Vào những năm ấy, ở vùng nông thôn, lại đang chiến tranh, lũ trẻ con chúng tôi hầu như không biết đến lớp học vỡ lòng, nói gì đến nhà trẻ và trường mẫu giáo như bây giờ. Để vô lớp 5 (lớp 1 bây giờ), đứa trẻ ấy phải tự rèn chữ, thường thì đứa anh kèm đứa em. Cha tôi là nông dân nhưng may mắn, thời “chín năm Việt Minh”, ông được học qua lớp xóa mù chữ, rồi thành “thầy giáo” đi dạy lại cho số người mù chữ hơn ông. Vì vậy, mấy anh em tôi đều được ông “rèn” chữ trước khi bước vào lớp học đầu tiên của bậc phổ thông.
Nhà nghèo quá, làm gì có tiền để mua vở xanh vở vàng, giấy trắng giấy trơn như bây giờ. Cha tôi bèn nghĩ ra cách dạy chữ cho con khá lạ lùng: đóng một chiếc khay bằng gỗ mít, mỗi cạnh chừng 20 cm, cao chừng 3 cm, ra sông lấy cát thật sạch về đổ vô chiếc khay ấy. “Công trình” kỳ lạ đó được ông gọi là “vở”. “Bút” để viết lên “quyển vở” ấy được làm bằng một chiếc que, dài chừng 20cm, vót nhọn một đầu, trông rất ngộ. Tôi đã đánh vật với quyển vở đầu đời ấy bằng tất cả niềm say mê lẫn nỗi sợ hãi mỗi khi viết chữ “bê” (b) mà thiếu cái “móc” nơi bụng chữ. “Bê mà thiếu cái móc ấy là chữ en-lờ (l), nghe chưa? Lần sau mà thiếu cái móc, ăn roi đấy!”. Cha tôi hay đe con bằng cái câu chết khiếp ấy mỗi khi ông kiểm tra đột xuất chữ viết của “học trò”. Chịu tiếng là “thầy” nhưng công việc hằng ngày của ông là chẻ hom tre để đi bán dạo cho những ai có nhu cầu lợp nhà (tranh) nên mỗi sáng, ông vác rựa ra sau vườn chẻ hom, vẫn không quên sai tôi mang theo “quyển vở” bằng cát ấy để rèn chữ. Ông “viết” mẫu cho ba lần, xong hỏi: “Nhớ mặt chữ chưa đó?”. Tôi luôn luôn “dạ nhớ”. Nhưng kẹt nỗi, nếu viết ra giấy “chữ mẫu” ấy thì còn nhìn đó mà viết theo, đàng này viết trên khay cát, xong là xóa ngay nên nhiều phen tôi toát mồ hôi hột. Ông lại cầm cây hom tre chẻ dở, nhún nhún mấy cái: “Có bấy nhiêu mà không nhớ!”, tôi co rúm người như con rùa thụt cổ vô mai.
Viết riết rồi cũng quen tay trên “quyển vở” ấy.
Rồi tôi vào lớp 1, tôi lên cấp 2, cấp 3, vô đại học và thành nhà báo, nhà thơ bây giờ. Hôm rồi về quê, tình cờ gặp lại “quyển vở” đầu đời ấy trong một xó nhà. Nó nằm lẫn với chiếc máy vi tính cũ tôi thải ra cách đây mấy năm. Bần thần như người bị mất báu vật, nay tình cờ tìm lại được. Tôi nhìn hồi lâu rồi chợt nghĩ: từ khay cát đến máy vi tính, tôi đã đi qua chặng đường gần nửa thế kỷ. Một cái thô sơ, một cái hiện đại, nhưng tất cả đều giúp tôi làm nên những con chữ nhọc nhằn - những con chữ lấm lem đất cát, mỗi khi nhớ lại một quãng cơ hàn.
Trần Đăng
Bình luận (0)