img

Và cuối cùng thì "bé An" của bố Tuấn và mẹ Linh cũng đã trở về, cho kỳ nghỉ hè mà cô mong đợi nhất sau 4 năm xa nhà đi học. Về để tận thấy giấc mơ kia là có thật: Bố vẫn còn đây bên ba mẹ con, được cùng mẹ chăm bố và hơn thế, để cùng bố viết tiếp giấc mơ thứ hai cho jazz Việt…

Trần Mạnh Tuấn & An Trần: Cha, con và Berklee - Ảnh 1.

Cô sinh viên năm nhất của trường Berklee sở hữu một thần thái tinh anh và mạnh mẽ. Nhìn cô con gái thứ của Trần Mạnh Tuấn, dễ hiểu vì sao cô có thể vượt qua một năm học khó khăn mà bừng sáng đến thế trong hoàn cảnh bố bất ngờ nhập viện, 3 lần mổ não chỉ trong vòng một năm và cơ hội sống có lúc chỉ còn như một nét đứt mờ. Rời nhà từ năm lớp 10, An Trần từng nỗ lực giành học bổng 70% của một ngôi trường trung học có tiếng tại Mỹ và sau đó trở thành sinh viên VN duy nhất giành được học bổng 100% của ngôi trường đào tạo âm nhạc danh giá Berklee, nơi 25 năm trước, bố cô từng là sinh viên VN đầu tiên đặt chân tới với suất học bổng 30%. Trong giấc mơ cần được viết tiếp cho jazz Việt, với hai cha con, Berklee vì thế là một điểm đến hiển nhiên và là dấu gạch nối thế hệ đẹp nhất giữa họ.

"Lúc đó, tôi đang trong kỳ nghỉ đông của năm học cuối cấp 3 cùng bạn bè tới New York và khi đang trong một quán phở thì nhận được cái thông báo trong mơ đó: An Trần của bố Tuấn đã không những vào được Berklee mà còn giành học bổng 100%, trong một cơ hội mà Berklee chỉ dành cho 8 người/năm với chương trình học bổng "World Tour" của họ. Hãy thử tưởng tượng, Berklee niên học rồi có tới 7.000 sinh viên, và cơ hội hiếm đó đã bất ngờ gọi tên tôi. Tôi thiếu nước bị sặc phở và gần như không thể nào ăn tiếp vì niềm vui quá lớn ấy. Ngay lập tức, tôi gọi điện về báo tin cho bố mẹ, lúc đó đang ở trong viện. Ấy là lúc bố đã tạm qua được cơn nguy kịch và đang dần hồi phục nhưng dường như vẫn chưa đủ tỉnh táo để nhận biết niềm vui đó lớn tới mức nào. Đó là giấc mơ bố vẫn luôn đeo đẳng, tiếc là khi nó trở thành hiện thực, bố thậm chí đã không đủ sức khỏe để mà hét toáng lên cùng tôi. Nếu có một món quà lớn nhất nào trên đời này mà tôi có thể dâng tặng bố, nhất là khi bố vừa trở về từ cõi tử, bố thật đáng được "thưởng", thì đó, chỉ có thể là Berklee", An Trần chia sẻ với Thanh Niên.

Trần Mạnh Tuấn & An Trần: Cha, con và Berklee - Ảnh 2.

Cơ hội được cô gái 17 tuổi giành về bằng một màn "chào sân" đầy ấn tượng. Thay vì trình diễn trên nền nhạc thu sẵn, cô mang tới Berklee cả một "band nhạc sống" với 3 người bạn đang theo học tại Berklee gồm 1 tay trống, 1 bass, 1 piano, và An - saxophone, không chỉ trong định dạng một người trình diễn mà còn kiêm luôn vai trò sản xuất và sáng tác - đúng như con đường cô đã định: trở thành một nghệ sĩ đa năng, có thể đảm trách mọi khâu từ A đến Z. Đấy là trường hợp duy nhất trong buổi thi hôm đó có lựa chọn đó. Kết quả là vị giám khảo khó tính của Berklee đã phải kêu trời: "Thôi chết tôi rồi, đáng ra lúc thí sinh đang thi, tôi không được vỗ tay mới phải!", An kể. "Tôi nghĩ mình đã cố gắng làm tốt nhất có thể. Với động lực duy nhất: Đó là ước mơ lớn nhất của bố con tôi, đó là món quà ý nghĩa nhất mà tôi có thể báo đáp bố và dường như phải là món quà đó thì bố mới có thể khỏe lại: An Trần của bố nhất định phải vào được Berklee, và giành được học bổng cao nhất có thể...".

