Trắng tay vì cá bè chết

27/05/2019 10:31 GMT+7

Bao nhiêu vốn liếng, tài sản tích góp, dành dụm được lâu nay của nhiều hộ dân nuôi cá bè trên sông La Ngà (H. Định Quán, Đồng Nai) đã trôi theo dòng nước sau những lần cá chết.

Bất lực nhìn cá chết

Ngày 21.5.2018, sau cơn mưa lớn trong đêm, rạng sáng cùng ngày người dân nuôi cá bè trên sông La Ngà hốt hoảng, kêu gọi nhau thức dậy cứu cá. Ra đến bè, nhiều người phát hiện cá ở trong các bè đồng loạt trồi lên mặt nước thở, sau đó lần lượt ngã bụng ra chết. Mặc cho các chủ bè nổ máy sục ôxy liên tục, cá vẫn cứ chết.
[VIDEO] Bất lực nhìn cá chết trắng sông La Ngà, dân lâm vào thảm kịch nợ nần
Thống kê sau đó cho thấy, thiệt hại hơn 1.500 tấn cá các loại như lăng, điều hồng, chép… Vào cuộc điều tra, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai xác định nguyên nhân cá chết do thiên tai, vì thiếu hụt o xy trong nước gây ra tình trạng cá chết. UBND tỉnh Đồng Nai đã chi 12 tỉ đồng hỗ trợ cho các hộ dân. Tùy theo số lượng bè, dèo, mà mỗi hộ dân được hỗ trợ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Sau khi cầm số tiền nhà nước hỗ trợ, các hộ dân vay mượn thêm để mua giống, thức ăn, đầu tư mùa vụ mới với hy vọng lứa cá này sẽ gỡ gạc lại vụ trước. Nhưng một lần nữa, lại một cơn mưa vào đúng ngay dịp tháng 5.2019 đã cuốn mọi hy vọng của người dân tiêu tan, nợ chồng thêm nợ.
Cụ thể, cơn mưa vào sáng 16.5 vừa qua đã khiến cho gần 1.000 tấn cá của 81 hộ bị thiệt hại, tiền tỉ trôi sông chỉ trong một giờ. Không khí buồn bã, u ám một lần nữa bao trùm lấy làng bè. Anh Huỳnh Văn Song (47 tuổi), nạn nhân của 2 “cơn đại nạn” buồn bã nói: “Năm ngoái, tôi chết hơn 50 tấn cá lăng và điêu hồng, thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng, được nhà nước hỗ trợ 216 triệu đồng. Nhưng số tiền đó cũng chưa đủ tiền mua cá giống thả vụ mới, còn tiền cám thì phải vay mượn, mua thiếu. Tính vụ cá này thu lại, trả nợ nhưng giờ chết tiếp thì trắng tay luôn. Bây giờ chắc phải bỏ nghề chứ tiền đâu nữa mà nuôi, đâu ai cho mượn nữa.”

Cá chết do đâu?

“Trước đây, nếu mưa lớn, cùng lắm một số con bị ngợp và chết vài chục ký, nhiều lắm thì vài trăm ký. Nhưng từ lúc nhà máy xoài mọc lên ở thượng nguồn 3 năm nay, thì lại xảy ra 2 đợt cá chết đồng loạt với số lượng rất lớn, nên dân nghi ngờ nguyên nhân do nước xả thải của nhà máy này”, ông Nguyễn Văn Mười cho hay.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Mười, một trong những hộ dân nuôi cá trên sông La ngà từ những năm 1990 đến nay, cho biết trước đây không có hề có hiện tượng cá chết hàng loạ, với số lượng lớn như vậy. “Trước đây, nếu mưa lớn, cùng lắm một số con bị ngợp và chết vài chục ký, nhiều lắm thì vài trăm ký. Nhưng từ lúc nhà máy xoài mọc lên ở thượng nguồn 3 năm nay, thì lại xảy ra 2 đợt cá chết đồng loạt với số lượng rất lớn, nên dân nghi ngờ nguyên nhân do nước xả thải của nhà máy này”, ông Mười nói
Trao đổi với PV Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết ven sông La Ngà đoạn qua địa bàn huyện có 3 nhà máy, trong đó 2 nhà máy nằm ở phía hạ lưu không ảnh hưởng gì đến làng bè. Còn nhà máy chế biến xoài nằm ở thượng nguồn thì huyện đã yêu cầu ngưng xả thải ra sông từ mấy tháng trước. Về nguyên nhân cá chết đợt này, ông Tài cho hay: “Chúng tôi đang đợi kết quả điều tra, xét nghiệm của các đơn vị chuyên môn của tỉnh”.
Cũng theo ông Tài, tình trạng cá bè nuôi trên sông La Ngà chết thường xuyên xảy ra vào dịp giao mùa, khi kết thúc mùa khô chuyển qua mùa mưa. “Do thời điểm này nước sông cạn, khi xảy ra mưa lớn làm nước từ đất liền chảy xuống, trong khi số lượng bè nuôi dày làm lượng ôxy trong nước tụt giảm dẫn đến cá chết. Nên trước đó, dự đoán trước tình hình, huyện đã vận động các hộ nuôi giảm đàn, giảm mật độ nuôi, khẩn trương bán các loại cá đến kỳ thu hoạch nên số lượng cá chết đợt này đã giảm so với năm ngoái”, ông Tài nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.