'Trang mới cuộc đời' cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

02/12/2020 13:05 GMT+7

80 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở TP.HCM đã được cấp giấy khai sinh nhờ dự án 'Trang mới cuộc đời'.

Sáng 1.12, tại TP.HCM diễn ra Hội thảo “Tổng kết dự án Trang mới cuộc đời và Đối thoại thúc đẩy làm giấy khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM” do Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Sở tư pháp TP.HCM tổ chức.
Tham dự hội thảo có đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Sở KH-ĐT, mái ấm trẻ em...

230 giấy khai sinh cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn

Dự án nhằm thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi, trẻ lang thang...), được thực hiện từ 1.6.2019 - 31.12.2020 với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) - một hợp phần của Dự án ODA “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam - EU JULE” do Liên minh châu Âu tài trợ.
Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Hồng Yến, Phó trưởng phòng Hộ tịch, Sở Tư pháp TP.HCM,  cho biết trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, rất cần sự quan tâm để phát triển. Tại TP.HCM, do xuất phát từ thực tiễn nhiều biến động về nơi cư trú, nhất là người dân từ các tỉnh đến đây sinh sống, làm việc, do đó, phát sinh nhiều trường hợp trẻ em chưa có giấy khai sinh. Dự án “Trang mới cuộc đời” bước đầu đã đạt được thành công nhất định trong việc thúc đẩy giải quyết vấn đề này.
Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD, Trưởng dự án, chia sẻ năm nay đã hỗ trợ thêm 80 trẻ có giấy khai sinh. Tính cả 6 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ tổng cộng cho 230 trẻ. “Chúng tôi gặp nhiều trường hợp các em chưa từng biết ba mẹ mình là ai, chưa có giấy khai sinh, chưa từng được đi học... Lắm khi cha, mẹ các em cũng không có tấm giấy tờ tùy thân nào. Mỗi tấm giấy khai sinh trao từng trẻ, chúng tôi biết rằng đã mở ra những trang mới cho các em để có thể tiệm cận được các quyền khác, quyền được đến trường, làm căn cước, BHYT...”, bà Linh cho hay.

Thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em

Nhóm thực hiện dự án “Trang mới cuộc đời” cho biết có nhiều nguyên nhân khiến trẻ không có giấy khai sinh như: gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không quan tâm, không biết cách thức làm giấy khai sinh cho trẻ; nhiều gia đình không biết chữ, không biết thủ tục làm giấy khai sinh... Ngoài ra, còn có bất cập trong quy định chính sách về chứng minh việc sinh, xác minh nhân thân... khi năng lực thực thi của cán bộ hộ tịch tại xã, phường còn hạn chế.
Theo kế hoạch Mục tiêu Quốc gia về Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030, Chính phủ đã đưa ra lộ trình để 100% trẻ dưới 5 tuổi có giấy khai sinh. Nhóm dự án khuyến nghị Bộ, Sở Tư pháp hướng dẫn cho các cán bộ hộ tịch phường xã thực thi hiệu quả, đúng pháp luật; tiến hành rà soát và hỗ trợ làm giấy khai sinh không chỉ cho trẻ dưới 5 tuổi mà còn cho trẻ trên 5 tuổi tới 16 tuổi và cả người lớn; Sửa đổi Thông tư 53/2017/TT-BYT của Bộ Y tế để việc lưu trữ hồ sơ sinh trẻ được lâu hơn, tới 20 năm hoặc vĩnh viễn. Hướng dẫn các bệnh viện, cơ sở y tế cung cấp giấy chứng sinh cho trẻ trong bất cứ trường hợp nào...
Bà Trần Thị Hồng Yến nhận định trình độ chuyên môn của cán bộ hộ tịch phường, xã chưa được đảm bảo, đội ngũ thường xuyên thay đổi nên bộ phận mới chưa cập nhật kịp, chưa đầy đủ nghiệp vụ. Bên cạnh đó, đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng đề xuất cần liên tục tập huấn nâng cao năng lực cho các bên, đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp, phòng công tác xã hội của các bệnh viện... triển khai chính sách liên quan nhằm thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.