Trần Mạnh Tuấn & An Trần: Cha, con và Berklee - Ảnh 3.

"Cũng từng có lúc An nản, và ít nhiều bị phân tâm khi nhìn thấy một vài bạn bè cùng trang lứa, chỉ cần dắt túi vài bài rồi tham gia một cuộc thi truyền hình thực tế là lập tức thành sao, nổi tiếng sớm, kiếm tiền nhanh... Nhưng tôi luôn động viên cháu: Con chịu khó, kiến thức là rất cần thiết, chỉ có kiến thức mới giúp con đi đường dài được. Chỉ cần mất vài năm thôi, bằng kiến thức và tài năng bẩm sinh, con chắc chắn sẽ có tất cả… An Trần quyết tâm vào được Berklee, và giành được học bổng 100%, hẳn cũng là vì con yêu bố", nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nói.

Trần Mạnh Tuấn & An Trần: Cha, con và Berklee - Ảnh 4.

Trần Mạnh Tuấn & An Trần: Cha, con và Berklee - Ảnh 5.

Đường tới Berklee hiển nhiên chưa bao giờ dễ dàng, nhất là với An ở thời điểm đó, tháng 8.2021. TP.HCM lúc An rời đi sau kỳ nghỉ hè để trở lại Mỹ học tiếp năm học cuối cấp 3 bấy giờ đang trong đỉnh điểm bùng phát dịch Covid-19. Cô gái 16 tuổi bước lên máy bay trong nỗi lo lắng của bố mẹ, đặc biệt là bố. "An vừa mới sang được 1 tuần, còn chưa kịp nhập học thì ốm, sốt tới 39 độ. Nhà người bạn mà An ở nhờ lúc đó cũng đang không có ai ở nhà. Xót con đau ốm một mình ở nơi đất khách xứ người, không ngoại trừ biết đâu sốt vì Covid-19, lại đang bị ám ảnh bởi những tin tức xám về bùng phát dịch tại TP.HCM và không có cách nào bay sang với con được..., hẳn có lẽ vì thế mà anh Tuấn bị căng thẳng tới đột quỵ, sẵn trên nền bệnh yếu. Vì tính anh rất hay lo lắng cho con, nhiều lúc thái quá. Anh yêu An Trần quá đỗi, để mỗi bước chân của con cũng đồng thời là một nhịp tim của bố...", chị Kiều Đàm Linh, vợ nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn rưng rưng nhớ lại. "Bố vừa nhập viện hai ngày, tin tức đã rò rỉ trên báo và An ngay lập tức gọi về với hai hàng nước mắt. Để con không nhận ra tâm trạng thật của mình trên FaceTime, tôi còn đắp mặt nạ dưỡng da và mắng át đi: "Ơ con buồn cười nhỉ, sao tự dưng không tin người nhà mà lại đi tin... báo. Đúng là bố có ốm, nhưng chỉ là do bố làm việc nhiều quá nên bác sĩ yêu cầu bố phải tạm ngắt điện thoại để nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Chứ bố mà ốm nặng thì làm sao mẹ có thể thảnh thơi đắp mặt nạ làm đẹp thế này...". Người mẹ buộc phải nói dối để trấn an con cũng chính là người vợ mà 25 năm trước từng giấu chồng khi nhà bị cháy, một nách ôm đứa con đầu lòng chưa đầy tuổi: "Con vừa được 27 ngày tuổi, anh Tuấn đã khăn gói quả mướp sang Berklee. Không lâu sau đó thì khu nhà tập thể của chúng tôi bị cháy. Nghĩ tới khả năng anh Tuấn có thể tìm mọi cách trở về ngay lập tức vì thương vợ con trong điều kiện tài chính vô cùng eo hẹp, chỉ được học bổng 30%, tôi đành bấm bụng giấu chồng về tin nhà cháy. Phải tận mãi sau này anh ấy mới tình cờ biết tin qua một người bạn...". Ở phía sau đường đến Berklee của hai bố con luôn có bóng dáng của một người phụ nữ giấu tin nhà.

