Lì xì tết bằng sách, tại sao không?
Theo anh Trần Đình Hưng (35 tuổi), nhà ở 505/5 Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, hai năm nay anh có thói quen lì xì tết bằng sách cho con, em. Anh Hưng cho rằng, việc lì xì bằng sách mang lại nhiều ý nghĩa, đặc biệt là thúc đẩy văn hóa đọc, và là một nét đẹp văn hóa vào ngày tết.
Tương tự, chị Hà Thị Ngọc Quyên (32 tuổi), nhà ở block A11, chung cư EHome 3, Q.Bình Tân, TP.HCM, cũng nói: "Thay vì lì xì bằng tiền, thì việc lì xì sách sẽ giúp trẻ em có ý thức về đọc sách, yêu sách hơn, có thêm những tri thức". Vì lẽ đó, từ năm ngoái, hễ dịp cận tết, chị Quyên cùng chồng đến các tiệm sách để tìm mua sách để dành, chờ tới những ngày tết lì xì cho con và những đứa cháu trong họ hàng.
Chị Quyên chia sẻ thêm: "Tôi thường tìm hiểu sở thích từ con, hay dò hỏi con muốn đọc sách gì để mua đúng loại sách đó. Với những đứa cháu, tôi thường đoán về độ tuổi đấy thì nên đọc sách gì và mua để lì xì".
Có nhiều ý kiến cũng bày tỏ quan điểm, việc lì xì bằng tiền đã quá trở nên quen thuộc, nên khi lì xì bằng sách sẽ trở nên lạ lẫm, thú vị và khiến những đứa trẻ nhận được cảm thấy thích thú hơn.
"Lì xì bằng sách tại sao không? Thực tế, như con tôi khi được lì xì sách rất hào hứng. Tôi cho rằng việc lì xì bằng sách sẽ là một cách để đầu tư vào tương lai cho trẻ em. Gởi gắm vào món quà đầu năm ấy là thông điệp mong con, cháu khi nhận được sách sẽ học giỏi hơn, biết thêm nhiều kiến thức hơn... Thiết nghĩ, hành động này nên được nhân rộng", anh Huỳnh Nhật Vương (29 tuổi), nhà ở 33 đường số 5, Q.Bình Tân, TP.HCM, nói.
Nhiều người có thói quen lì xì tết bằng sách cho trẻ em |
X.P |
Trẻ em thường ngóng mong được lì xì tiền?
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều xoay quanh việc lì xì bằng sách. Nhiều người cho rằng vào dịp tết, trẻ em thường ngóng mong nhận được quà mừng tuổi từ người lớn, mà những tờ tiền mới tinh là một ao ước.
"Không nên lì xì sách. Lỡ lì xì đúng cuốn sách mà trẻ đã đọc được thì vô tình thừa mứa. Thay vì tặng cuốn sách, sao không lì xì vài chục ngàn đồng cho trẻ vui", anh Nguyễn Quốc Bảo (27 tuổi), nhân viên Công ty TNHH Star Elec, Q.7, TP.HCM bày tỏ.
Ngoài ra, cũng theo anh Bảo, giá mỗi cuốn sách từ vài chục ngàn đồng đến hơn cả trăm ngàn đồng. Nên đừng lì xì sách, mà hãy lì xì tiền và để trẻ tự quyết định sử dụng số tiền ấy. "Nếu trẻ muốn đọc sách, có thể đem tiền lì xì mua sách. Chứ đừng dựa vào cớ thúc đẩy văn hóa đọc mà buộc trẻ phải nhận lì xì bằng sách", anh Bảo nói thêm.
Anh Đặng Tấn Hoàng (34 tuổi), nhà ở 2221/21 Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM, cũng không đồng tình với việc lì xì tết bằng sách.
Theo anh Hoàng: "Đừng hô hào lì xì sách sẽ đem lại giá trị này, giá trị kia. Mọi người hãy nên thực tế. Tôi nghĩ thay vì lì xì vài cuốn sách sẽ không khiến trẻ em được nhận vui vẻ bằng việc được lì xì 20.000 đồng hay 50.000 đồng... Bản thân người lớn còn chuộng việc được mừng tuổi bằng tiền, cớ sao phải ép trẻ em phải nhận lì xì bằng sách?".
Và nhiều ý kiến khác nói rằng việc lì xì sách là không khả thi. "Chẳng lẽ mùng 1, mùng 2, mùng 3 đi chúc tết mà chở theo bao sách theo xe, lỉnh kỉnh quá nên không hợp lý tí nào", chị Nguyễn Thị Hoàng Hương (31 tuổi), nhà ở 43/10 đường số 10, TP.Thủ Đức, TP.HCM nói.
