Trăng trong thành phố - Truyện ngắn dự thi của Hồ Thị Linh Xuân

22/10/2024 16:00 GMT+7

... Nhưng ý nghĩ đó không mạnh bằng lòng riêng ông dành cho đứa con gái đang nằm đằng kia. Nhất là khi trên cao, ánh trăng đột ngột rời khỏi khoảng không tù mù rờ rỡ hiện ra, hình ảnh con bé càng choáng đầy tâm trí ông, gọi ông trở về thực tại.

Cũng may mặt sàn lót gạch bông. Ông trườn đi.

Cái mông nhọn trở thành bánh xe, đôi tay khẳng khiu chống xuống nền làm cần đẩy. Sau cú té, hai đùi đau xé; ông cắn răng cố duỗi thẳng chân mà cơn nhức buốt long tận óc như thể đang có ngàn kim đâm thấu vào xương. Còn độ năm chục thước. Tập trung sinh lực, ông nén tiếng thở dốc. Mỗi lần nhích được quãng ngắn là hai cột trụ gầy gò run rẩy, nổi bộ rễ gân xanh. Cảm giác mất mát một phần thân thể không lấy gì làm dễ chịu.

Chỉ tại cơn thèm thuốc. Phòng bệnh cấm khói và hồi nãy ông phải lê lết từng bước nặng nhọc đi về phía cuối hành lang. Từ trên cao nhìn xuống là phố phường đèn đuốc sáng trưng, dòng người và xe cộ qua lại như mắc cửi. Ông móc túi lấy bao giấy chỉ còn điếu cuối, bật lửa mồi. Giữa làn khói tỏa ông tưởng mình đang bay lơ lửng qua những đám mây; trong một khoảnh khắc mỏng chừng sát na, ông muốn nhắm mắt nhấc mình khỏi thành lan can và sau đó chẳng còn điều gì trên đời là quan trọng nữa.

Nhưng ý nghĩ đó không mạnh bằng lòng riêng ông dành cho đứa con gái đang nằm đằng kia. Nhất là khi trên cao, ánh trăng đột ngột rời khỏi khoảng không tù mù rờ rỡ hiện ra, hình ảnh con bé càng choáng đầy tâm trí ông, gọi ông trở về thực tại. Đứa con gái, từ khi chào đời đã trở thành sinh mạng ông. Còn bây giờ ông chính là sự sống của nó. Không có ông, nó cũng tiêu đời. Dụi tắt điếu thuốc, ông muốn quay lại phòng bệnh thật mau. Sẽ lay con dậy từ giấc ngủ chập chờn bởi những cơn đau, sẽ nói với nó trăng đang sáng rực ngoài kia, chỉ cần con mở mắt nhìn ra cửa sổ. Nhớ hồi còn nhỏ xíu, con bé vẫn hay phụng phịu hờn dỗi bảo: "Thành phố này không có trăng". Đó là vào những đêm giữa tháng, nó đứng trước cửa căn trọ tồi tàn của cái xóm trọ cũng tồi tàn trong một con hẻm hũ nút trũng ngập thường xuyên bị vây hãm bốn bên bởi lố nhố mái thấp mái cao và những tòa nhà cao tầng đến không còn khe hở. Ngày không đủ sáng, đêm đến trăng sao cũng bặt tăm. Ông dỗ dành: "Người ta sẽ không luôn thấy trăng, nhưng trăng vẫn luôn ở đó".

Trăng trong thành phố - Truyện ngắn dự thi của Hồ Thị Linh Xuân- Ảnh 1.

