Tràn lan video hướng dẫn mẹo 'lụi' thi trắc nghiệm

20/04/2024 13:16 GMT+7

Trên các nền tảng mạng xã hội, nhan nhản video hướng dẫn mẹo 'lụi' thi trắc nghiệm để thí sinh 2k6 (sinh năm 2006) có thể áp dụng đối phó nhằm kiếm điểm trong những kỳ thi sắp tới.

"Đúng 100%" (!?)

Kênh YouTube S.W.H khá quen thuộc với không ít học sinh lớp 12. Kênh này có những video hướng dẫn thí sinh "khoanh đại" trong các bài thi trắc nghiệm.

Trong một video thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, chủ nhân kênh YouTube S.W.H khẳng định "không cần học bài, không cần biết một chữ nào, thì đây là mẹo lụi trắc nghiệm đúng 100%".

Người này đưa ra một bài toán và hướng dẫn những cách tìm ra đáp án chuẩn xác nhất như: người ra đề thường muốn giấu đáp án đúng nên làm "loãng" bằng những đáp án sai; đáp án khác lạ nhất so với 3 đáp án còn lại sẽ là đáp án sai; dữ liệu xuất hiện nhiều nhất trong đề thi sẽ là đáp án đúng…

Trên Facebook cũng xuất hiện hàng loạt video tương tự. Nội dung video chủ yếu hướng dẫn học sinh sắp trở thành thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 "lụi" đáp án trong các bài thi trắc nghiệm.

Tràn lan video hướng dẫn mẹo 'lụi' thi trắc nghiệm- Ảnh 1.

Các video hướng dẫn mẹo "lụi" trắc nghiệm ngập tràn trên nhiều nền tảng mạng xã hội

CHỤP MÀN HÌNH

Đặc biệt, tại TikTok xuất hiện "hằng hà sa số" video với những cái tên "cách khoanh bừa chính xác 100%", "mẹo lụi thi trắc nghiệm không bao giờ sai", "khoanh lụi trắc nghiệm chuẩn xác", "khoanh lụi chống điểm liệt", hay thậm chí là "mẹo lụi thi trắc nghiệm để được điểm 6, 7"… Vô số video như vậy đã thu hút lượng xem "khủng". Và vì biết những video hướng dẫn mẹo "lụi" dễ nhận được tương tác nên không ít TikToker đổ xô làm nội dung bày phương pháp học "đi tắt" này.

Tràn lan video hướng dẫn mẹo 'lụi' thi trắc nghiệm

Chỉ cần tìm kiếm các từ khóa bắt đầu bằng chữ "khoanh lụi" hay "mẹo lụi" thì ngay lập tức, nhan nhản video xuất hiện. Có kênh bày "khoanh lụi tiếng Anh", có kênh lại hướng dẫn "mẹo lụi lý", "mẹo lụi hóa", "khoanh lụi toán". Hầu như môn nào cũng có cách để "khoanh lụi".

"Gặp những đề thi lý khó, đừng có lo. Cứ đọc đề thi, hãy chọn những câu trình bày dài và tỉ mỉ thì đó là đáp án đúng. Còn trường hợp câu hỏi yêu cầu chọn câu sai thì hãy chọn câu có độ dài thứ hai hoặc thứ ba. Sau đó để ý từ khóa nào xuất hiện nhiều lần thường đúng. Vì thế, hãy loại đáp án còn lại", TikToker Q.P hướng dẫn.

Còn TikToker V.H.V thì bày cho thí sinh: "Cứ để ý câu hỏi, thấy đáp án nào mà có however, by the time là khoanh. Đảm bảo chính xác tuyệt đối".

Cũng theo V.H.V: "Biết được các mẹo làm bài mà mình hướng dẫn, sẽ tiết kiệm tối đa thời gian, đỡ nhức đầu suy nghĩ".

Tràn lan video hướng dẫn mẹo 'lụi' thi trắc nghiệm- Ảnh 2.

Nhiều "nhà sáng tạo nội dung" bày cách để "lụi" các đáp án

CHỤP MÀN HÌNH

"Tưởng vậy mà không phải vậy"

N.Đ.A, học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TP.HCM, cho biết đã từng áp dụng mẹo "lụi" trên mạng xã hội hướng dẫn và kết quả là "sai tè le" như lời A. nói.

A. từng nhận điểm dưới trung bình chỉ vì làm theo những video về mẹo ôn thi. "Tưởng vậy mà không phải vậy. Dù ở video này, TikToker hay YouTuber đều khẳng định là chỉ cần làm theo sẽ không sai, có điểm cao nhưng kết quả ngược lại", A. nói.

Một số học sinh khác cũng thừa nhận đã từng nghe theo răm rắp những hướng dẫn mẹo "lụi" của các TikToker, YouTuber. Và cái kết là làm sai.

Một giáo viên dạy toán của Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai, cho biết: "Làm gì có chuyện chẳng học bài, không có kiến thức mà làm đúng các câu hỏi? Tôi có xem một số video mà các TikToker hướng dẫn khoanh "lụi" đáp án. Nhưng phải nói rằng, những mẹo ấy chỉ đúng trong một số trường hợp nhất định. Không thể đúng trong mọi câu hỏi. Làm bài theo những hướng dẫn của TikToker thì không khác gì hên xui may rủi. Mà xui rủi nhiều hơn hên may".

Giáo viên này cũng khuyên học sinh: "Cần phải nắm vững kiến thức, có phương pháp học hiệu quả, thường xuyên ôn thi, rèn luyện kỹ năng làm đề thi mới có thể đạt kết quả tốt trong các kỳ thi như: kiểm tra 1 tiết, thi học kỳ, tốt nghiệp THPT".

Tràn lan video hướng dẫn mẹo 'lụi' thi trắc nghiệm- Ảnh 3.

Một thầy giáo hướng dẫn "kinh nghiệm khoanh bừa chống liệt"

CHỤP MÀN HÌNH

Thầy giáo Lê Minh Châu, Trường THPT Trần Quốc Tuấn, tỉnh Quảng Ngãi, nói: "Việc tin theo các mẹo "lụi" tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhất là có nguy cơ bị điểm kém, thiếu kiến thức. Nếu điểm thấp trong các bài kiểm tra ở lớp, có thể sửa sai, cố gắng tại các đợt sau. Nhưng "bê" nguyên những mẹo "lụi" ấy để áp dụng trong các kỳ thi quan trọng thì có thể sẽ ân hận".

Cũng theo thầy Châu, nhiều TikToker, YouTuber đều tự khoe bản thân học giỏi, có kinh nghiệm… Tuy nhiên, đó là điều không được xác thực, thiếu kiểm chứng. "Nên trau dồi kiến thức liên tục, học tập chuyên cần để nắm bắt và hiểu vấn đề. Đừng chủ quan và đánh cược trông đợi kết quả những kỳ thi vào các mẹo lụi".

Thầy Châu cũng nói nếu ỷ lại vào mẹo "lụi" có thể khiến bản thân học sinh ngày càng lười biếng, không đoái hoài tới việc học…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.