Theo nhà văn Tống Phước Bảo, tết mà tặng nhau cuốn sách, xem như lì xì đầu năm thì đó là một điều tự tâm thức của người cho và nhận |
X.P |
Không phải sách ế mới hô hào lì xì tết bằng sách
Xoay quanh vấn đề này, nhà văn Tống Phước Bảo (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) nhận định lì xì sách hiện đang là một trào lưu được phần lớn các bạn trẻ đang là sinh viên, học sinh THPT và các thầy cô giáo ưa chuộng những năm gần đây.
"Tôi nghĩ điều này cần lan tỏa vì nó mang một giá trị rất ý nghĩa. Tục lì xì đầu năm để mong cầu một điều may mắn đến người nhận. Thế thì đầu năm lì xì nhau một cuốn sách hay, sách quý đó không chỉ là món quà mà là nền tảng tri thức. Ở TP.HCM mỗi năm đều có đường hoa cho người dân vui xuân, song song đó luôn có đường sách tết cạnh bên. Tôi thấy nhiều người đến, tham quan, chọn lựa mua và tặng nhau. Đó là một điều thật đẹp và rất hay", nhà văn Tống Phước Bảo nói.
Cũng theo nhà văn Tống Phước Bảo: "Tôi không nghĩ sách ế mới phát sinh câu chuyện hô hào lì xì sách mùa tết. Đó là một suy nghĩ ấu trĩ. Nhà văn viết ra sách thú thực rất tự trọng và quý lắm đứa con tinh thần này của mình. Một điều nữa là hiện nay các kênh phát hành rất sâu rộng, từ nhà sách đến hệ thống online, hoặc các hội sách khuyến mãi rất nhiều, chưa kể nếu tác giả chịu khó bán trên mạng xã hội cá nhân của mình thì cũng rất được ủng hộ. Nên giới nhà văn không hơi sức để chiêu trò vụ lì xì sách mùa tết".
"Thú thực không phải bây giờ mà đã mấy năm qua, khi trình độ tri thức trên mặt bằng chung xã hội được nâng tầm lên, tôi thấy mọi người quan tâm đến chuyện đọc sách nhiều hơn. Nhất là với những tựa sách, tác giả được yêu thích, thế nào cũng được săn đón. Nên văn hóa đọc là câu chuyện không chỉ một mùa tết mà phải là một hành trình dài để có được sự thu hút của công chúng. Tết mà tặng nhau cuốn sách, xem như lì xì đầu năm thì tôi nghĩ vẫn là một điều tự tâm thức của người cho và nhận", nhà văn Tống Phước Bảo chia sẻ thêm.
Nhà văn trẻ Ny An |
NVCC |
Còn nhà văn trẻ Ny An (ở Quảng Nam) cho biết: "Lì xì bằng sách là món quà mừng tuổi cực kỳ hay ho, mang nhiều ý nghĩa. Thay vì một xấp tiền trong phong bao để chúc may mắn sung túc, thì những quyển sách lì xì là lời cầu chúc có thêm kiến thức, học vấn. Tri thức mới là thứ chúng ta cần nuôi dưỡng suốt đời".
Nữ nhà văn trẻ này nói thêm: "Nhất là đối với trẻ em, món quà bằng sách lại càng đặc biệt hơn. Thay vì niềm vui ngắn ngủi khi nhận được phong bao lì xì, số tiền nhanh chóng phải “bàn giao” lại cho bố mẹ hoặc bỏ ống heo. Thì nay, các em có thể toàn quyền sử dụng món quà mừng tuổi năm mới. Nếu là những quyển sách hay, các em sẽ hào hứng mở ra đọc ngay để tiếp cận những điều thú vị trong sách. Việc này sẽ truyền cảm hứng, khơi gợi văn hoá đọc hiệu quả ngay từ khi các em còn nhỏ".
Cũng theo Ny An, sách là món quà lì xì có thể trao đổi. Đọc xong cuốn này, các em có thể đem đổi sách với bạn bè hoặc anh chị để đọc tiếp cuốn khác. Những quyển sách dùng để lì xì đều nên là sách hay, mang đến giá trị cho người đọc.
"Có người tiêu cực cho rằng, vì nhà văn bán sách ế nên mới bày ra trò lì xì bằng sách. Thật ra các nhà văn khi in sách đều có sẵn lượng độc giả cho riêng mình. Một số nhà văn in sách để kỷ niệm hoặc có ý muốn tặng cho các thư viện trường học. Do đó, chuyện đem sách ế lì xì là không hợp lý. Một quyển sách hay để làm món quà mừng năm mới, không lẽ nào lại là sách ế được", Ny An nói thêm.
Bình luận (0)