ẢNH: THIÊN ANH

Có lần ông cũng tự hứa với lòng chờ hôm rằm nào trời đêm thật quang đãng sẽ xin về sớm một ngày đưa con đi ngắm cái bóng đèn kỳ vĩ của thiên nhiên. Nhưng đội nhân công vệ sinh cứ thiếu người luôn, nhất là ở những tuyến đường chuyên phục vụ ăn uống ngủ nghỉ thường thải ra lượng rác lớn phải mất nhiều công sức và thì giờ khuân dọn. Tiếc món tiền trợ cấp có thể góp vào khoản để dành chữa thẩm mỹ vết sẹo phẫu môi hở từ tấm bé của con gái, ông cứ lần lữa nấn ná ngày qua ngày. Nữa là gặp vào thời buổi khó khăn, người ít chữ như ông đâu dễ tìm được một chỗ làm ổn định thường xuyên dù có nặng nhọc và dơ bẩn đến đâu; ông không muốn mất việc. Cái quần quật bận rộn, bao mối lo nghĩ lúc nào cũng đầy ứ khiến người ta cứ trì hoãn những mong ước cỏn con. Để đến một bữa sực nhớ ra thì đứa con gái đã lớn phổng phao, chẳng còn bao giờ nghe nó nhắc chuyện trăng sao gì nữa. Phải chăng cái nghèo khó của ông đã giết chết những mơ mộng của con ông.

Muộn còn hơn không. Ông lật đật co giò chạy. Phút giây tiếc nuối muốn gấp rút đền bồi khoảng thời gian bị bỏ lỡ khiến ông quên bẵng phần da ở hai đùi đã vĩnh viễn mất đi. Đâu còn là đôi chân rắn rỏi như sắt như đồng mỗi ngày đạp xe luồn hết mọi ngóc ngách để lượm ve chai, hay mỗi đêm băng qua hàng bao con đường để dọn dẹp làm đẹp thành phố. Ổng nhón người lên nhưng còn chưa kịp giậm bước thứ nhất thì đã đau đớn ngã sóng soài.

Chỉ tại cái lon ga.

Bữa rồi ông nhớ đã nhắc con gái đổi bình mới đi, cái nọ đã quá cũ, đầu van han gỉ. Nó cười bảo: "Còn nặng tay bỏ uổng, con nấu lần này nữa thôi".

Nó vẫn như vậy, lúc nào cũng dè sẻn đến mức tối đa. Ông có dạy con phải chắt bóp vì hoàn cảnh thế nọ thế kia đâu, nhưng tự nó cứ cần kiệm: đúng cách chi tiêu của đàn bà. Bất kể món đồ nào mà nó chịu phép thải ra thì đến người lượm đồng nát như ông cũng vô phương kiếm chác gì được.

Hồi còn tiểu học, đồng phục có rách nó cũng lén vá chằng vá đụp, khâu đùm khíu đại chứ không hé môi nói nửa câu. Đôi dép nhựa mòn vẹt cụt đầu nó vẫn cứ mang hết ngày này qua tháng kia, là đàn ông, lại quá bận lòng với chuyện dự phòng bệnh tật đói no, ông đôi lúc cũng hời hợt qua loa trước những điều vụn vặt. Lúc phát hiện, ông hỏi: "Con như vậy không sợ bạn cười sao?". Nó lắc đầu: "Con chỉ sợ ba cực". Ông đau đớn khi nó hiểu chuyện quá sớm, ở cái tuổi mà đáng ra phải được hồn nhiên vô lo nghĩ, được thỏa sức vui chơi, ăn uống ngon lành. Được ôm những con búp bê xinh đẹp đi ngủ cùng và mơ những giấc mơ thiên đường dù có viển vông hay phù phiếm.

Bữa ông mua cho nó bộ quần áo mới, nó sung sướng ôm cổ, hôn khắp gương mặt người cha và liên tục cảm ơn ông. Lúc ông sắm cho nó đôi dép bền chắc mắc tiền hơn, trời mưa sân trường ướt ngập, nó tháo dép cất vào bịch ni lông, đi chân trần trên đá sỏi lổn nhổn. Ông đến đón nó, cúi người thấp xuống ra hiệu cho nó trèo lên lưng. Mặt nó nhăn xị: "Nhưng con nặng lắm". Ông cười xòa: "Dư sức qua cầu". Nó thót lên ôm ông, cái miệng nhỏ cứ véo von. Như một con chim non, nó thao thao kể chuyện này chuyện nọ. Tiếng nói của nó là âm thanh vui vẻ và náo động duy nhất trong cuộc đời buồn tẻ của ông. Tiếng nói của tình yêu xoa dịu cô đơn và giúp ông quên đi nỗi buồn thân phận. Thân phận của đứa trẻ bị chiến tranh cướp mất gia đình và bị bỏ rơi. Một bà già từng có thời là vũ công nức tiếng nhưng cuộc đời tàn lụi ngay đỉnh vinh quang bởi dung nhan bị hủy hoại sau trận đánh ghen mang ông về nuôi, chăm bẵm ông bằng hết thảy sự cay nghiệt và lòng thù hận.

