Tuần qua, học sinh lớp 12 tại Đà Nẵng làm bài thi học kỳ 1 môn ngữ văn với một cấu trúc đề thi rất khác lạ theo kiểu thông thường, đặc biệt gây ra tranh cãi khi đặt ra vấn đề về sự buông bỏ.
Nhiều ý kiến cho rằng đề thi gieo vào lòng học sinh những suy nghĩ tiêu cực, quá sức với học sinh lớp 12 chưa có những trải nghiệm trong cuộc sống...
Tranh cãi này cũng là điều dễ hiểu khi chúng ta vẫn còn suy nghĩ theo kiểu theo “định hướng” an toàn ...
Một đề thi “bứt phá” cả nội dung lẫn hình thức
Là một giáo viên dạy văn tại TP.HCM, tôi cho rằng đề thi môn ngữ văn do Sở GD-ĐT Đà Nẵng thực hiện mang đúng “hơi thở cuộc sống thời đại”, chạm vào giá trị thực tế. Một đề thi “bứt phá” cả nội dung lẫn hình thức.
Đây là một đề văn rất khác với những đề văn thông thường.
Về hình thức đã cho thấy sự khác biệt với đề thi THPT quốc gia nhiều năm nay cũng như đề thi của các địa phương khác. Phần đọc – hiểu: 3 điểm, phần nghị luận xã hội: 7 điểm, không có câu nghị luận văn học trong lúc theo “mô típ” thì “không thể không có câu nghị luận văn học (câu này với thang điểm cao nhất).
Sự khác biệt này là điều cần thiết vì đã thoát khỏi kiểu kiểm tra – thi cử “mô phạm”. Nếu như nhiều người rằng, đề thi cần theo hình thức đầy đủ như đề thi THPT quốc gia sẽ định hướng, giúp học sinh làm quen với kiểu đề thi như vậy thì e rằng, đó là điều không hẳn Vì sao? Thứ nhất, học sinh lớp 12 đã biết được điều đó từ thực tế đề thi của những năm trước (học sinh tự tìm hiểu). Thứ hai, ttrong quá trình kiểm tra suốt năm học, thầy cô đã dạy và cho các em làm những dạng đề như vậy (ở nhiều địa phương, chẳng hạn như TP. HCM, học sinh thi lên lớp 10 đã làm bài tương tự như vậy; suốt ba năm học, học sinh quá quen với dạng đề này).
Về nội dung, đề thi càng thể hiện rõ nét sự khác biệt. Ngay nội dung văn bản, chỉ với hai đoạn văn nhưng đã “đánh thức” học sinh hãy là chính mình. Là một giáo viên, thường “lắng nghe học sinh nói”, tôi thấy đề văn rất hay. Nhiều địa phương thường ra đề văn đổi mới nhưng vẫn “trong phạm vi an toàn” thì đề văn do sở GD – ĐT TP. Đà Nẵng ra lại “đi ngược gió”.
Nội dung văn bản trong đề thi môn ngữ văn lớp 12 tại Đà Nẵng
Tôi được gia đình và trường học gieo vào đầu mình ý niệm về sự cố gắng theo đuổi, chinh phục, nhiều đến mức tôi tin rằng từ bỏ, hoặc dừng lại, là một điều gì đó rất tệ. Tôi nghĩ mình PHẢI luôn cố gắng, PHẢI luôn nỗ lực; PHẢI luôn gồng mình và nếu tôi không đạt được một điều gì đó thì hẳn là tại tôi. Do tôi đã chưa cố gắng đủ nhiều. Với niềm tin đó, tôi đã cố gắng hết sức mình để giành lấy vị trí cao nhất trong trường học, trong những cuộc thi thố gần xa. Những năm tháng xuôi chèo mát mái trên ghế nhà trường càng khiến tôi ngày càng tin rằng, chỉ cần bạn có một kế hoạch, chỉ cần bạn cố gắng, chẳng có việc gì là không thể.
Nhưng tôi sớm vỡ mộng khi bước ra khỏi môi trường học thuật. Mấy bận bị dồn ép, phải đối mặt với cả những tình huống quá sức chịu đựng, tôi nhận ra buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn so với sự theo đuổi, nhất là khi bạn phải buông bỏ những thứ mà xã hội cho rằng bạn cần níu giữ. Một cái ghế được nhiều người trọng vọng? Một lối sống nghiêm túc chừng mực? Một gia đình nề nếp con cái có đủ mẹ, đủ cha? Tôi ước gì cha mẹ đã dạy tôi rằng "Từ bỏ cũng là một lựa chọn"?
(Cúc T., Sống như bạn đang ở sân bay, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)
|
Dạy học sinh cố gắng dễ hơn dạy buông bỏ
Tác giả Cúc T. đã nói rất đúng thực tế mà một bộ phận giới trẻ đã và đang rơi vào.
Thực tế nhà trường và gia đình không phải dạy gì cũng đúng, thậm chí gieo vào đầu con trẻ những lời nói suông, sự định hướng lệch lạc, bệnh thành tích khiến nhiều học sinh đặt niềm tin gần như trọn vẹn từ những lời khuyên, lời “giáo huấn đúng đắn” ấy. Trong quá trình học tập trong nhà trường, học sinh làm theo, nhưng khi va chạm cuộc sống (ra trường và làm việc), các em vỡ mộng.
Dạy học theo một chiều: thầy cô luôn đúng, cha mẹ luôn đúng, đó là sự áp đặt khiến cho thế hệ trẻ “đồng phục trong suy nghĩ, hành động”. Thời đại mới, cần lắm tư duy phản biện, thế nhưng không ít thầy cô và cha mẹ vẫn khư khư ôm lấy tư duy một chiều để truyền thụ cho thế hệ trẻ đi theo.
Học sinh lớp 12 sắp bước vào đời thì nội dung văn bản là nguồn cảm hứng tiếp thêm sức mạnh để học sinh bản lĩnh hơn, biết buông bỏ những thứ khiến cho con người mệt mỏi, ganh đua những điều không nên, thậm chí buông bỏ “bước trên thảm đỏ” mà cha mẹ đã lo lót.
Nếu tuổi 17, 18 khi đọc đề này mà thấy hoang mang thì lỗi một phần từ các em và lỗi lớn vẫn là ở người lớn (gia đình và nhà trường). Nội dung hai đoạn văn rất đúng, rất hay khi bàn đến hai giai đoạn rất thực tế giữa học và hành (trường học và trường đời). Tác giả không nói một điều gì tiêu cực. Tác giả nói rất đúng thực tế. Cần nỗ lực điều gì và cần buông bỏ khi những điều khiến cho mình càng nỗ lực càng buồn, càng khổ, càng không đem lại hiệu quả, thậm chí cứ bắn lao theo lao sẽ dẫn tới hậu quả.
Đây đúng là một đề văn mang hơi thở cuộc sống, rất thực tế. Hãy để học sinh là chính mình chứ không nên "sống hộ ước mơ người khác". Từ bỏ cũng là một lựa chọn. Hãy thoát khỏi an toàn kiểu "ao làng" để vươn ra biển lớn. Dạy và học văn cũng vậy, thầy và trò giỏi thì cần bứt phá, cần tạo nên sự khác biệt, không nên theo mẫu để điểm cao mà sáo rỗng! Buông bỏ theo hướng tích cực đó chính là sự lưa chọn đúng đắn. Người trẻ cũng cần được dạy buông bỏ những thứ làm cho mình mệt mỏi, để sống cuộc đời có ý nghĩa.
Bình luận (0)