Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Cẩn trọng hàng tạm nhập tái xuất
TS. Võ Trí Thành cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khởi đầu từ tháng 7 khi Mỹ tăng bổ sung thuế nhập khẩu hàng từ Trung Quốc lên 50 tỉ hàng hóa nhập vào Mỹ là “chưa ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam” do hàng hóa Mỹ bổ sung thuế thuộc nhóm hàng công nghệ hiện đại, Việt Nam không tham gia. Và tại thời điểm đó, Trung Quốc cũng không ảnh hưởng lớn do từ đầu năm đến nay, nhân dân tệ cũng đã kịp phá giá lên đến 5-7%, phần nào giúp Trung Quốc “chống đỡ” một cách dễ dàng trước đòn đánh thuế quan này. Thế nhưng, đòn bổ sung 10% thuế quan lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc thì câu chuyện đã khác hoàn toàn. “Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ năm ngoái là trên 500 tỉ USD, trong khi hàng từ Mỹ vào Trung Quốc chỉ hơn 130 tỉ USD. Trung Quốc muốn trả đũa cũng không thể. Với Việt Nam, quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ, sát bên hông Trung Quốc, chắc chắn sẽ ảnh hưởng về tích cực lẫn tiêu cực. Trung Quốc là cơ hội nhưng Trung Quốc là thách thức”, TS. Võ Trí Thành nói.
Theo đó, trong ngắn hạn, nếu nhu cầu của thị trường Mỹ vẫn như cũ, khi hàng nhập từ Trung Quốc vào Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao, Mỹ sẽ tìm nguồn hàng từ các nước khác, cụ thể là hàng dệt may và điện tử từ Việt Nam do đây là hai mặt hàng mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều xuất khẩu sang Mỹ. Ông Thành dẫn số liệu xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến trong tháng 8 và cho rằng, hiệu ứng tích cực cho một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã được “nhìn thấy đâu đó”. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ trong 9 tháng đạt gần 35 tỉ USD, tăng 12,5%. Đặc biệt, điện thoại và linh kiệm tăng đến 46% và dệt may tăng gần 12%, da giày tăng gần 13%.
Tuy nhiên, ông Thành cũng nhắc lại cảnh báo đối với doanh nghiệp xuất khẩu thương mại là cần thiết cẩn trọng và nghiêm khắc với hàng tạm nhập tái xuất từ Mỹ đi Trung Quốc và kể cả chiều ngược lại. “Thịt bò Mỹ tạm nhập vào Việt Nam tái xuất qua Trung Quốc hay hàng sắt thép điện tử Trung Quốc tạm nhập vào Việt Nam tái xuất sang Mỹ… Không nên tham gia mấy vụ này, Bộ Công thương cũng đã cảnh báo. Chúng ta có bài học từng bị Mỹ trừng phạt áp thuế chống bán phá giá với nhôm thép, doanh nghiệp làm thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu cần chú lưu ý điều này”, ông Thành nói.
Ứng phó cú sốc tài chính
Về dài hạn, ông Thành cho là thương mại Việt Nam sẽ ít nhiều chịu tác động tiêu cực khi nền kinh tế thế giới suy giảm. Đáng chú ý, cuộc chiến tranh thương mại này gây ra tác động lớn hơn bởi nó sẽ chuyển sang cú sốc tài chính. Đó là chính sách tiền tệ của các nước lớn và nước bắt đầu tính toán lại vì giá trị và lãi suất đồng USD tăng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam muốn giữ thế cạnh tranh phải phá giá tiền đồng Việt, nếu vậy lại tạo nên áp lực kiềm chế lạm phát. “Nếu cuộc chiến leo thang, các nước tăng cường bảo hộ thương mại sẽ ảnh hưởng nặng đến Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu Việt Nam đang phụ thuộc phần lớn về tỉ giá và tăng trưởng kinh tế thế giới, xuất khẩu Việt lại phụ thuộc phần lớn nhóm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Phát biểu kết thúc buổi báo cáo, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ đồng quan điểm với TS Võ Trí Thành là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không thuần túy là vấn đề kinh tế mà là cuộc chiến so găng về chính trị. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, khó đưa ra dự báo và đề nghị các sở ban ngành, giới chuyên môn cần theo dõi sát sao cuộc chiến thương mại 2 cường quốc để có định hướng trong điều hành kinh tế kịp thời hiệu quả.
CẦN SỚM TÁI CƠ CẤU KINH TẾ
Trước đó, ngày 28.9, tại tọa đàm “Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung và câu chuyện phía sau” do Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức tại TP.HCM, TS. Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Đại học Fulbright Vietnam nhấn mạnh xung đột thương mại giữa hai “ông lớn” sẽ khiến Việt Nam “tổn thương” do xuất khẩu của Việt Nam vào hai thị trường này đều rất lớn. "Tại thời điểm Mỹ bổ sung thuế lên 50 tỉ USD hàng nhập từ Trung Quốc, tôi đang có mặt tại Trung Quốc, tôi nhận thấy các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cũng như chính quyền nước đó tỏ ra khá tự tin và đã có đòn đáp trả ngay lập tức. Tuy nhiên, đến lần áp 10% thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa này, tôi nhận thấy các chuyên gia kinh tế Trung Quốc ít nhiều lúng túng".
Ông Vũ Thành Tự Anh cho là độ mở nền kinh tế của Việt Nam lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu của khối doanh nghiệp nước ngoài trên 70% nên dễ bị tổn thương trong cuộc chiến này. Vì vậy, nền kinh tế Việt Nam cần phải tái cơ cấu lại, hạn chế dần phụ thuộc vào nước ngoài mà phải coi nội lực là chính. Đặc biệt, cần nuôi dưỡng sức cầu trong nước, đồng hành với doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn bởi đó là nhân tố thúc đầy lực cầu trong nước đi lên. Thứ nữa, điều hành kinh tế vĩ mô cần xem xét lại tính lính hoạt trong thay đổi tỉ giá. Khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, Việt Nam có nên “khư khư” không phá giá theo không? Điều hành về tiền tệ Việt Nam trong bối cảnh này cần lĩnh hoạt hơn chứ không thể theo mô típ cũ. Tại Tọa đàm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cảnh báo sức chịu đựng của nền kinh tế Trung Quốc nói chung, người tiêu dùng Trung Quốc nói riêng là rất cao. "Chúng ta không nên đánh giá thấp sức chịu đựng của người Trung Quốc trong cuộc chiến này, nên mọi cái cần theo dõi sát hơn...", bà Lan chia sẻ.
|
Bình luận (0)