Vậy mà bây giờ đứa con gái vui vẻ năng động chẳng mấy khi để người khác bận lòng vì mình lại im lặng nằm kia. Tiếng nói trong trẻo là nguồn suối mát của ông bật ra khó khăn vì những dải băng quấn chặt. Ông nhớ hôm ấy đang là buổi trưa. Người ta kể xóm trọ đang giờ ăn uống nghỉ ngơi thì nghe một tiếng nổ. Sau phút giây ai nấy đều im lặng nín thở, người ta đổ xô đến trước cửa phòng ông. Màu khói đen và mùi thịt cháy. Đứa con gái nằm bất tỉnh nhân sự sau cú lăn lộn tự dập đóm lửa trên người. Bà chủ dãy nhà ngày thường hay chửi bới đám công nhân nghèo tháng nào cũng trễ tiền trọ cởi manh áo ngoài xông vào che chắn kẻ bị thương. Gã đầu lâu bặm trợn sáng xỉn chiều say phòng kế bên bỗng tỉnh táo lạ thường móc điện thoại gọi xe cấp cứu. Ông không nhớ ai là người đã gọi báo tin cho mình trong lúc đang phấn khởi vì bữa nay kiếm được kha khá tiền. Chỉ nhớ lúc đó chân ông như không còn là của ông, cứ quềnh quàng trong không khí chẳng thể nào ấn tới bàn đạp. Không biết bằng cách gì mà sau đó ông đến được bệnh viện, ai đó nhưng không rõ là ai đã bốc ông đi. Người mặc áo blouse trắng gọi khẽ tên ông: "Cần có da đồng loại để cấy ghép".

Mạng ông còn cho nó được, kể gì da.

Nếu không có vụ tai nạn, in như ngày mai nó sẽ nhập học trường y. Hôm nhận giấy báo, nó rụt rè khoe với cha vì nó biết số tiền học phí dài năm sẽ lớn lắm. Nhưng ra vẻ chững chạc, nó bảo: "Con sẽ cố dành học bổng mỗi năm". Ông xúc động nhìn con: "Ba lo được".

Giờ thì nó ở đây, ông không dám nhắc gì về chuyện trường lớp. Chỉ gắng nói những điều vui vẻ dù đến khi quay mặt đi, nước mắt ông chảy dài. Nhìn đứa con gái dong dỏng với khuôn mặt xinh đẹp giờ méo mó tật nguyền sau lớp băng trắng, ông cứ đấm ngực ngước lên gọi: Trời ơi. Người xóm trọ có khi thay phiên ghé vào thăm hỏi, mang lon sữa hộp cơm; nhưng chỉ ông túc trực ngày đêm săn sóc. Nó nằm bất động, thật ra ông cũng chẳng phải làm gì nhiều. Nhưng mỗi khi mở mắt ra nó sẽ biết nó không hề một mình, đó mới là điều quan trọng nhất.

Những người đến nuôi bệnh tặc lưỡi bảo có bàn tay phụ nữ vẫn hơn. Đàn bà con gái nằm một chỗ coi vậy chớ có nhiều cái khó lắm.

Có khó gì thì hồi nào tới giờ vẫn chỉ hai cha con ông sớm hôm hủ hỉ với nhau. Hồi nó sơ sinh, một tay ông pha sữa, thay tã, vò quần áo phơi lên; lúc nó đau bệnh cũng đơn chiếc người cha chườm khăn, tán thuốc. Đận nó dậy thì cũng là ông mua cho nó bịch băng vệ sinh đầu tiên. Bây giờ nó không thể tự lo cho bản thân, hôm đến tháng, cũng là ông xiêu vẹo đi tìm mua những miếng bông lót. Người ta vẫn lắc đầu: "Chớ má con nhỏ đâu?".

