Tranh cãi đề xuất mua điện mặt trời giá 0 đồng

06/05/2024 06:30 GMT+7

Có rất nhiều ý kiến khác nhau liên quan đề xuất mua điện với giá 0 đồng của Bộ Công thương đưa ra trong dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Đa số đều cho rằng phải có giải pháp khoa học hơn chứ "mua với giá 0 đồng là hết sức vô lý".

Lo lưới điện chịu áp lực

Trong cuộc họp cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vẫn bảo lưu quan điểm "dứt khoát không cho mua bán" với lập luận nếu cho phép điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu được mua bán thì sẽ gây tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn. Đặc biệt sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện và vô tình cổ súy cho hành vi "trục lợi chính sách". 

Cơ chế khuyến khích là muốn cá nhân, tổ chức phát triển ĐMTMN đáp ứng nhu cầu tự dùng, góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia chứ không phải khuyến khích làm để bán. Điều này hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch điện 8 là ưu tiên phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia.

Nhiều nhà xưởng lắp điện mặt trời mái nhà để sử dụng và đang chờ cơ chế mua bán điện trực tiếp để có thể bán cho “hàng xóm”

Nhiều nhà xưởng lắp điện mặt trời mái nhà để sử dụng và đang chờ cơ chế mua bán điện trực tiếp để có thể bán cho “hàng xóm”

Nguyên Nga

Thực tế, nhiều chuyên gia năng lượng cũng bày tỏ quan ngại nếu hệ thống lưới điện phải "gồng" để tải nguồn năng lượng tái tạo. PGS-TS Nguyễn Việt Dũng - Phó hiệu trưởng Trường cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội - đánh giá việc phát triển năng lượng tái tạo tại VN tăng quá nhanh đã tạo "áp lực khủng khiếp" lên lưới điện quốc gia và không thể nào điều độ được. Việc cho đấu nối các dự án ĐMTMN ngoài quy hoạch vào lưới điện sẽ khiến hệ thống không ổn định và gây nguy hiểm cho an toàn lưới điện quốc gia. 

Hơn nữa, do các dự án nhiệt điện phải chạy ép công suất, nhường cho điện tái tạo bùng nổ, dẫn đến hiệu suất thấp, kèm phát thải khí nhà kính, từ đó đẩy chi phí môi trường, ô nhiễm tăng. Thế nên, ông ủng hộ không mua bán ĐMTMN qua lại trong vòng 5 năm tới trong cơ chế phát triển ĐMT nhằm giảm áp lực cho đường truyền, tránh gây nhiễu phụ tải, mất cân bằng cung cầu do ĐMT chỉ có vào ban ngày, ban trưa. Trong khi đó, giờ cao điểm cần dùng nhiều điện không phải là buổi trưa…

Tranh cãi đề xuất mua điện mặt trời giá 0 đồng 

Trao đổi với Thanh Niên, một số chuyên gia năng lượng cũng cho rằng sự thiếu ổn định của ĐMTMN gây áp lực rất lớn cho truyền tải. Thế nhưng, việc cho phát lên lưới và trả 0 đồng cho nhà đầu tư thì lại quá vô lý dù có giải thích thế nào đi nữa. Hơn nữa, một chuyên gia ngành năng lượng đặt câu hỏi: Ngành điện mang nguồn được mua 0 đồng này đi bán và có thu tiền như mọi nguồn điện khác, vậy phải hạch toán nguồn tài chính phát sinh này thế nào? Dự thảo cơ chế này chưa đề cập hoặc chưa lường trước những phát sinh về tài chính trong các trường hợp cụ thể như vậy.

Mua giá 0 đồng là "không phù hợp"

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), nêu quan điểm: "Về nguyên tắc, tôi ủng hộ sự phát triển của ngành điện một cách ổn định, xanh hóa, đạt yếu tố kinh tế và minh bạch, công bằng với mọi thành phần tham gia. Một số chuyên gia năng lượng cũng đã phân tích để ĐMT phát lên lưới ồ ạt trong khi đường truyền chưa phát triển kịp thì nguy cơ quá tải, mất an toàn ổn định hệ thống là rất lớn. Tôi cho rằng điện tái tạo có nhiều ưu điểm như các nhà chuyên môn đã phân tích nhưng những rủi ro do mất an toàn ổn định hệ thống nếu hòa vào lưới điện quốc gia cũng là điều cần tính toán, cân nhắc thận trọng".

