Tránh bão số 16 - Tembin: Hàng trăm ngàn dân miền Tây được sơ tán

Để chủ đồng phòng tránh bão số 16 (Tembin), tỉnh Bạc Liêu sẽ sơ tán hơn 85.000 hộ dân, tương đương hơn 365.700 người. Để làm tốt công tác này, tỉnh huy động các lực lượng với hơn 12.000 người, 24.000 phương tiện…

[VIDEO] Căng mình chuẩn bị ứng phó cơn bão số 16
Sáng 24.12, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức cuộc họp khẩn nhằm bàn giải pháp phòng tránh, ứng phó bão Tembin.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, chỉ đạo trước mắt các huyện ven biển gồm: Đông Hải, Hòa Bình, TP.Bạc Liêu cho di dời, sơ tán dân ngay ngày 24.12. Theo đó, các địa phương di dời dân nhưng tránh bị xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất. Trước mắt, vận động, khuyến khích người dân tự sơ tán bằng cách đến nơi ở an toàn, kế đó là di dời người già, trẻ em, còn lực lượng trong độ tuổi lao động, thanh niên sơ tán sau cùng khi thật sự cần thiết.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, khi di dời dân phải đảm nơi ở, trú bão an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, an ninh trật tự. Đối với khu vực sơ tán dân phải đảm bảo an ninh, tài sản của người dân.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, cho biết sẽ sơ tán hơn 85.000 hộ dân, tương đương hơn 365.700 người, với tổng số địa điểm sơ tán dân hơn 31.000 điểm. Để làm tốt công tác này, tỉnh huy động các lực lượng với hơn 12.000 người, 24.000 phương tiện….
Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ hơn 33.000 ha lúa- tôm, 35.000 ha lúa Thu Đông, hơn 11.000 ha lúa Đông Xuân và hơn 76.000 ha nuôi trồng thủy sản.
Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, cho biết thị trấn Gành Gành địa phương được xác định “nơi đầu sóng ngọn gió”, là cửa biển lớn của tỉnh, có khả năng ảnh hưởng lớn của bão. Tuy nhiên, theo ông Túy đến thời điểm này người dân ở cửa biển này còn rất chủ quan, lơ là trong phòng tránh bão. Mặc dù, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, nhưng chưa mang lại kết quả nhưng mong muốn.
Theo ông Túy, điều lo lắng nhất, nếu sóng biển đánh cao 7 – 9 m, thì tuyến đê kè Gành Hào và hơn 15.000 người dân ở thị trấn Gành Hào sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn dân cả thị trấn phải di dời, sơ tán.

 

Ảnh: Bạc Liêu kêu gọi tàu cá về neo đậu an toàn tại cửa biển Nhà Mát, TP.Bạc Liêu Ảnh: TRẦN THANH PHONG
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, chỉ đạo để giảm bớt thiệt hại về người, tài sản nếu bão độ bộ vào địa bàn, yêu cầu các địa phương trên tinh thần ứng phó bão Tembin với cấp độ thiên tai cấp 4 trở lên. Trên tinh thần đó, tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó bão.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai phương án di dời, sơ tán dân; chằng néo nhà cửa, bảo vệ diện tích sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự, lương thực, chăm sóc sức khỏe, môi trường, dịch bệnh…
Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bạc Liêu có 1.232 tàu đánh bắt trên biển với 10.298 thuyền viên. Tính đến trưa 24.12, địa phương còn 177 tàu với 1.189 thuyền viên đang hoạt động trên biển. Tất cả phương tiện trên đã giữ liên lạc với đất liền và đang di chuyển đến nơi trú bão an toàn.
Cùng ngày, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng các sở, ngành đến các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, TP.Vũng Tàukiểm tra công tác phòng chống bão số 16. Báo cáo về công tác phòng tránh ứng phó với cơn bão số 16, ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, UBND thành phố đã lên kế hoạch tổ chức di dời, sơ tán dân khi bão đổ bộ. Theo đó, dự kiến có khoảng 16.500 hộ với 36.752 người cần phải di dời, sơ tán.
Để thực hiện tốt công tác di dời dân, TP.Vũng Tàu xây dựng kịch bản di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Trình (giữa) nghe đại diện cảng cá Phước Tỉnh báo cáo tình hình ghe thuyền vào neo đậu tránh bão
UBND TP.Vũng Tàu cũng nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn trước 12 giờ ngày 24.12 không được nhận khách lưu trú qua đêm, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ khách.
UBND TP. Vũng Tàu cũng yêu cầu các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch dọc bãi biển phải lập tức thông tin cho khách về cơn bão và đề nghị khách rời Vũng Tàu nếu khách ở khu vực miền Đông Nam bộ.
Đoàn công tác của tỉnh cũng đến các cảng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền), Lộc An (huyện Đất Đỏ), Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) để kiểm tra công tác phòng chống bão.
Tại huyện Côn Đảo, địa phương này dự kiến sơ tán gần 1.800 người dân và 651 khách du lịch đến các trường học, trụ sở cơ quan, khách sạn kiên cố để tránh bão.
Ngoài ra, Côn Đảo tiến hành vận động, di dời khoảng 5.500 ngư dân từ tàu thuyền lên đảo và bố trí ngư dân vào trụ sở các cơ quan, đơn vị kiên cố để tránh bão.
Tại một diễn biến khác, sáng 24.12, Ban Chỉ huy ứng cứu khẩn cấp của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã tiến hành họp và quyết định dừng giàn BK.TNG và bắt đầu từ 7 giờ ngày 24.12 tiến hành sơ tán người.
Liên doanh này cũng dừng công việc khai thác, khoan, vận chuyển dầu, khí…
Ngoài ra, nhiều gián khai thác khác của ngành dầu khí cũng bắt đầu sơ tán công nhân để tránh bão.
Hơn 800 tàu cá vào cảng Phước Tỉnh neo đậu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.