Câu hỏi trong một thoảng giây bất chợt khiến ông nhớ tới một góc đường vắng lặng vào những đêm khuya. Hồi ấy ông là thằng phu xích lô, chật vật nuôi thân, dám đâu đèo bòng chuyện sẽ tìm ai đó bầu bạn. Sau khi bà má nuôi, người vũ công già mất, ông bữa đói bữa no lay lắt trong căn trọ ọp ẹp, gia tài chỉ có chiếc xe túc tắc kiếm ăn. Nàng là cô ca sĩ hạng hai, làm dự bị hát thay nếu hôm nào danh ca chính của phòng trà không may bị cảm sốt mất tiếng. Đồng tiền kiếm được chẳng đủ mua phấn son gương lược, đến cái ăn cái mặc giữa đất thị thành còn thiếu trước hụt sau, nàng sẩy chân lúc nào không hay. Mỗi đêm sau khi quằn quại với những cuộc bán mua, có khi say khướt, nàng vẹo vọ ngoắc ông từ hõm tối để đưa nàng về phòng trọ. Năm qua tháng lại dần quen, đêm nào, dù mệt đến đâu, ông đều cố ý chờ. Tiền cước từ buổi ban đầu chơi sộp luôn kèm tiền boa, dần dà nàng có bao nhiêu trả bấy nhiêu, về sau toàn đi chịu. Nàng bảo: "Đợi vớt được con cá lớn, tôi trả anh một lần dứt điểm luôn".

Cú dứt điểm đó là một lần nàng kéo ông vào nơi ở của nàng, cũng rách nát và bừa bộn, cởi xuống chiếc đầm hai dây phi bóng mỏng tang. Trong lúc im lặng luồn tay để chiếc cổ trắng mềm nằm lên, ông bảo: "Hay là từ rày đừng đi với họ". Nàng rúc đầu vào tóc ông, phả vào tai ông những lời dịu ngọt: "Làm cha cho con em được không?".

Năm tháng sau nàng sinh một đứa con gái có mắt mũi đẹp như tạc, ngoại trừ một lỗ đen hun hút ở khoang miệng mà với nàng trông nó thật khó coi. Con bé vừa ra tháng, nàng bảo: "Anh nuôi thì giữ mà nuôi, không thì tôi gửi vào cô nhi viện". Ông làm cha từ bữa đó còn nàng bặt tăm. Sau này có lần gặp nhau trên phố, nàng ngượng ngùng che mặt, toan quay đi. Ông vẫn dẫn tay đứa con gái bước tới gần bên, mong kiếm tìm ở nàng chút tình thiêng liêng mẫu tử. Vừa lúc có kẻ ăn mặc sang trọng mở cửa xe hơi hỏi hai người kia là ai, nàng dúi vào tay ông một chút tiền rồi quay mặt về phía người đàn ông, nhoẻn cười: "Hai cha con người ăn xin, mình ạ".

Bẵng đi mấy năm không còn trông mong gì nữa, một bữa đang cân những xấp báo cũ, ông tình cờ nhìn thấy hình ảnh người đàn ông ngày nọ ngay trang nhất bị tra tay vào còng. Nguyên nhân liên quan đến một người phụ nữ bị giết vì mâu thuẫn và ghen tuông, cái tên và địa chỉ căn nhà ấy ông có biết.

Cuối cùng ông cũng đã trượt tới mép cửa. Thấy ông, bà chủ trọ không biết vào tự lúc nào, mau mắn: "Người ta góp biếu cha con anh một số tiền". Bà bảo lúc nào con nhỏ được ra viện, hay là mở một sạp vé số ngay đầu hẻm, cứ ngồi một chỗ mà bán, chẳng cần đi đâu. Bà đặt chiếc phong bì dày cộp vào tay ông, nói với đứa con gái đang nằm mấy lời dễ nghe rồi từ giã bởi đã hết giờ đến thăm bệnh.

Ông lết đến bên giường đứa con gái, bảo nó hãy nhìn ra ngoài kia, trăng đêm nay sáng vằng vặc coi đẹp biết bao nhiêu. "Ba đã nói với con rồi, ở thành phố này người ta sẽ không luôn thấy trăng, nhưng trăng vẫn luôn ở đó".

Trăng trong thành phố - Truyện ngắn dự thi của Hồ Thị Linh Xuân- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.