Lan tỏa trên mạng xã hội:

Trang đời mới của 'Thương xe lăn' sau 50.000 đồng đầu tiên tự kiếm

04/08/2023 11:44 GMT+7

Nhận 50.000 đồng hoa hồng bán sản phẩm đầu tiên, Thương cho cô em gái út rồi bật khóc. Đó cũng là lúc anh "khát sống" hơn bao giờ hết sau 6 năm bị tai nạn phải ngồi xe lăn.

Cuối tháng 7.2023, Nguyễn Xuân Thương (28 tuổi, ở H.Thoại Sơn, An Giang) về Kiên Giang để tập vật lý trị liệu. Ngoài giờ tập, Thương kiểm tra tin nhắn, tư vấn sản phẩm cho những vị khách mua hàng. Bán hàng trên mạng xã hội hưởng hoa hồng và kiếm được tiền là điều Thương không dám mơ sau tai nạn xe máy kinh hoàng 6 năm trước.

Trang đời mới của 'Thương xe lăn' sau 50.000 đồng đầu tiên tự kiếm - Ảnh 1.

Anh Diệu đẩy xe lăn đưa Thương vào tham quan vườn trồng sâm của mình ở Long An để chàng trai có trải nghiệm thực tế, dễ tư vấn cho khách

NVCC

Từng nghĩ mình "là thứ bỏ đi"

Thương là anh cả trong gia đình có 5 anh em. Nghỉ học từ năm lớp 9, chàng trai lên Bình Dương xin làm đủ thứ nghề phụ cha mẹ nuôi em. Năm 2017, Thương về quê mừng nhà mới của ba mẹ thì bị ngã xe, chấn thương đốt sống cổ dẫn đến liệt tứ chi.

Nằm viện ở TP.HCM suốt 1 tháng nhưng tay chân Thương vẫn không thể lấy lại cảm giác. Từ chỗ khỏe mạnh, giờ mọi sinh hoạt anh phải phụ thuộc gia đình. Cô em gái thứ 3 khi đó phải nghỉ học đi làm vì ba mẹ đã dồn hết tiền bạc lo cho Thương.

Về nhà, thêm nửa năm chạy chữa ở bệnh viện tỉnh chỉ giúp anh phục hồi phần nào đôi tay, còn chân vẫn không cảm giác, vệ sinh mất kiểm soát. "Đời mình coi như xong và muốn tự giải thoát", chàng trai nhớ lại biến cố đời mình.

Trang đời mới của 'Thương xe lăn' sau 50.000 đồng đầu tiên tự kiếm - Ảnh 2.

Chàng trai bắt đầu có thói quen đọc sách mỗi ngày, chia sẻ những cuốn hay lên mạng xã hội để mọi người tìm đọc

Có người quen, cũng là bác sĩ, đến châm cứu cho anh hằng tuần, động viên: "Cha mẹ đi làm cực khổ mà vẫn nấu cho em bữa cơm ngon. Em phải ăn nhiều, ăn ngon để họ được vui". Nghĩ đến đấng sinh thành, Thương tiếp tục sống, nhưng vẫn không thể gượng dậy.

Một ngày, khi bồng Thương vào nhà tắm thì cha anh, ông Nguyễn Như Hải (62 tuổi), bất chợt ngã nhào. Thương chợt nhận ra cha đã có tuổi. Những ngày đó, mẹ Thương cũng biết mình bị sỏi thận, ngồi làm cá mướn than đau lưng nhiều. "Hai cô em gái lớn lần lượt đi lấy chồng, nếu mình cứ vô dụng như thế thì tương lai sẽ ra sao?", suy nghĩ "phải sống tiếp thế nào" đã ám ảnh Thương trong từng giấc mơ.

Từ việc sống bất cần, Thương bắt đầu dùng lại mạng xã hội, kết nối với bạn bè. Đến tận đầu tháng 3.2023, anh mới ngỏ ý cùng gia đình đi viếng chùa ở Sóc Trăng sau thời gian dài "trốn trong nhà".

Vậy là Thương thay đổi, chăm tập vật lý trị liệu mỗi ngày. Nhờ thế mà anh tăng cân, đôi tay cũng khỏe hơn. Anh có thể tự nhấc mình lên xe lăn, thay vì phải nhờ cha bồng.

Trang đời mới của 'Thương xe lăn' sau 50.000 đồng đầu tiên tự kiếm - Ảnh 3.

Thương tươi cười giới thiệu sản phẩm trong một lần livestreamtại nhà

Bước ngoặt

Nhìn lại 6 năm trôi qua quá uổng phí, chàng trai quay video chia sẻ tâm sự của bản thân lên mạng xã hội, mục đích để những người không may gặp biến cố như anh có thể rút ngắn được khoảng thời gian bi quan, sớm lạc quan vui sống.

Nhiều video được lan tỏa, chạm đến trái tim của cả triệu người. Trong đó có Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp VACO ở Long An, anh Lê Xuân Diệu.

Thấy Thương có kênh TikTok nhiều người theo dõi, anh Diệu chủ động nhắn tin mời hợp tác bán sản phẩm của công ty, trao cho chàng trai ngồi xe lăn một cơ hội.

"Thời điểm đó tôi cũng đang hỗ trợ một bạn có hoàn cảnh như Thương. Sau mấy tháng livestream bán hàng, giờ cậu ấy đã tự tin, mạnh dạn và không còn giữ những năng lượng tiêu cực", anh Diệu chia sẻ.

Trang đời mới của 'Thương xe lăn' sau 50.000 đồng đầu tiên tự kiếm - Ảnh 4.

Không riêng doanh nghiệp của anh Diệu mà nhiều cửa hàng lớn nhỏ khác cũng gửi sản phẩm đến để Thương livestream bán, tạo thu nhập cho anh. Thương cũng đặt mục tiêu nỗ lực tập vật lý trị liệu, hy vọng một ngày có thể bước đi bằng đôi chân của mình.

"Đợt rồi mẹ bàn cho em út nghỉ học. Mình cản và động viên mẹ cho em tiếp tục đến trường rồi mình sẽ bán hàng để phụ thêm. Đó cũng là động lực để mình cố gắng nhiều hơn mỗi ngày", chàng trai tâm sự.

"6 năm qua, mình chưa kiếm được một ngàn cho ba mẹ nên khi nhận được 50.000 đồng tiền hoa hồng đầu tiên từ sức lao động, mình vui lắm. Vui đến bật khóc", Thương trải lòng.

"Tôi không ngờ con thay đổi nhanh đến thế", bà Đào Thị Nhung (53 tuổi), mẹ Thương, nói trong xúc động, tự hào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.