"Lúc gọi về cho mẹ, thấy mẹ quả quyết thế, tôi cũng không ngờ chuyện lại có thể lớn đến vậy. Tới lúc biết chuyện thì ở xa không làm gì được, nóng ruột vô cùng. Khi tình hình trở nên xấu hơn, đã có lúc tôi chỉ muốn bỏ về để được túc trực bên bố… Nhưng rồi sau đó tôi quyết định xốc lại mình với một quyết tâm cao độ: Việc chính của mình là đi học, là sang đây để học, và điều duy nhất bố mong mỏi ở mình là vào được Berklee. Nếu thương bố, mình phải làm được điều đó, mình nhất định phải làm được điều đó, hơn là ngồi một chỗ lo lắng than khóc. Mình không thể sống trong sợ hãi, đấy đâu phải là tạng tính của mình...", An nói. "Là vì tôi nhớ lời mẹ dặn: Lúc này, mẹ chỉ có hai yêu cầu. Nhiệm vụ của con là đi học, và tin vào bố".

Trần Mạnh Tuấn & An Trần: Cha, con và Berklee - Ảnh 6.

"Quả thật, vào những giờ khắc cam go nhất của sự giằng co sinh tử, tôi cũng đã luôn giao cho mình cái nhiệm vụ khó khăn đó: Phải tin rằng chồng mình không thể chết. Tôi thật sự chưa bao giờ tin rằng anh Tuấn có thể lìa bỏ đời sống này, vì anh ấy quá xứng đáng được sống...", mẹ An nói.

Trần Mạnh Tuấn & An Trần: Cha, con và Berklee - Ảnh 7.

Lòng tin quá chừng mãnh liệt, cả khi từ bác sĩ đến bạn bè đều xa gần nhắc người nhà lo dần chuyện hậu sự. Ấy là lúc nghệ sĩ saxophone chìm sâu vào hôn mê sau ca phẫu thuật não lần 3 và có lúc bất thần nói sảng vào lúc nửa đêm gần sáng, như thể đang được đứng trên sân khấu, và còn nói rất lưu loát, bằng những lời có lẽ đã ăn sâu vào máu của cả một đời đắm đuối làm nghề: "Trần Mạnh Tuấn xin kính chào quý vị khán giả! Cảm ơn quý vị khán giả đã đồng hành suốt thời gian qua, nhưng Trần Mạnh Tuấn xin lỗi vì không còn không đủ sức khỏe để phục vụ khán giả nữa. Xin lỗi vì không thể sống...". Gần một năm sau biến cố, chị Kiều Đàm Linh vẫn rớt nước mắt khi nhớ lại giây phút từng khiến chị lặng người.

Trần Mạnh Tuấn & An Trần: Cha, con và Berklee - Ảnh 8.

