản trái phép
Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, tại khu vực hòn Chín, xã Vạn Yên (H.Vân Đồn, Quảng Ninh) - một trong những hòn đảo tuyệt đẹp trên vịnh Bái Tử Long, hình thành khu nuôi thủy sản trái phép, quy mô lớn. Nơi này còn có lao động tới cư trú bất hợp pháp, nhưng chính quyền địa phương vẫn làm ngơ.
Một ngày đầu tháng 1, chúng tôi đến nhiều đảo trên địa bàn H.Vân Đồn, thấy hầu hết diện tích mặt nước, đầm đã hình thành nên các khu nuôi thủy sản trái phép; đặc biệt tại các xã Vạn Yên, Bản Sen, Thắng Lợi...
Ở hòn Chín, có nhiều tàu neo đậu, bên trên rất đông công nhân hối hả làm việc. Trong số này, có thợ lặn được trang bị đồ nghề sơ sài, với chiếc ống thở đơn giản đi thả ngao giống xuống biển.
Một lao động tại đây cho biết, họ cư trú ngay trên chiếc tàu xi măng nằm kế bên để vừa lao động vừa trông coi. Người làm tại đây không phải cư dân địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ngư dân Dương Văn Nghĩa bức xúc: "Chúng tôi đưa phương tiện ghé vào hòn Chín thì liên tục bị xua đuổi, kể cả những ngày gió bão, vì hàng chục ha mặt nước xung quanh đã bị chiếm dụng để nuôi hàu, ngao, ốc đá...".
Nhiều ngư dân khác thông tin, một người tên Lê Văn Hiền tổ chức đưa phương tiện, thiết bị vào nuôi thủy sản trái phép ở xung quanh hòn Chín, thuê lao động đến làm việc.
Đi dọc quanh hòn Chín và đảo Sậu Nam, chúng tôi ghi nhận rất nhiều khu vực nuôi thủy sản trái phép khác nằm sát luồng thủy nội địa, gây cản trở tàu thuyền qua lại. Người dân cho biết tình trạng này diễn ra từ nhiều năm nay nhưng không thấy chính quyền xử lý.
Trả lại bình yên cho vùng vịnh Bái Tử Long
Vịnh Bái Tử Long có rất nhiều hòn đảo lớn nhỏ đầy tiềm năng về kinh tế biển. Đặc biệt, nhiều đảo có nguồn nước sạch, phù du… là điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thủy sản.
Tuy vậy, theo UBND H.Vân Đồn, từ nhiều năm nay, xảy ra tình trạng nhiều diện tích mặt nước không được quản lý chặt chẽ, dẫn đến việc người dân tự ý nuôi thủy sản không đúng vị trí, vượt ranh giới được giao, cho thuê; lấn chiếm mặt nước để nuôi và vi phạm hành lang an toàn giao thông thủy nội địa... Thực tế này gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường, bất ổn về an ninh trật tự.
Điển hình, vào năm 2019 khi chính quyền tổ chức cưỡng chế các nhà bè nuôi thủy sản trái phép, đã bị một số đối tượng chống đối, ném bom xăng.
Ngư dân cư trú trái phép trên các tàu xi măng
LÃ NGHĨA HIẾU
Theo thống kê của UBND H.Vân Đồn, địa phương này được quy hoạch vùng nuôi thủy sản có diện tích gần 27.000 ha, thuộc 80 địa điểm, khu vực biển trên địa bàn. Hiện tại địa phương mới chỉ giao cho các tổ chức khoảng 1.440 ha và cho gần 300 cá nhân thuê trên 740 ha, tập trung tại các xã Hạ Long, Đông Xá, Thắng Lợi và Quan Lạn. Còn lại là các điểm tự phát, nuôi trồng thủy sản trái phép.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo H.Vân Đồn cho biết, thực hiện theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10.2.2021 của Chính phủ quy định về "Giao khu vực biển nhất định cho cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển", UBND H.Vân Đồn thành lập Ban chỉ đạo thực hiện tổ chức sản xuất, cấp phép nuôi trồng thủy sản, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản và xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè.
Theo danh sách các xã, thị trấn trên địa bàn H.Vân Đồn tổng hợp, hiện có khoảng 1.230 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu được cấp khu vực biển nuôi trồng thủy sản.
"Ngoài việc tạo điều kiện cho các hộ dân được thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp tự ý lấn chiếm; cơ sở trái phép để sớm lập lại trật tự nghề kinh tế biển trên vịnh Bái Tử Long", vị lãnh đạo H.Vân Đồn khẳng định.
Bình luận (0)