Trần Minh Thương kể chuyện về vùng đất Chín Rồng

27/03/2024 07:41 GMT+7

Những nét văn hóa dân gian độc đáo cùng những kỷ niệm thời ấu thơ, từ những câu chuyện huyền bí về vùng đất Chín Rồng đã được Trần Minh Thương "gây thương nhớ" đến độc giả trong tập sách mới Dư vị miền xưa (do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành).

Tác giả Trần Minh Thương (bút danh Thạch Ba Xuyên, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian VN) - tác giả của nhiều đầu sách hay: Chuyện ăn uống của người bình dân Sóc Trăng, nhìn từ góc độ văn hóa dân gian; Trò chơi dân gian Sóc Trăng; Hương sắc miền Tây; Ăn tết chơi tết miền Tây; Phong tục miệt Nam sông Hậu; Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu Giang; Vấn vương hương vị bánh quê...

Trần Minh Thương kể chuyện về vùng đất Chín Rồng- Ảnh 1.

ảnh: Q.TRÂN

Ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hậu Giang, được trải nghiệm qua nhiều chuyến đi điền dã, lượm lặt ghi chép từ vốn sống dân gian, Trần Minh Thương đem đến bạn đọc những trang viết mang đậm nét văn hóa miền Tây. Theo dòng ký ức, Dư vị miền xưa đưa độc giả về lại với miền xưa, nơi luôn lắng đọng nhiều dư vị dịu mát, ngọt lịm của tình đất, tình người. Đó còn là những trang sách về những hồi ức tuổi thơ: Từ chuyện rủ nhau cất nhà chòi, bán tiệm đến đám cưới giả, đánh trận giả là ký ức ngọt ngào nuôi dưỡng tình yêu đầu đời với những người bạn cùng xóm, cùng quê. Những mối tình học trò trường làng, may mắn thì nên duyên chồng vợ, và cũng không ít người dở dang vì hoàn cảnh…

Tập sách dày hơn 420 trang, với 22 bài tản văn về một miền xa ngái với hình ảnh những cây đèn dầu leo lét, bên mái nhà lợp lá đơn sơn, mẹ dỗ con ngủ, trai gái rủ nhau giã gạo, gánh nước, chẻ tre đương sàng, đương rổ, vót câu, các cụ bà sàng gạo, vá may, các cụ ông uống trà kể chuyện đời xưa cho con cháu nghe. Và trong bóng tối đó, chuyện ma nhát, ma giấu cũng đã không ít lần được người ta truyền miệng cho nhau nghe. Thậm chí, cả chuyện ma quá giang trên những chiếc ghe, chiếc xuồng rủ nhau đi chợ sớm. Trần Minh Thương đã ghi lại vào trang sách những ký ức một thời đã từng diễn ra trong đời sống người dân quê chân lấm tay bùn mà đậm đà tình nghĩa trong văn hóa ứng xử.

Dư vị miền xưa (ảnh) mang dấu ấn sâu nặng về tình yêu quê hương và những giao đãi thân tình của con người miền Tây chân thật, phóng khoáng cùng đời sống dân gian vô cùng thú vị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.