Tràn lan khu du lịch, nghỉ dưỡng trong hồ Suối Giai

25/10/2024 06:18 GMT+7

Trong lúc vụ 'xẻ thịt' đất lòng hồ thủy lợi Phước Hòa để xây dựng hàng loạt công trình trái phép chưa được xử lý, PV Thanh Niên tiếp tục phát hiện ở khu vực hồ Suối Giai (Bình Phước) cũng mọc lên nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng, lấn chiếm đất và mặt nước, nguy cơ gây mất an toàn công trình thủy lợi.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, mặc dù chưa được UBND tỉnh Bình Phước quy hoạch phát triển du lịch, nhưng ở khu vực hồ Suối Giai (xã Tân Lập, H.Đồng Phú) thời gian qua diễn ra nhiều hoạt động xây dựng, lấn chiếm đất và mặt nước lòng hồ để phục vụ kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng.

Khu du lịch trái phép mọc lên tại hồ Suối Giai Bình Phước - Ảnh 1.

Khu nhà nghỉ dưỡng của một doanh nghiệp

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Khu nghỉ dưỡng, homestay mọc cạnh bảng cấm

Ngày 18.10, từ ngoài đường ĐT.741 đi vào đập chính của hồ Suối Giai, chúng tôi gặp tấm bảng lớn do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước lắp đặt. Theo thông tin trên tấm bảng, nhiệm vụ của hồ Suối Giai là cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho H.Đồng Phú (Bình Phước) và H.Phú Giáo (Bình Dương). Nghiêm cấm các hành vi đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ hồ đập; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công trình thủy lợi; đào ao, lấp đất… trái phép làm ảnh hưởng đến hồ, đập, kênh mương; lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép được cấp cho các hoạt động quy định tại điều 44 của luật Thủy lợi.

Khu du lịch trái phép mọc lên tại hồ Suối Giai Bình Phước - Ảnh 2.

Khu du lịch, homestay tại hồ Suối Giai

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Tuy nhiên, cạnh tấm bảng cấm này là hàng loạt công trình du lịch, nghỉ dưỡng đã mọc lên và hoạt động từ nhiều năm nay. Tại khu vực hồ Suối Giai, ở gần đập của hồ có 2 khu du lịch, 1 khu nghỉ dưỡng, 1 nhà hàng nổi đã hoạt động từ lâu, vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lòng hồ.

Cụ thể, tại khu du lịch có tên gọi Biển Dừa Suối Giai, từ ngoài cổng đi vào, bên trong trồng rất nhiều dừa. Ra gần đến mặt nước của hồ là hàng loạt căn nhà nghỉ, homestay và nhà nổi trên mặt nước. Những căn nhà nổi này bao quanh khu du lịch, kéo dài hàng chục mét; có chỗ dùng làm nơi ăn uống, cắm trại cho khách du lịch; chỗ làm bến ca nô cao tốc và bến thuyền đạp vịt với hàng chục chiếc thuyền. Theo lời một nhân viên ở khu Biển Dừa Suối Giai, phòng nghỉ cho thuê có giá từ 400.000 - 600.000 đồng/ngày; ca nô cao tốc đi một vòng quanh hồ giá 1 triệu đồng và đi thuyền đạp vịt có giá từ 200.000 - 300.000 đồng (tùy thời gian).

Khu du lịch trái phép mọc lên tại hồ Suối Giai Bình Phước - Ảnh 3.

Nhà nổi trong khu du lịch ở hồ Suối Giai

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Còn tại khu Suối Giai Farmstay, từ ngoài cổng chính đi vào là vườn cao su. Bên trong là những căn phòng nghỉ được xây bằng gạch đinh, lợp ngói; có loại phòng xây trệt, có loại xây 1 trệt 1 lầu và có loại phòng tập thể được cải tạo lại từ 1 căn nhà cấp 4 thành 1 trệt 1 lầu… Nhân viên ở đây cho biết giá thuê phòng từ 500.000 - 700.000 đồng/phòng.

Phía sát mặt nước lòng hồ của khu Suối Giai Farmstay cũng mọc lên hàng loạt nhà tạm, nhà nổi làm nơi ăn uống, cắm trại và làm bến thuyền, chạy mô tô nước, ca nô cao tốc. Giá các loại dịch vụ này dao động từ 120.000 - 1,8 triệu đồng.

Khu du lịch trái phép mọc lên tại hồ Suối Giai Bình Phước - Ảnh 4.

Nhiều loại phòng nghỉ được xây dựng trong khu du lịch

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Đáng chú ý, tại vị trí gần đập hồ Suối Giai là một "tổ hợp" trên 10 căn nhà nghỉ dưỡng (mỗi căn có nhiều phòng) được xây dựng bên trong khuôn viên hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt, không có biển hiệu, với tổng diện tích hàng ngàn mét vuông đất. Khu nhà này không cho thuê mà chỉ để phục vụ nghỉ dưỡng cho cán bộ, chuyên gia của một doanh nghiệp đóng trên địa bàn H.Đồng Phú. Phía sát mặt nước, khu nghỉ dưỡng này đã đào đắp lấn ra lòng hồ để tạo thành 2 hồ lớn và trồng dừa xung quanh làm nơi câu cá giải trí.