"Vào thời điểm gần như tuyệt vọng nhất, thì may mắn thay, tôi tình cờ đọc được một dòng comment ở phía cuối bài báo đưa tin về sức khỏe của anh Tuấn, tưởng như bâng quơ mà thật thiết tha: "Hay thử mở nhạc cho anh ấy nghe, biết đâu hồi phục...". Tôi như sực tỉnh, và quyết định chọn bài "Sen" do anh Tuấn sáng tác, trong ý nghĩa tâm linh của nó. Thì bất ngờ, anh ấy - lúc ấy người vẫn còn sưng phồng, cứng đơ giữa những ống thở - bỗng tự nhiên mở choàng mắt, nhìn xung quanh rồi bảo, rất rành rọt: "Em mở to bài này lên, bài này là bài "Sen" của anh!". Từ giây phút ấy là anh ấy tỉnh lại, và sự sống về lại... Các bác sĩ bảo với tôi: Đấy không chỉ là sự kỳ diệu của y học, mà chắc còn là phước lành từ ơn trên...". Và giây phút ấy, tôi chỉ còn biết đội ơn những lời cầu nguyện của khán giả, có lẽ đã như một năng lượng gửi tới vũ trụ; đội ơn tác giả của dòng comment ngắn ngủi nhưng đã giúp chúng tôi nối dài hy vọng, nối dài sự sống...", chị Linh kể lại. "Phác đồ điều trị" riêng có của "bác sĩ Linh", người mà Trần Mạnh Tuấn nói với Thanh Niên: "Không có "bác sĩ Linh", tôi xanh cỏ lâu rồi!".

"Tôi thì nghĩ, đó chính là sự kỳ diệu của âm nhạc. Chỉ có thể là âm nhạc, vì nó đã quá ăn sâu vào tiềm thức của bố. Chỉ âm nhạc mới có thể đánh thức được bố, như bố đã luôn thao thức vì nó. Như khi bố vừa ra viện, đòi được chơi saxophone và bác sĩ khuyên chưa nên chơi vì không tốt cho não, thì bố bảo: "Tôi thà chết còn hơn không được chơi saxophone". Nên là khi nghe chuyện bố tỉnh lại nhờ một bản nhạc, tôi thực sự không bất ngờ. Khác chăng, nếu lúc đó tôi có mặt ở đó, chắc tôi sẽ chọn bản "Về quê", một bản nhạc để đời của bố, để nhắc bố đường về nhà...", An Trần.

Trần Mạnh Tuấn & An Trần: Cha, con và Berklee - Ảnh 9.

"Về quê" cũng là tên album bán chạy kỷ lục của Trần Mạnh Tuấn, ở vào thời điểm người ta vẫn mặc định rằng jazz là một món "khó nhằn" với công chúng Việt. Jazz Club Trần Mạnh Tuấn liều mình mở ra ngay tại "con phố vàng" Lê Lợi ở Q.1 (TP.HCM) trong sự can ngăn của bạn bè vì lo anh "vỡ trận", cuối cùng tồn tại suốt 17 năm, gần bằng số tuổi của An bây giờ. Nơi đây từng là điểm đến yêu thích của nhiều du khách quốc tế khi tới thành phố và chỉ đóng cửa khi có lệnh giãn cách kéo dài vì Covid-19, cũng là lúc chủ nhân của nó đổ bệnh. "Anh Tuấn đã cố gắng giữ Jazz Club đến cùng, cả khi bị Covid-19 làm khó và đã cố cầm cự trong một năm rưỡi, cả khi lượng khách giảm xuống còn 3 - 4 người. Anh Tuấn luôn là vậy, diễn trước 1 người hay 20.000 người thì cũng đều cháy hết mình như nhau. Anh luôn bảo, những vị khách ngồi lại cuối cùng với mình chính là những vị khách đặc biệt nhất, nên càng về cuối càng phải trút hết mình. Có hôm chơi nhạc xong, tôi thấy môi anh tím ngắt…", chị Linh kể và nói thêm: "Phải đóng cửa Jazz Club là một nỗi buồn rất lớn của anh Tuấn. An Trần cũng bảo: Nếu bố mẹ bỏ Jazz Club, con buồn lắm… Nên cả nhà đang cùng bàn tính tới đây sẽ mở lại Jazz Club ngay tại khu vực tầng hầm rộng 300 m2 của gia đình, vốn trước đây là studio tại gia, ở một định dạng khác, và lần này sẽ trông chính vào An Trần, còn bố Tuấn sẽ đứng đằng sau hỗ trợ...".

