Ngày 7.9, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi). Đến ngày 9.9, Sở TT-TT Quảng Ninh tiếp tục thông tin rộng rãi đến người dân về tình trạng lừa đảo trên.
Theo đại diện Sở, các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.
Đến nay, dù đã bị nhiều người report (báo cáo) và báo chí đưa tin, fanpage giả mạo trên vẫn tồn tại trên Facebook, tiếp tục kêu gọi mọi người chuyển tiền từ thiện.
Ông Cao Thanh Huy, chuyên gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng mạng xã hội, cho biết: "Dù bị nhiều người report, fanpage giả mạo vẫn chưa bị gỡ bởi quy trình tiếp nhận và xử lý của Facebook thường mất nhiều thời gian. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt, còn lại có nhiều báo cáo mất cả tháng mới được xử lý".
Theo ông Huy, việc các fanpage giả mạo mọc lên, ăn theo các sự kiện để lừa đảo, trục lợi là không hiếm. Ngoài việc báo cáo, người dùng cũng nên tỉnh táo, xem xét độ uy tín của trang trước khi chuyển tiền. Thông thường tài khoản ngân hàng của các cơ quan chức năng sẽ là tên của tổ chức, thay vì tên cá nhân.
Người dùng cũng có thể tự kiểm tra tính uy tín của fanpage bằng cách vào phần giới thiệu tính minh bạch của trang, kiểm tra ngày tạo, có bị đổi tên không. Sau đó kiểm tra số like (lượt thích) của trang và trong các bài viết. Nếu trang chỉ có hơn trăm like nhưng bài viết có hơn 500 lượt thích như fanpage giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh, xác suất cao đây là trang giả mạo.
Tiếp đến, người dùng cũng có thể tìm những fanpage cùng tên hoặc tương tự, xem có trang nào nhiều like, có bài viết cảnh báo về tình trạng bị giả mạo không. Nếu bị lợi dụng, các trang này sẽ đăng bài, kêu gọi report fanpage giả.
Báo Thanh Niên đến tận nơi, hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ sạt lở tại Lào Cai
Ngoài ra, các fanpage giả thường bị người dùng thả phẫn nộ hoặc bình luận tố cáo trong các bài viết. Người dùng cũng có thể vào phần bình luận để kiểm tra. Theo ông Huy, các trang giả thường ít đăng tin bài,chủ yếu kêu gọi từ thiện, thay vì cập nhật thông tin liên tục như các trang chính thống.
Không chỉ tạo fanpage giả để kêu gọi từ thiện, mạng xã hội những ngày qua còn lan truyền nhiều tin giả về việc người dân vùng bão lũ, mất điện, không có Wi-Fi có thể nhập cú pháp, gửi 191 để được dùng internet miễn phí.
Cụ thể, nhiều người đang chia sẻ thông tin sai trên Facebook, TikTok rằng người dân có thể nhập các cú pháp như 3ST4G gửi 191, 4G gửi 191, 5GBKM gửi 191, 5GKM gửi 191, ZP15 gửi 191, ST15 gửi 191, ST15N_4G gửi 191, để dùng mạng Viettel miễn phí. Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng còn lưu ý cú pháp chỉ áp dụng cho những khu vực bị bão lũ, mất điện, mất kết nối internet. Những nơi khác nhập cú pháp này không có tác dụng.
Đại diện Viettel khẳng định không có những chương trình như trên. Nhà mạng này cho biết họ vẫn tiếp tục hỗ trợ cộng thêm 20.000 đồng vào tài khoản cho hơn 700.000 khách hàng ở khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ, sạt lở đất. Chương trình gửi cú pháp đến 191 để dùng internet miễn phí là tin giả, người dân không nên làm theo.
Theo các chuyên gia, đối tượng xấu thường lợi dụng các sự kiện, tình hình hỗn loạn để tung tin giả nhằm trục lợi. Người dùng nên cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, tránh chuyển tiền từ thiện nhầm. Đặc biệt trong tình hình bão lũ phức tạp, người dân cũng không nên làm theo các hướng dẫn chưa được kiểm chứng trên internet. Chủ động cập nhật tin tức từ các kênh chính thống hoặc tổng đài hỗ trợ khi cần.
Bình luận (0)