Các trường đại học (ĐH) chỉ quy định chung chung về trang phục nhưng điều này không đồng nghĩa sinh viên thích gì mặc nấy mỗi lần đến giảng đường.
Không thể nhân danh tự do
Là một giảng viên ĐH, tôi nghĩ rằng trang phục còn thể hiện trình độ văn hóa của sinh viên.
Chúng ta không thể nhân danh tự do để mặc cái mà chỉ mình thấy đẹp nhưng người khác thấy phản cảm để rồi quay ra trách móc, phê phán người khác tại sao lại cứ đánh giá vẻ bề ngoài mà không tập trung vào bản chất bên trong?
Trường ĐH nơi tôi công tác không có quy định chi tiết trang phục sinh viên không được mặc, độ dài của váy, độ mỏng của áo…
Nhà trường chỉ có quy định chung: trang phục gọn gàng, lịch sự, kín đáo, phù hợp thuần phong mỹ tục, môi trường giáo dục, đảm bảo tính nghiêm túc; không được mặc quần lửng, quần soóc, quần rách, quần áo không lịch sự, gây phản cảm, không phù hợp với môi trường giáo dục.
Vì vậy, trang phục sinh viên rất đa dạng và phong phú. Sinh viên ngành sư phạm còn được khuyến khích mặc áo dài một vài buổi trong tuần, nếu không thực hiện thì không bị xử lý.
Nhìn một cách tổng thể, sinh viên khoa kinh tế có trang phục sành điệu hơn so với các khoa khác. Trong khi đó, sinh viên khoa y năm thứ 3 trở đi trang phục có phần hơi lôi thôi do phải di chuyển nhiều từ bệnh viện về giảng đường.
Còn nam sinh viên khoa nông lâm mang dép lê nhiều hơn trong khi nam sinh viên sư phạm thường mang dép quai hậu hay giày. Đối với những bạn nhà xa phải ở lại trường buổi trưa, chuyện mặc đồng phục thể dục lên lớp học là bình thường.
Những chuyện dở khóc dở cười vì trang phục sinh viên
Không phải giảng viên nào cũng nhắc nhở chuyện trang phục nên thầy cô nào chú ý, nhắc nhở lại bị sinh viên chê khó tính.
Tôi đã có lần chứng kiến vài nam sinh viên đến liên hệ phòng Công tác sinh viên với trang phục quần soóc lửng, bạn nữ quấn nguyên váy chống nắng, đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm...
Tôi từng thấy nữ sinh viên diện mốt "giấu quần" vào thư viện mượn sách. Tôi cũng đã nhẹ nhàng kéo một nữ sinh viên vào phòng giáo viên để góp ý nên chú ý đến trang phục khi đi học. Không ít lần tôi phải lắc đầu ngán ngẩm khi bắt gặp vài nữ sinh viên đi thi, ngồi hở cả nửa lưng vì áo croptop.
Trang phục sinh viên đến trường có lẽ là câu chuyện dài kỳ với những tranh luận không hồi kết. Sinh viên mong muốn tự do, thoải mái chứ không phải bị bó buộc như thời học sinh trung học. Không ít sinh viên trước đây bị quản lý chặt chuyện ăn mặc nên khi xa gia đình như chim sổ lồng, muốn "nổi loạn" để thể hiện cái tôi.
Tuy nhiên, tự do nào cũng phải ở trong một khuôn khổ nhất định. Bởi lẽ tự do của người này không được ảnh hưởng đến người khác. Trang phục phải phù hợp với hoàn cảnh là nguyên tắc ứng xử tối thiểu mà ai cũng phải biết.
Đa số trường ĐH nhìn chung đều có những quy định về văn hóa học đường, trong đó có trang phục. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định nghiêm túc đến đâu tùy thuộc vào ý thức tự giác của sinh viên.
Hầu như không có trường nào lập ra một ban/tổ nền nếp để đi đo độ dài váy/quần hay đánh giá xem cổ áo này có phải là hở quá không, bạn này mang dép có quai hậu hay không. Sinh viên là người trưởng thành, đủ 18 tuổi, có quyền công dân, buộc phải có nhận thức đúng đắn về thế nào là "trang phục gọn gàng, lịch sự".
Sinh viên hoàn toàn đủ trình độ nhận thức để đánh giá được trang phục nào phù hợp lên giảng đường, vấn đề là các bạn muốn thực hiện hay không.
Bình luận (0)