Những năm gần đây, nghề trang trí tiệc và làm cổng cưới theo phong cách truyền thống trở thành lĩnh vực hấp dẫn đối với nhiều người có đam mê sáng tạo. Trong đó, anh Nguyễn Minh Luân được xem là người tiên phong khởi nghiệp với mô hình này ở địa phương.
Mong giữ lại những giá trị truyền thống
Anh Luân chia sẻ từng có thời gian dài làm nghề cắm hoa thuê. Nhận thấy nhu cầu trang trí tiệc cưới theo phong cách truyền thống ngày càng tăng, anh vừa làm, vừa học nghề để tích lũy kinh nghiệm. Năm 2014, anh quyết định đầu tư làm với mô hình dịch vụ cưới, trang trí mang tên Tâm Việt.
Theo anh Luân, để làm nên chiếc cổng cưới rồng phụng phải qua nhiều công đoạn kỳ công như: cắt phôi, gắn kết vật liệu phù hợp để tạo vảy rồng, kèm theo chi tiết răng, râu. Cổng cưới, lắp ráp, gắn thêm hoa, lá. Trung bình, mỗi cổng cưới tốn từ 20 kg đậu bắp, 17 kg ớt sừng và ớt hiểm, 3 - 4 kg đậu đũa, hơn 200 lá khóm… Tùy theo cổng lớn hay nhỏ, thì có thể hoàn thiện trong vòng 2 - 3 ngày.
"Cổng cưới rồng phụng công phu lắm. Chẳng hạn tháng 9 này không có cau để làm vảy, tôi phải tìm mua trái cóc kèn để thay thế. Loại cây này chỉ mọc ở vùng nước lợ nên phải đến tận nơi mua đủ số lượng và mang về rất tốn thời gian", anh Luân chia sẻ.
Về trang trí tiệc cưới theo phong cách xưa, anh Luân tái hiện màu sắc ở phần chuẩn bị bên ngoài như: sử dụng gam màu chủ đạo đỏ, vàng, cam; họa tiết và phông chữ; các phụ kiện, vật dụng từ tre, nứa…
"Muốn trang trí phải am hiểu văn hóa truyền thống và tùy vào mốc thời gian phục dựng cho phù hợp. Ví dụ, ở thập niên 60 - 70, tôi tái hiện nhà tranh, vách lá. Toàn bộ vật dụng chén dĩa, nồi niêu, màn cửa, khăn trải bàn đều sưu tầm đúng mốc thời điểm để trang trí. Riêng bàn ghế làm từ chất liệu mây tre được đóng thủ công. Còn thập ở niên 80 thì tôi trang trí máy cassette, ti vi trắng đen cho phù hợp…", anh Luân chia sẻ.
Thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương
Theo anh Luân, giá thiết kế một cổng cưới truyền thống từ 12 triệu đồng trở lên. Riêng việc trang trí tiệc theo phong cách truyền thống từ 8 - 14 triệu đồng. Nhờ đó, giúp anh có thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng. Vào những mùa cao điểm, bắt đầu từ tháng 8 kéo dài đến tháng 4 năm sau thu nhập tăng cao hơn.
Khách hàng của anh Luân có từ Bắc chí Nam. Vừa qua, anh Luân thực hiện tác phẩm nghệ thuật mang tên "Chín con rồng bay", chế tác hoàn toàn từ trái cây và trưng bày tại sân khấu giỗ tổ của đoàn lô tô Hương Nam. Quá trình thực hiện tác phẩm từ khâu chuẩn bị đến khi hoàn thiện cần 10 người làm việc liên tục trong vòng 1 tháng. Nếu tính cả thời gian lên ý tưởng và thực hiện hoàn thành thì gần 2 tháng.
Điểm nhấn của tác phẩm là ở cặp rồng chế tác từ đậu bắp và lá cóc kèn, mỗi con nặng 50 kg. Đặc biệt, cặp rồng hổ phù có trọng lượng khoảng 70 kg. Trong đó, sử dụng nguyên liệu gồm 20 kg đậu bắp, 200 lá khóm, 2 kg ớt và phôi nặng khoảng 40 kg.
Cặp rồng quấn cột lớn trước bàn Tổ cũng gây ấn tượng mạnh, mỗi con nặng từ 70 - 80 kg, chia thành 3 khúc. Tác phẩm đạt chiều cao 4,5 m và rộng 2,2 m, làm từ xốp cao su, tạo nên một kiệt tác nghệ thuật độc đáo và công phu.
Hiện, anh Luân hỗ trợ đào tạo miễn phí và giúp việc làm cho gần 20 thanh niên địa phương theo nghề trang trí tiệc và làm cổng cưới truyền thống. Mức thu nhập của mỗi lao động được chia theo sản phẩm làm ra.
Bình luận (0)