Trái đất vừa chứng kiến đêm trăng tròn vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, khi các sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh bước nhảy vọt khổng lồ của 2 phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin.
Ông Aldrin (94 tuổi), phi hành gia tham gia sứ mệnh Apollo 11 của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), tham gia tiệc kỷ niệm tại Viện bảo tàng Hàng không và Không gian San Diego (California) vào tối 20.7.
Theo Đài CBS, sự kiện này còn có sự tham gia của phi hành gia Charlie Duke, liên lạc viên hỗ trợ cho sứ mệnh hạ cánh xuống mặt trăng hôm 20.7.1969.
Ông Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng và có một câu nói lịch sử: ""Đó là một bước đi nhỏ của một người nhưng là cú nhảy vọt của nhân loại". Theo chân ông là ông Aldrin, người mô tả mặt trăng là "sự hoang tàn tráng lệ".
Thời điểm đó, khoảng 650 triệu người trên khắp thế giới theo dõi sự kiện qua màn ảnh nhỏ và radio, theo Reuters. Hai phi hành gia đã ở lại 21 giờ trên mặt trăng, trong đó có việc ngủ 7 giờ, trước khi trở về trái đất.
Hiếm có: Bụi mặt trăng lấy từ bụng gián được đem ra đấu giá
Cạnh tranh Mỹ - Liên Xô
Apollo 11 được xem là sứ mệnh quan trọng của nhân loại vì trước đây con người chưa từng đặt chân lên mặt trăng, dù đây là tham vọng lớn của nhiều nước trong cuộc đua trở thành bên đầu tiên đưa con người lên đó.
Mỹ vốn cạnh tranh với Liên Xô cũ trong cuộc chạy đua vào không gian và khám phá vũ trụ. Cuộc đua khởi đầu khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo vào năm 1957.
Sau đó, phi hành gia Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên thực hiện chuyến bay vào vũ trụ vào ngày 12.4.1961 trên tàu vũ trụ Vostok 1. Người Mỹ muốn có ưu thế về công nghệ, trong khi có vẻ như Liên Xô khi đó đang giành chiến thắng trong cuộc đua vào vũ trụ.
Do đó, vào năm 1962, Tổng thống Mỹ khi đó là ông John F Kennedy công bố một tham vọng lớn, trong một bài phát biểu rất nổi tiếng khi nói "chúng ta chọn đi tới mặt trăng".
NASA đã đầu tư khoảng 25 tỉ USD và nỗ lực để biến điều này thành hiện thực. Sứ mệnh sau đó được gọi là chương trình Apollo và mục tiêu là đưa con người lên mặt trăng và trở về trái đất an toàn. Khoảng 400.000 người đã tham gia chương trình.
Sứ mệnh lịch sử Apollo 11
Mặt trăng cách trái đất khoảng 385.000 km, vì vậy sứ mệnh Apollo sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng mà rất nguy hiểm.
Trước Apollo 11, NASA đã thực hiện các sứ mệnh Apollo 8 và 10 đi vào quỹ đạo mặt trăng nhưng không đạt được mục tiêu của chương trình. Trong sứ mệnh Apollo 1, phi hành đoàn gồm 3 người đã chết thảm trong một vụ cháy bệ phóng.
Vào ngày 16.7.1969, sứ mệnh Apollo 11 được phóng lên trên tên lửa Saturn 5 và mất 4 ngày 6 giờ 45 phút để đến mặt trăng.
Đến thời điểm đáp xuống trái đất hôm 24.7.1969, sứ mệnh đã trải qua 8 ngày 3 giờ 18 phút và 35 giây, theo BBC.
Điều đáng buồn là cố Tổng thống Kennedy đã không được chứng kiến giấc mơ của mình thành hiện thực, do ông bị ám sát vào năm 1963.
Sau cùng, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Richard Nixon đã có cuộc gọi điện thoại đầu tiên lên mặt trăng và là cuộc điện thoại đường dài nhất từng được thực hiện.
Các phi hành gia đã làm gì?
Có thể nhiều người cho rằng cuộc đổ bộ lên mặt trăng chủ yếu là để thể hiện ưu thế trong cuộc chạy đua vào vũ trụ. Tuy nhiên, có những lý do khác khiến đây là một sứ mệnh quan trọng.
Những điều này bao gồm việc phát triển công nghệ để thực hiện điều đó ngay từ đầu, khám phá khoa học về mặt trăng và phát triển khả năng của con người để làm việc trong môi trường trên đó.
Các phi hành gia đã thực hiện các thí nghiệm quan trọng khi ở trên mặt trăng và họ nhặt những mảnh đất đá về để nghiên cứu.
Họ cũng để lại một lá cờ Mỹ, một tấm huy hiệu tưởng nhớ phi hành đoàn Apollo 1 đã hy sinh và một tấm bảng với nội dung "Ở đây những người từ hành tinh trái đất lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào tháng 7.1969 sau Công nguyên. Chúng tôi đã đến trong hòa bình cho toàn thể nhân loại".
Sau Apollo 11, có thêm 5 chuyến du hành đưa các phi hành gia đặt chân lên mặt trăng trước khi chương trình chấm dứt vào năm 1972. Sau đó, nhiều nước đã đưa tàu đổ bộ xuống mặt trăng nhưng đến nay vẫn chưa có sứ mệnh nào chở theo phi hành gia.
Tổng cộng, chỉ có 12 người đã đặt chân lên mặt trăng, gồm các phi hành gia Neil Armstrong, Buzz Aldrin, Pete Conrad, Alan Bean, Alan Shepard, Edgar Mitchell, David Scott, James Irwin, John Young, Charles Duke, Eugene Cernan và Harrison Schmitt.
Bình luận (0)