Khoa tôi công tác có 1 ngành 2 năm nay tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn luôn chạm đáy 0% khiến tôi phải day dứt, tiếc nuối. Tôi day dứt vì nghĩ đến phụ huynh của các sinh viên. Nuôi con ăn học bao nhiêu năm với nhiều ước mơ hy vọng nhưng cuối cùng lại không thành thì thử hỏi có phụ huynh nào không buồn? Tôi tiếc cho những tháng năm tuổi trẻ của các em. Nếu bản thân không thích hoặc không đủ khả năng để học đại học thì lăn lộn bao năm ở giảng đường chẳng phải là một sự lãng phí thanh xuân, thời gian hay sao?
Nhiều sinh viên rơi vào tình trạng bị cảnh báo học vụ, bị buộc thôi học |
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH WEBSITE |
Không phải tất cả thí sinh trúng tuyển nhập học vào các trường đại học đều vì yêu thích ngành đó, trường đó, mà có thể vì theo bạn bè, hoặc bị bố mẹ ép buộc hoặc đăng ký đại rồi trúng. Tôi đã từng biết một lớp cử nhân xét nghiệm năm thứ nhất mà đến 90% sinh viên có nguyện vọng học y đa khoa nhưng không đậu nên học… tạm để năm sau thi tiếp! Có sinh viên thích ngành sư phạm sinh nhưng lại học điều dưỡng vì thấy nhiều bạn cùng lớp đăng ký ngành này. Vì vậy dự định năm sau sẽ thi lại nếu học 1 năm mà thấy không phù hợp. Chính vì lý do học đại học của các em đôi khi không xuất phát từ mong ước, khả năng của bản thân nên có không ít trường hợp cứ vật vờ ở giảng đường mãi mà không ra trường.
Tôi đã chứng kiến một số sinh viên không đủ năng lực để học bậc đại học nên bị thi lại, nợ môn liên tục, học mãi không ra trường, trong đó “cửa ải” khó khăn nhất là điều kiện đầu ra về ngoại ngữ.
Cũng có sinh viên đến năm thứ 3, thứ 4 bỗng dưng chán học vì thấy nhiều anh chị ra trường thất nghiệp và cương quyết bỏ ngang dù giảng viên khuyên can hết lời.
Học đại học là quyết định của chính mỗi sinh viên chứ không phải là lựa chọn của phụ huynh. Bản thân mỗi sinh viên phải chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình, cho tương lai của chính mình chứ không thể cứ vật vờ ở trường đại học.
Học đại học không phải là một cuộc dạo chơi, thích thì đến, không thích thì ngừng, mà đây là một con đường gian nan đòi hỏi phải tiêu tốn nhiều công sức, trí tuệ, thời gian, tiền bạc. Bởi vậy, phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định vào đại học. Nếu đã học thì phải gắng sức tốt nghiệp để không phí hoài những năm tháng tuổi trẻ.
Bình luận (0)