Tràn lan tài liệu tối mật: Cần minh bạch thông tin!

14/08/2015 09:45 GMT+7

Phải quy định rõ loại thông tin nào là bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng... và cần minh định rõ loại thông tin nào không cần phải bí mật.

Phải quy định rõ loại thông tin nào là bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng... và cần minh định rõ loại thông tin nào không cần phải bí mật.

Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị nên quy định rõ thông tin nào phải cung cấp - Ảnh: TTXVN
Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 13.8 đăng bài Tràn lan tài liệu tối mật, tuyệt mật, mật...
Rất đồng ý
Tôi rất đồng ý với ý kiến của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn là phải xác định rõ loại thông tin nào cần đóng dấu mật. Việc đóng dấu mật tùy tiện như hiện nay cũng làm giảm đi giá trị của thông tin được xem là cần phải bảo mật, đồng thời là rào cản ngăn chặn quyền được biết thông tin của người dân.
Nguyễn Anh Dũng
([email protected])
Phải quy định cụ thể
Tôi có người bạn là doanh nghiệp du lịch, có một cái văn bản chính quyền địa phương xin lỗi vì đã xử phạt sai, mà cũng đóng dấu mật. Không hiểu sự sửa sai, xin lỗi ấy có hại gì mà phải mật? Nếu công khai thì người dân sẽ thấy sự cầu thị, sòng phẳng của chính quyền trong cách hành xử với một doanh nghiệp.
Luật sư Nông Thị Hồng Dung
Trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như hiện nay, quyền được tiếp cận thông tin là nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, quan điểm thế nào là bí mật hiện vẫn còn chung chung, dẫn đến cơ quan chức năng áp dụng chủ quan, lạm dụng, làm cản trở đến quyền tiếp cận thông tin của người dân. Vì vậy, cần quy định cụ thể thế nào là thông tin mật. Bên cạnh đó, phải có quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước và các biện pháp chế tài đối với người không cung cấp thông tin theo quy định của luật.
Luật sư Nông Thị Hồng Dung
(Đoàn luật sư TP.HCM)
Luật sư Nguyễn Hiền Hà
Một quốc gia, một ngành... phải có những thông tin mật, tuyệt mật hay tối mật là điều cần thiết, nhưng luật phải định nghĩa rõ tin nào thuộc diện mật không thể tiếp cận công khai, tin nào được tiếp cận hạn chế, thời hạn giải mật là bao nhiêu năm, chứ không thể để các bộ, ngành tự quy định riêng cho bộ, ngành mình được. Thông tin là vấn đề sống còn của xã hội, là nhu cầu bức thiết, nếu không cho người dân tiếp cận thông tin kịp thời và chính xác thì buộc họ phải tìm đến những nguồn tin không chính thống khác và hậu quả sẽ khó lường.
Luật sư Nguyễn Hiền Hà
(Công ty luật Hiền Hà, TP.HCM)
An Phong - Hải Nam
(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.