Tràn lan YouTube nhảm: Hệ lụy từ những video thiếu nhân văn

07/10/2018 14:53 GMT+7

Người trẻ, nhất là trẻ em sẽ bị 'đầu độc' như thế nào từ những video nhảm nhí, thiếu tính nhân văn từ nhiều kênh YouTube hiện nay? Làm sao để bảo vệ chính mình và con em mình khỏi thế giới YouTube như trăm hoa đua nở?

Người trong cuộc lên tiếng
Anh Hồ Minh, 34 tuổi, người nhiều năm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, phát triển các kênh YouTube tại TP.HCM bức xúc: “Tôi có xem một số video của N.T.Nam và giật mình với những nội dung nhảm, nguy cơ gây ra nguy hiểm cho chính chủ nhân và khán giả. Cũng chính kênh này hồi cuối năm 2017 từng bị YouTube xử lý, họ tắt chế độ có thể kiếm tiền từ YouTube, do những nội dung nhảm trong nhiều video”.

“Nhiều video trên YouTube mà nhân vật trải nghiệm như chơi game, nấu nướng, bơi thuyền… nhưng hở miệng ra là nói những câu tục tĩu, vô văn hóa. Tôi giật mình khi thấy nhiều em bé vô tư mở những video này ra coi và cười ha ha vì những từ tục bậy này được thốt ra. Vậy thì tính giáo dục của những chương trình này ở đâu?”, anh Hồ Minh nói.
Anh Nguyễn Bảo Trung, nghệ danh Từ Khang, chủ nhân kênh YouTube Thánh lồng tiếng Official hơn 1,3 triệu lượt đăng ký, cho hay có một thực tế là chủ nhân nhiều kênh YouTube ở Việt Nam vì lợi nhuận, vì số lượt view, số lượng đăng ký kênh mà bất chấp tất cả, từ vấn đề nội dung, bản quyền, giá trị nhân văn của mỗi sản phẩm…
Anh Nguyễn Bảo Trung, chủ nhân kênh Thánh lồng tiếng Official Lê Nam
Anh Nguyễn Trí Tài, thành viên nhóm hài FAP TV, đơn vị sở hữu kênh YouTube hơn 7 triệu lượt đăng ký, cho hay YouTube là một mạng xã hội mở, tức là bất kỳ ai cũng có thể tạo ra content (nội dung) và đăng lên đó, rồi dùng các cách thức khác nhau để dẫn dụ người xem tới các clip của mình.
“Nếu content ID (mỗi 1 video đều có mã ID riêng) vi phạm các vấn đề về bản quyền (hình ảnh, âm thanh), các hình ảnh dung tục lộ liễu thì sẽ dễ bị bộ lọc của YouTube quét. Nhưng sẽ có những cái 'lách' được, theo tôi hiểu ở đây là các nội dung mà cốt lõi của nó là kịch bản, ý tưởng thực hiện không nhằm phục vụ giải trí chính thống, mà tình tiết lòng vòng không có kết cấu, khoe thân, ngôn ngữ thô tục; hoặc hình ảnh vay mượn từ các nhân vật nổi tiếng khác để thực hiện câu chuyện của mình một cách ngượng ngạo, sai lệch đánh vào thị hiếu tò mò của người xem”, anh Nguyễn Trí Tài nói.
Đại diện cho kênh FAP TV cho hay, những chương trình YouTube có nội dung không lành mạnh, nhảm, không nhân văn... có ảnh hưởng lớn tới người xem.
Làm gì để bảo vệ mình và con em mình?
Anh Nguyễn Trí Tài thẳng thắn: “Thị trường mở lại có lượng người xem lớn, nội dung YouTube cũng vì thế thượng vàng hạ cám. Nhà sáng tạo làm ra có nhiều mục đích khác nhau, người vì nghệ thuật, người vì kiếm tiền hoặc cả 2, nhưng những thành phần vì kiếm tiền mà tạo ra các nội dung không tốt thì đương nhiên cần phải loại trừ”.
Phim học đường Em của anh đừng của ai chiếu trên YouTube của FAP TV được nhiều bạn trẻ yêu mến Ảnh chụp màn hình
Anh Hồ Minh cho rằng cha mẹ không nên để mặc các con với chiếc điện thoại thông minh hay iPad để chúng thoải mái xem các kênh YouTube, hãy theo dõi, kiểm soát, xem cùng con để biết chương trình đó có phù hợp hay không.
“Có những kênh dù gắn mác chiếu cho trẻ em nhưng nhân vật ăn mặc hở hang, nói những câu tục bậy, giáo dục giới tính cho trẻ em với cách rất giật mình”, anh Hồ Minh nói.
Anh Nguyễn Bảo Trung nói: “Có thể ở một số quốc gia, cách làm của một số bạn trên YouTube như nội dung nhảm, tào lao, không có giá trị gì… vẫn được chấp nhận, tuy nhiên, mỗi nơi sẽ có những ranh giới khác nhau, có những điều chấp nhận được và bị lên án. Nhập gia cần tùy tục. Tôi cho rằng mỗi người kiếm tiền từ YouTube cần tôn trọng văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, cẩn trọng trong chính mỗi sản phẩm các bạn làm ra”.
Theo người đại diện của nhóm hài FAP TV, điều tiên quyết của YouTube họ muốn mang lại một mạng xã hội video lành mạnh bằng các quy định riêng mà chúng ta cần tuân thủ. Để bảo vệ trẻ em, YouTube có chức năng hạn chế nội dung tùy chỉnh hoặc ra mắt cổng YouTube kids để ba mẹ có thể kiểm tra việc lướt web xem video trên ứng dụng này... Tuy nhiên, khán giả nên trước hết tự ý thức về bản quyền, chọn lọc xem những chương trình nội dung tốt.
“Hãy xem ở các kênh chính thống tránh các kênh up lại vì chất lượng clip ở đó sẽ không tốt; đối với phim điện ảnh nên bỏ tiền để xem những bộ phim yêu thích nhằm ủng hộ những nhà làm phim có điều kiện thu hồi vốn để tái đầu tư vào các dự án sau; tránh các hành động như quay phim, live-stream để rò rỉ nội dung của những nội dung đang thu hút cộng đồng. Nên đăng ký những kênh có nội dung tốt để theo dõi, báo cáo các clip có nội dung tiêu cực ảnh hưởng để YouTube gỡ và phạt các kênh này”, anh Tài nói.
Đối với các nhà sáng tạo nội dung YouTube, theo anh Tài, không nên up lại (reup) video của người khác để phát trên kênh của mình, như vậy là đang kiếm tiền bất hợp pháp. “Đối với các bạn có những nội dung không tốt, hãy lắng nghe phản hồi của khán giả và đổi nội dung khác, tôi nghĩ các bạn đã biết cách tạo sự thu hút khán giả, thì khi đổi nội dung tốt, các bạn cũng sẽ thu hút được cộng đồng riêng của mình, điều này bền vững và lâu dài”... (Còn tiếp)
Đón đọc Những người làm YouTube không quan tâm đến... tiền
Giữa cơn bão nhà nhà làm YouTube, người người làm Vlog, có nhiều bạn trẻ nỗ lực mang tới những sản phẩm chất lượng, có ý nghĩa với cộng đồng nhưng không quan tâm tới lượng view cũng như số tiền đạt được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.