"Tôi sẽ tiếp quản, đương nhiên rồi. Sẽ cố gắng viết tiếp giấc mơ của bố, bằng vào những gì tôi được học tại Berklee, với chuyên ngành mà trước đây bố chưa được học: sáng tác, thu âm và sản xuất...", An Trần quả quyết.

Trần Mạnh Tuấn & An Trần: Cha, con và Berklee - Ảnh 10.

Trần Mạnh Tuấn nói rằng điều anh trăn trở nhất là chưa kịp đồng hành nhiều được cùng con thì đã bị sức khỏe làm khó. Nhưng cũng chính trong thời gian anh ốm, mọi người mới nhìn thấy hết nỗ lực của An Trần. Rằng, ngay cả khi không có được sự đồng hành của bố, An đã làm được thật nhiều việc giỏi giang. "Điều dễ chịu nhất khi ở Mỹ, đó là... không ai biết tôi là con ai. Nếu như ở VN, mình có thể là một ai đó thì khi sang đây, mình không là ai cả. Cho đến khi mình tự khẳng định mình bằng những nỗ lực tự thân. Tới lúc này thì tôi đã có thể ít nhiều tự hào vì những gì mình đã làm được, không phải bằng cái bóng của bố…", An nói.

Nếu là một bản nhạc khiến An nhớ tới đầu tiên khi nghĩ đến chuyện chơi nhạc cùng bố, thì đấy là "Bèo dạt mây trôi". "Đấy là bản nhạc đầu tiên tôi biểu diễn cùng bố trên sân khấu tròn 10 năm trước. Cũng là bản nhạc cuối cùng tôi được chơi cùng bố trước khi bố nhập viện, trong một sô diễn online hồi Covid -19... Với tôi, đó là một trong những bản nhạc đẹp nhất mà tôi từng biết vì nó mang trong mình một nguồn năng lượng thật ấm cúng và tích cực, cả khi thiếu, khi buồn, vẫn tin, vẫn đợi...".

Còn nếu là một ca khúc Việt có thể giúp cô sinh viên năm nhất của Berklee nói giùm lòng biết ơn với bậc sinh thành, thì An nói, cô chọn "Huyền thoại mẹ" của Trịnh Công Sơn. "Một ca khúc ca ngợi mẹ, nhưng cũng thật đúng với những gì tôi nghĩ về bố mình: "Mẹ là nước chứa chan/ Trôi giùm con phiền muộn/ Cho đời mãi trong lành/ Mẹ chìm dưới gian nan…". Một đời người quả thật đã đi qua thật lắm gian nan: 13 tuổi bị hư mắt trái, 31 tuổi bị hỏng một quả thận, 4 năm sau thì phát hiện bị ung thư máu, chớm qua tuổi 50 thì 3 lần mổ não..., nhưng sau tất cả, Trần Mạnh Tuấn vẫn mỉm cười bảo: "Đời tôi thừa chứ thiếu gì!", vì những gì anh tự cho là quá đủ: Một người vợ trọn nghĩa tào khang, một đứa con giỏi giang nối nghiệp...".

Trần Mạnh Tuấn & An Trần: Cha, con và Berklee - Ảnh 11.

"Đối với tôi, bố thực sự là một "anh hùng". Vì rốt cuộc, bố đã làm tròn vai tất cả: một người bố hay lo; một người bạn vui tính, rộng lượng; một người thầy khó tính, nghiêm khắc; một đồng nghiệp hiểu biết và thấu hiểu bạn diễn của mình…Chừng đấy thứ đã đủ là huyền thoại trong mắt tôi!

Tôi không biết mình có vượt qua bố được không, với những gì bố từng làm được cho nhạc Việt. Nhưng nếu để nói: "Con hơn cha là nhà có phúc", tôi chỉ muốn thay một chữ, đó là: "Con thương cha...", An Trần chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.