UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng dự án xây dựng đường giao thông trong
vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên làm ảnh hưởng đến diện tích rừng
cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. Trong khi đó, quan điểm của Bộ NN-PTNT thì
ngược lại.
Dùng máy định vị để xác định khu vực rừng |
Theo ông Nguyễn Văn Diện- Giám đốc VQG Cát Tiên, ngày 29.10.2013, Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng đường giao thông VQG Cát Tiên (do VQG Cát Tiên làm chủ đầu tư) nhằm tạo điều kiện cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng; bảo đảm môi trường sống cho động vật hoang dã; phát triển du lịch sinh thái… với tổng kinh phí hơn 63 tỉ đồng.
Không hiệu quả về kinh tế
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 (cải tạo tuyến đường vào VQG Cát Tiên từ Km 13 đến đồi Núi Tượng) và chuẩn bị xây dựng tuyến tuần tra, phòng cháy, chữa cháy rừng từ Trạm quản lý rừng Đà Cổ đến Trạm quản lý rừng Đắc Lua dài hơn 18km, rộng 6m (thiết kế dọc sông Đồng Nai thuộc H.Tân Phú, Đồng Nai; dự kiến thi công từ tháng 10.2015 đến năm 2017) thì mới đây UBND tỉnh Đồng Nai gửi văn bản đến Bộ NN-PTNT kiến nghị tạm dừng dự án.
Lý do, các tiểu khu 4, 7, 19 (dự án đi qua) thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ được lập các tuyến đường mòn chiều rộng không quá 1,5m. Tuyến đường này cặp theo sông Đồng Nai, đoạn sông có nước quanh năm rất thuận lợi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng bằng đường thủy. “Việc mở thêm tuyến đường này với mục đích bảo vệ rừng là không cần thiết. Hiệu quả kinh tế mang lại chưa xác định nhưng lại làm mất đi 10,92ha rừng và đất lâm nghiệp, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, chia cắt rừng tự nhiên với sông Đồng Nai, mất đi sinh cảnh tự nhiên của rừng; gây cản trở đến tập tính hoạt động của các loài thú, nhất là trong việc tìm kiếm nguồn thức ăn và nước uống”, văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai nêu.
Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, VQG Cát Tiên đang trong thời gian hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản thiên nhiên thế giới. Vì vậy việc mở đường làm ảnh hưởng đến sự tồn tại bền vững của vườn và không phù hợp với các công ước quốc tế mà VN tham gia.
Bộ NN-PTNT: “bảo vệ rừng”
Ngày 14.12, Bộ NN-PTNT đã có văn bản phúc đáp rằng, dự án nằm trong quy hoạch hệ thống rừng đặc chủng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với quy hoạch giao thông được Sở GT-VT tỉnh Đồng Nai đồng thuận. Ngoài ra, tuyến đường đi qua các trạng thái rừng như trảng cỏ 2,272 km; trảng cây bụi thứ sinh 7km; rừng tre nứa có cây gỗ rải rác hơn 3,2km; rừng kín cây lá rộng hơn 2,8km; đất trồng cây nông nghiệp hơn 2,1km; rừng trồng là hơn 0,6km (tổng diện tích tuyến đường khoảng 5,56 ha) do vậy không ảnh hưởng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, không tạo sự chia cắt sinh cảnh sống tự nhiên của các loài động vật hoang dã tại vườn.
Ngoài ra, tuyến đường còn hỗ trợ công tác quản lý và bảo vệ hiệu quả hơn 10.000 ha rừng phía Đông của VQG Cát Tiên. “Đây là khu vực rừng còn giàu tài nguyên gỗ quý, tình hình xâm hại rừng ở đây còn phức tạp. Đặc biệt là hạn chế các nguy hiểm đối với lực lượng bảo vệ rừng trong mùa mưa lũ nếu phải tuần tra bằng thuyền gỗ trên sông Đồng Nai. Dự án không ảnh hưởng đến việc xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới vì hồ sơ di sản thiên nhiên của VQG Cát Tiên chỉ tập trung ở vùng lõi có diện tích 8.000ha, chủ yếu tại khu vực Bàu Sấu cách tuyến đường khoảng 14km”, văn bản hồi đáp.
Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo VQG Cát Tiên báo cáo và cung cấp đầy đủ hồ sơ có liên quan đến dự án; phối hợp kiểm tra, giám sát việc mở đường…
Ngày 23.12, Sở NN-PTNT Đồng Nai phối hợp với các đơn vị liên qua tổ
chức đi khảo sát, đánh giá hiện trạng khu vực mở đường. Tại buổi làm
việc với VQG Cát Tiên, ông Lê Quang Bình, Phó giám đốc Sở GT-VT tỉnh
Đồng Nai bác bỏ thông tin đồng thuận dự án mà “chỉ có góp ý cho VQG Cát
Tiên về hồ sơ thiết kế công trình trong giai đoạn thiết kế bản vẽ.”
|
Bình luận (0)