Khu du lịch trái phép mọc lên tại hồ Suối Giai Bình Phước - Ảnh 5.

Bảng cấm tại đập hồ Suối Giai

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Mập mờ hợp tác xã du lịch

Theo một con đường chính, hướng từ đường ĐT.741 đi vào đập hồ Suối Giai, tại điểm giao nhau với đường tạo lực Phú Giáo - Đồng Phú đang làm dở dang, UBND xã Tân Lập cho dựng 1 cổng chào có tên "Hợp tác xã Du lịch cộng đồng xã Tân Lập".

Khu du lịch trái phép mọc lên tại hồ Suối Giai Bình Phước - Ảnh 6.

Xây dựng trái phép ở hồ Suối Giai

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập (phụ trách kinh tế), cho biết: "HTX được thành lập tháng 12.2023 với 11 thành viên, trong đó có một số thành viên HTX là chủ của các khu du lịch, nhà hàng nổi ở hồ Suối Giai".

Khu du lịch trái phép mọc lên tại hồ Suối Giai Bình Phước - Ảnh 7.

Bến thuyền đạp vịt trong khu du lịch

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Ông Tuấn cho rằng phạm vi hoạt động của HTX Du lịch cộng đồng xã Tân Lập rộng khắp trên toàn địa bàn xã, chứ không riêng ở khu vực hồ Suối Giai. Trong khi đó trên Fanpage của các khu du lịch này lại mập mờ đưa thông tin HTX Du lịch cộng đồng xã Tân Lập thành HTX Du lịch cộng đồng Suối Giai. Điều này khiến nhiều người đến đây lầm tưởng các khu du lịch này là của HTX Du lịch cộng đồng xã Tân Lập được hoạt động, kinh doanh hợp pháp.

Khu du lịch trái phép mọc lên tại hồ Suối Giai Bình Phước - Ảnh 8.

Bến thuyền, ca nô, mô tô nước

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Trả lời câu hỏi về các hoạt động du lịch ở hồ Suối Giai, ông Tuấn thừa nhận: "Việc phát triển du lịch ở hồ Suối Giai mới chỉ là định hướng của tỉnh Bình Phước chứ chưa có một quy hoạch hay quyết định cụ thể".

Chưa cơ quan nào cấp phép

Chính quyền địa phương có nắm được những hoạt động xây dựng, đào đắp, kinh doanh du lịch, nhà hàng nổi… mọc tràn lan ở hồ Suối Giai hay không? Trả lời vấn đề này, ban đầu ông Nguyễn Ngọc Tuấn chống chế: "Tôi nghĩ là họ có giấy phép". Tuy nhiên, khi PV nhắc lại UBND tỉnh Bình Phước chưa hề cấp phép hoạt động du lịch cho khu vực này, thì ông Tuấn thừa nhận: "Việc đào đắp, làm nhà nổi, chạy ca nô cao tốc… là không được cơ quan chức năng nào cấp phép cho việc này".

Khu du lịch trái phép mọc lên tại hồ Suối Giai Bình Phước - Ảnh 9.

Cổng vào khu Biển Dừa Suối Giai

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Còn về xây dựng nhà hàng, công trình nghỉ dưỡng kiên cố trên đất nông nghiệp, ông Tuấn xin cho thời gian để kiểm tra, đo đạc mới có thông tin chính xác. Riêng khu nhà nghỉ dưỡng của một doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng UBND xã Tân Lập không đủ thẩm quyền để kiểm tra.

Khu du lịch trái phép mọc lên tại hồ Suối Giai Bình Phước - Ảnh 10.

Cổng vào khu Suối Giai Farmstay

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Ngày 24.10, trả lời PV Thanh Niên, ông Đặng Đình Thuần, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước, thừa nhận có 7 trường hợp vi phạm hành lang an toàn hồ Suối Giai và công ty đã nhiều lần kiến nghị địa phương xử lý. Ngoài ra, ông Thuần cũng cho biết hiện nay công ty chưa nhận được thông tin về chủ trương hay quyết định của UBND tỉnh Bình Phước cho phép hoặc quy hoạch khu vực hồ Suối Giai làm du lịch trong thời gian tới.

Quy định về cấp phép hoạt động trong phạm vi công trình thủy lợi

Hồ Suối Giai có diện tích khoảng 420 ha, chứa trên 21 triệu m3 nước cung cấp cho H.Đồng Phú (Bình Phước) và H.Phú Giáo (Bình Dương). Theo điều 44 luật Thủy lợi năm 2017, quy định các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm: xây dựng công trình mới; lập bến, bãi tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện; khoan, đào khảo sát địa chất; thăm dò, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, khai thác nước dưới đất; xả nước thải vào công trình thủy lợi, trừ xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa chất độc hại, chất phóng xạ; trồng cây lâu năm; hoạt động du lịch, thể thao, nghiên cứu khoa học, kinh doanh, dịch vụ; hoạt động của phương tiện thủy nội địa, phương tiện cơ giới, trừ xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện thủy nội địa thô sơ; nuôi trồng thủy sản; nổ mìn và các hoạt động gây nổ khác; xây dựng công trình ngầm. Bộ NN-PTNT hoặc UBND cấp tỉnh thực hiện việc cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.