|
Táo xanh Ninh Thuận vốn nổi tiếng bởi giá trị từ sản phẩm ngon và sạch (không dùng hóa chất để bảo quản quả). Theo số liệu của Sở NN-PTNT Ninh Thuận, hiện trên địa bàn có hơn 1.180 ha trồng táo, tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải và TP.Phan Rang - Tháp Chàm. Năng suất bình quân có thể đạt 40 tấn/ha/năm. Mặc dù chất lượng táo xanh Ninh Thuận không thua kém táo Thái Lan, Mỹ… nhưng do chưa có bao bì nhãn mác nên thường hay bị ép giá.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, nông dân trồng táo ở xã Phước Sơn, H.Ninh Phước, hiện giá táo thu mua tại vườn chỉ còn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng sản phẩm; so với 2 tháng trước, giảm gần một nửa. Điều này khiến không ít nông dân trồng táo lo lắng và có nhiều người chặt phá vườn táo để chuyển sang cây trồng khác. Ông Phan Văn Hòa, nông dân trồng táo ở P.Đô Vinh, TP.Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, gia đình có hơn 1 ha táo đang thu hoạch.
Do thị trường tiêu thụ chậm, thời gian bảo quản chỉ từ 5 - 7 ngày nên các thương lái yêu cầu phải thu hoạch cầm chừng, thay vì mỗi lứa hái cách nhau từ 3 - 5 ngày như trước đây thì nay phải hái rải ra trong tất cả các ngày, mỗi ngày một ít để dễ tiêu thu.
Theo ông Hòa, táo xanh Ninh Thuận cung cấp cho thị trường chỉ dùng để ăn tươi, nên giá lên xuống phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, vụ mùa. Điển hình như thời điểm này, đang là bước vào vụ thu hoạch chính nhưng thời tiết các tỉnh phía Bắc rất lạnh, người tiêu dùng ít sử dụng mà chỉ tập trung vào các tỉnh phía Nam. Bà Nguyễn Thị Nhung, một tư thương chuyên cung cấp táo xanh Ninh Thuận cho thị trường phía Nam cho biết, mỗi ngày bà giao hơn 5 tấn táo xanh vào các đầu mối ở TP.HCM. Tuy nhiên, giá cả lên xuống là do các đầu mối quyết định; mình chỉ là người trung gian.
Cuối năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”. Đây là cơ hội để táo xanh Ninh Thuận xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Theo Hội Nông dân Ninh Thuận, sản phẩm được sử dụng nhãn hiệu “Táo Ninh Thuận” là sản phẩm phải được công nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy nhiên, hiện chưa có tổ chức, cá nhân nào trong tỉnh sử dụng nhãn hiệu này. Ông Dương Thanh Tùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Sơn cho biết, triển khai chương trình trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP là rất khó. Năm 2013, có 5 hộ nông dân trồng 2,5 ha táo xanh thử nghiệm theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng sản phẩm đầu ra không cao hơn với táo sản xuất bình thường. Theo ông Tùng, lý do là chưa có đầu mối thu mua táo VietGAP nên người trồng theo mô hình này luôn chịu thiệt.
Ông Ba Mọi, là chủ trang trại sản xuất nho sạch đầu tiên ở Ninh Thuận cho biết, chi phí sản xuất táo hoặc nho theo mô hình VietGAP không cao nhưng phải áp dụng quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt. Sản phẩm làm ra được đưa vào các siêu thị với giá rất cao. Ông Ba Mọi dẫn chứng, hiện táo xanh sản xuất theo mô hình VietGAP có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với táo xanh sản xuất bình thường. Tuy nhiên, ông Ba Mọi công nhận song song với sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP thì phải xây dựng thương hiệu mới mong cạnh tranh được với thị trường.
Thiện Nhân
Bình luận (0)