Tuy vậy, TS Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh quan điểm đưa vào cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tự sản, tự tiêu lại có quy định "mua với giá 0 đồng" là không nên, chưa phù hợp khi đặt trong bối cảnh của dự thảo nghị định về "cơ chế, chính sách khuyến khích". Thế nên, chuyên gia này cho rằng cơ quan soạn thảo cần thiết kế lại quy định nói trên với các giải pháp cụ thể hơn. 

"Trước hết cần công khai tính toán các chi phí khấu hao, vận hành, quản lý, đánh giá rủi ro… một cách đầy đủ để các nhà chuyên môn có ý kiến. Thứ hai, có thể nghiên cứu xác định lộ trình tiếp nhận nguồn năng lượng này với các mức giá phù hợp, căn cứ theo năng lực tiếp nhận của hạ tầng truyền tải, khu vực địa lý, thời điểm tiêu thụ điện… Có thể áp dụng thí điểm thời gian đầu, nếu thấy phù hợp thì đưa vào áp dụng chính thức. Sự chuẩn bị khoa học, có lộ trình sẽ bảo đảm tính an toàn cho ngành cũng như sự công bằng cho doanh nghiệp, hộ gia đình", TS Nguyễn Minh Thảo gợi ý.

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, phân tích: Đặc điểm của ĐMT là phát điện vào ban ngày và thay đổi bức xạ theo từng thời điểm, điều này dẫn đến việc thừa, thiếu điện trong quá trình sử dụng. Thế nên, việc không thể bán điện dư thừa, hay theo đề xuất mới là chỉ ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán sẽ dẫn đến không hiệu quả khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời. "Trong thực tế, để phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đã và đang đối diện nguy cơ thiếu điện bất kỳ lúc nào. Nên chủ trương khuyến khích phát triển nguồn ĐMT là đúng đắn, ưu tiên cho phát triển tự sản, tự tiêu. Nhưng nếu sản lượng điện dư từ hệ thống điện mặt trời được bán lên lưới, sẽ có lợi cho nền kinh tế hơn, qua đó, có thể giúp giá điện bán lẻ rẻ hơn", TS Lâm nói.

TS Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) tính toán, hiện cơ cấu nguồn điện tái tạo chiếm hơn 28% là tỷ lệ khá lớn và được phát triển rất nhanh. Trong khi đó, nguồn điện linh hoạt bù cho những thời điểm ĐMT và điện gió không có vẫn thiếu, dẫn đến làm khó cho vận hành hệ thống. Ở các nước phát triển, điện tái tạo thường đạt khoảng 15% trên toàn hệ thống là phải đầu tư nguồn dự phòng đủ, nếu không có pin lưu trữ. "Hiện các nguồn dự phòng của ta như thủy điện đang vừa chạy hết công suất lại phải bảo đảm tích nước chống chọi hạn hán… 

Trong khi đó, pin lưu trữ hay điện tích năng chưa có, nên chính sách không thể đẩy mạnh phát triển ồ ạt ĐMTMN trong giai đoạn này. Vì vậy, phải ủng hộ chính sách tự sản, tự tiêu", ông Hoạch giải thích. Dù vậy, ông cũng thừa nhận việc cho phát ĐMTMN lên lưới, ghi nhận 0 đồng là không bảo đảm tính công bằng, không trả đồng nào trong khi nhận điện của nhà đầu tư là không sòng phẳng. 

Từ đó, ông đề xuất: "Chính sách là khuyến khích tự sản tự tiêu, nhưng cơ chế mua bán điện trực tiếp qua đường dây tư nhân riêng để kết nối trực tiếp với nhau, nhằm ưu tiên triển khai dự án điện tự sản, tự tiêu vẫn cần thiết. Chúng tôi đã đề xuất vấn đề này từ lâu, với quy mô ĐMTMN đấu nối trực tiếp vào hệ thống hạ áp, công suất 3 - 5 kV hầu như không ảnh hưởng đến lưới điện".

Nên chăng, ghi nhận cho trả bằng 40 - 50% giá mua theo quy định nhằm giúp các hộ gia đình có thể hoàn vốn sớm hơn. Đó chính là khuyến khích phát triển tự sản, tự tiêu. Giải pháp không cho phát lên lưới hay cho phát lên lưới rồi không trả đồng nào cho người dân đều không ổn, nếu không nói là không sòng phẳng.

TS Nguyễn Huy Hoạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.