Trần Tử Bình - vị tướng thanh tra

27/12/2020 07:03 GMT+7

Trong công tác thanh tra, thiếu tướng Trần Tử Bình được gọi thân mật là Bao Công. “Bao Công” trong công việc và gần gũi, giản dị trong cuộc sống đời thường.

Không phải moi móc khuyết điểm

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cuộc đời ông gắn liền với công tác thanh tra quân đội. Lịch sử ngành thanh tra còn nêu rõ: Năm 1947, đi kiểm tra một trung đoàn ở Phú Minh (Đại Từ, Thái Nguyên) sau những ngày chiến đấu quyết tử, anh dũng lập công xuất sắc ở thủ đô Hà Nội, ông Trần Tử Bình phát hiện trung đoàn này đã phạm một số khuyết điểm, làm mất đoàn kết nội bộ, gây bè phái, vi phạm kỷ luật dân vận trong hành quân... Trước những chứng cứ rõ ràng, ông Trần Tử Bình và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã kết luận và nghiêm khắc thi hành kỷ luật Ban Chỉ huy trung đoàn này: Cách chức và hạ tầng công tác Chính trị viên Trung đoàn và Trung đoàn trưởng xuống một cấp rồi đưa ra khỏi quân đội.
Năm 1948, đoàn thanh tra do thiếu tướng Trần Tử Bình, Phó tổng thanh tra quân đội làm trưởng đoàn đã về kiểm tra Khu 4, phát hiện một số đơn vị, khu vực trọng điểm, trong đó có cả lãnh đạo, chỉ huy Liên khu 4, đã không chấp hành nghiêm túc, triệt để các mệnh lệnh quân sự, chính sách kháng chiến.
Do thiếu thống nhất trong nội bộ giữa bí thư khu ủy và khu trưởng nên việc chi viện cho Trung đoàn 101 chiến đấu ở Trị Thiên không chu đáo. Trong khi lực lượng vũ trang ở Trị Thiên gặp khó khăn, các cơ sở kháng chiến bị sa sút thì Khu 4 chỉ tập trung tổ chức đại hội tập (luyện quân), không chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động quân sự ở mặt trận Trị Thiên. Trước tình hình phức tạp của Khu 4, đặc biệt là khuyết điểm của lãnh đạo, chỉ huy liên khu, đoàn đã báo cáo Tổng Quân ủy và Bộ Tổng chỉ huy để xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Sau đó, Tổng bí thư Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng đã trực tiếp vào Khu 4 chỉ đạo giải quyết tình hình và củng cố cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Khu 4.
Thiếu tướng Trần Thế Môn, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, sinh thời có kể lại: Khi được điều về làm phái viên Thanh tra Bộ Quốc phòng, lần đầu tiên tiếp xúc với thiếu tướng Trần Tử Bình, được ông vui vẻ trao đổi về công tác thanh tra: “Làm công tác thanh tra phải làm sao để những nơi mình đến thanh tra có thái độ không đối phó mà tin tưởng trình bày đầy đủ cả hai mặt ưu, khuyết điểm. Không bao giờ để họ thành kiến là thanh tra chỉ đi moi móc khuyết điểm rồi kỷ luật họ”.

Rung động trước tòa thiên nhiên

Dù làm công tác thanh tra quân đội yêu cầu nguyên tắc và kỷ luật thép, nhưng trong con người thiếu tướng Trần Tử Bình lại chẳng hề cứng nhắc, khắc kỷ. Tâm hồn ông biết cảm nhận và rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người trên mỗi chặng đường hành quân. Kỷ niệm ấy được đại tá Nghiêm Xuân Hiếu nhớ đến trong dịp hành quân thị sát sông Lô cùng thủ trưởng.
Cuối tháng 10.1947, thực dân Pháp mở cuộc tấn công lên chiến khu Việt Bắc nhằm “cất vó” Chính phủ Hồ Chí Minh. Bộ Tổng chỉ huy nhanh chóng tổ chức lực lượng chặn đánh các ngả đường tiến công của địch. Được phân công phụ trách Mặt trận sông Lô, ông Trần Tử Bình cùng các cán bộ trẻ lên đường thị sát. Trong đoàn có chàng thanh niên Nghiêm Xuân Hiếu tuổi ngoài 20, tốt nghiệp khóa đầu tiên của Võ bị Trần Quốc Tuấn (1946). Khi đoàn nghỉ dọc đường, Nghiêm Xuân Hiếu với thân hình lừng lững như chú gấu, leo lên một cành cây sà sát mặt nước, nằm ngả lưng. Mấy cô sơn nữ khoác gùi đi qua, liếc nhìn anh bộ đội trẻ đẹp trai đầy e thẹn. Thoáng cái, khi Nghiêm Xuân Hiếu nhổm dậy nhìn theo lên khúc suối trên đã thấy các cô trút hết áo xống ào xuống giữa dòng suối, té nhau cười khúc khích. Anh bộ đội trẻ ngẩn người trước những tòa thiên nhiên dày dày sẵn đúc.
Thấy vậy, ông Trần Tử Bình mỉm cười, nói với anh em cán bộ trẻ cũng là ra tín hiệu cho anh lính trẻ họ Nghiêm: “Chúng nó “tắm tiên” đấy. Kệ chúng nó, chớ có động vào. Con gái miền sơn cước đi tắm suối là đều thế cả”.
Quây quần ăn uống xong, trong câu chuyện vui, ông Bình liền hỏi những chàng thanh niên đi theo mình: “Tớ hỏi thấy gái đẹp chúng mày có thích không?”. Mấy chàng thanh niên tuổi đôi mươi ấy đua nhau tán thưởng. Riêng Nghiêm Xuân Hiếu còn tỏ ra luyến tiếc vì trong tay không có máy ảnh để bấm vài pô. Anh nói rằng, biết đâu sau này các pô ảnh của mình lại chẳng trở thành tác phẩm bất hủ, đâu thua kém gì tranh “Thiếu nữ ngủ trong rừng” của họa sĩ thời Phục hưng.
“Đúng, đó là tác phẩm tác tuyệt nhất của trần gian!”, ông Trần Tử Bình tán thành. Song lúc này, tất cả những mộng mơ ấy đều phải xếp lại, phía trước đang chờ họ là chiến trận.
Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907 - 1967) tên thật là Phạm Văn Phú, sinh tại xã Tiêu Động, H.Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông tham gia lãnh đạo phong trào công nhân Phú Riềng đỏ (1930), khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội (tháng 8.1945). Từ năm 1959, ông làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Ông đã được truy tặng Huân chương Sao Vàng và đặt tên phố ở Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.