Tranh cãi bãi rác hạt nhân sau 20 năm

06/06/2019 08:00 GMT+7

Dự án cô lập rác thải phóng xạ dưới lòng đất ở Mỹ vẫn gây tranh cãi sau hai thập niên hoạt động.

Cách đây 20 năm, những chuyến hàng rác thải hạt nhân đầu tiên được đưa đến Nhà máy thí điểm cô lập rác thải (WIPP) tại vùng sa mạc thuộc bang New Mexico (Mỹ), đánh dấu thời điểm hoạt động của cơ sở lưu giữ rác thải hạt nhân trong lòng đất đầu tiên ở Mỹ. Theo AP, đến nay có hơn 12.380 chuyến hàng được chuyển đến, trong đó có hàng tấn chất thải từ hoạt động chế tạo bom và nghiên cứu hạt nhân thời Chiến tranh lạnh. Bên cạnh đó, hằng tuần đều có các chuyến xe liên tục chở đến những hộp, thùng chứa áo choàng dùng trong phòng thí nghiệm, găng tay, dụng cụ… bị nhiễm plutonium và các nguyên tố phóng xạ khác.
Trong khi dự án tương tự tại núi Yucca ở bang Nevada vẫn còn trên giấy do vướng tranh cãi, WIPP trở thành nơi duy nhất đem lại hy vọng giải quyết bài toán rác thải hạt nhân ở Mỹ. Dự án trị giá lên đến 19 tỉ USD (hơn 440.000 tỉ đồng) nhằm cô lập rác thải phóng xạ tạm thời trong vòng 25 - 35 năm. Nhà máy này có các kho chứa được thiết kế kiên cố nằm sâu 655 m trong lòng đất, dưới các lớp muối đại dương cổ, được cho là sẽ vùi lấp rác thải dần trong tương lai. Dù các chuyên gia cho đây là phương án khả thi nhất và nuôi tham vọng tiếp tục sử dụng trong 10.000 năm tới, WIPP đã từng xảy ra sự cố và gây nhiều tranh cãi.
Cụ thể, hồi năm 2014, dự án gặp sự cố rò rỉ khiến 22 công nhân bị nhiễm phóng xạ và phải đưa đi điều trị. Cơ quan Môi trường bang New Mexico sau đó cho rằng việc rác thải trộn cùng cát vệ sinh cho vật nuôi trong các thùng chứa chất thải của Phòng Thí nghiệm quốc gia Los có thể là nguyên nhân gây ra các phản ứng hóa học dẫn đến rò rỉ phóng xạ. Sự cố khiến WIPP phải đóng cửa trong 3 năm và mất 500 triệu USD cho công tác dọn dẹp và đảm bảo an toàn, chưa kể tác động dây chuyền đến các cơ sở hạt nhân thường chuyển rác thải đến đây. Mới đây, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sẽ điều tra thông tin một số công nhân có thể bị phơi nhiễm các hóa chất nguy hiểm tại nhà máy hồi năm 2018.
Theo ông J.R.Stroble tại Văn phòng Carlsbad thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, nếu không có WIPP thì nhiều thùng chứa rác thải nhiễm plutonium có thể nguy hiểm hơn khi tiếp xúc với điều kiện thời tiết và các thảm họa thiên nhiên bên ngoài. “Mục đích của WIPP là cô lập rác thải hạt nhân độc hại khó phân rã này khỏi môi trường bên ngoài, con người và những thứ con người cần đến để tồn tại trên trái đất”, ông nói. Ông cùng nhiều chuyên gia cho rằng dự án đã thành công vì nhờ đó mà 22 cơ sở không còn phải lưu giữ rác thải, trong đó có Nhà máy vũ khí hạt nhân Rocky Flats (hoạt động từ năm 1952 - 1992) từng thường xuyên xảy ra rò rỉ và nhiều sai phạm.
Tuy nhiên, nhiều người đánh giá dự án chưa hoàn thành mục tiêu đề ra ban đầu. “Dự án đã qua 80% thời gian nhưng cô lập chưa đến 40% rác thải, trong khi chi phí phát sinh gấp đôi so với ban đầu”, theo chuyên gia Don Hancock tại Đại học New Mexico. Theo ông Hancock, trong lúc Mỹ vẫn loay hoay tìm giải pháp thì điều quan trọng là cơ quan chức năng cần biết rõ khả năng xử lý rác thải phóng xạ đến đâu trước khi tạo ra chúng.
Theo Văn phòng Kiểm toán chính phủ Mỹ, nước này có hơn 90.000 tấn rác thải hạt nhân cần vứt bỏ. Chỉ riêng ngành năng lượng đã tạo ra lượng rác thải nhiều nhất thế giới với gần 80.000 tấn. Lượng nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng vô cùng nguy hiểm cho con người và môi trường này đủ để lấp đầy một sân bóng đá với độ sâu 20 m. Nhiều thứ 2 là lượng nhiên liệu đã qua sử dụng và rác thải hạt nhân cấp độ cao từ các chương trình vũ khí với khoảng 14.000 tấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.