Tranh cãi gay gắt về việc 'đàn bà mà không chịu làm việc nhà thì làm gì?'

07/03/2021 08:11 GMT+7

'Đàn bà mà không chịu làm việc nhà thì làm gì? Từ khi nào bếp núc lại trở thành một thứ hình thức tra tấn đầy bi kịch mà gắn với đàn bà như vậy?”, quan điểm này của MC Trác Thuý Miêu nhận nhiều ý kiến tranh luận.

Đàn bà mà vụng việc nhà, kể ra cũng dở

Phần chia sẽ của MC, nhà báo Trác Thuý Miêu về câu chuyện bếp núc, việc nhà đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng, tranh luận gay gắt.
Nhiều người ủng hộ quan điểm của nữ MC về chuyện bếp núc nhưng cũng không ít người phản biện, cho rằng gán việc bếp núc vào người phụ nữ là bất công trong khi phụ nữ ngày nay đang phải gánh vác nhiều việc khác.
Cụ thể, bài viết Để yên cho tôi làm đàn bà được MC Trác Thuý Miêu đăng tải trên trang Facebook cá nhân cách đây 2 ngày đã thu hút gần 20.000 lượt thích, hàng ngàn bình luận và chia sẻ. Trong đó, rất nhiều chị em phụ nữ đã lên tiếng về quan điểm của mình. 
MC Thúy Miêu viết: Từ khi nào bếp núc lại trở thành một thứ hình thức tra tấn đầy bi kịch mà gắn với đàn bà như vậy? Từ khi nào nỗi ám ảnh bị bó buộc vào việc lau nhà, nấu nướng, rửa bát giặt giũ… lại thậm tệ hơn cả nỗi ám ảnh mang tên Covid?
Các chị em à, tại sao không hỏi chính mình xem những lời càu nhàu, đá thúng đụng nia ngay trong gian bếp - nơi giữ lửa gia đình, rồi sẽ đi về đâu, và họ sẽ được gì? Chiến thắng vẻ vang, khuất phục được "cái bọn đàn ông" hay chỉ là những đổ vỡ rạn nứt, giằng xé nhau trước bữa cơm chiều. 
Đàn bà nhiều khi lại “sướng” khi được lăn vào bếp. Khi được vô bếp, họ vui như cô đào hát được tặng bông. Những người không hiểu rành rọt niềm vui sướng đó, không hề có tư cách cãi bàn! Vậy nên, đừng ai đấu tranh giải phóng tôi khỏi gian bếp của mình, đó là đặc ân của mình, của riêng đàn bà.
"Đàn bà khi thích, có thể làm kha khá việc, nhưng vụng việc nhà, kể ra cũng dở!”, MC Trác Thuý Miêu kết luận.

Trác Thuý Miêu tên thật là Vũ Hoài Phương. Cô được công chúng biết đến nhiều hơn khi tham gia bình luận và làm MC các gameshow truyền hình nổi tiếng như Solo cùng Bolero, Không thể không đẹp, Chuyện đêm muộn...

NVCC

Niềm vui hay gánh nặng là do mình

Là một người phụ nữ hiện đại và thành công trong công việc, chị Nguyễn Thuý Uyên Phương (Chủ tịch Hội đồng Giáo dục ICS, nhà sáng lập và điều hành Tomato Children’s Home), cho rằng việc nhà hay việc bếp núc là một loại kỹ năng tự chăm sóc bản thân và kỹ năng xã hội.
"Việc nhà không phải đặc quyền hay thiên chức gì của đàn bà lẫn đàn ông. Tuỳ thuộc vào chuyện bạn có thích nó không mà nó trở thành niềm vui hoặc gánh nặng. Nếu bạn đảm việc nhà, chúc mừng vì bạn sở hữu được một kỹ năng sống căn bản! Chẳng may bạn vụng về, thì cũng chả sao cả nếu bạn giỏi một kỹ năng khác bù trừ lại", chị Uyên Phương nhìn nhận.
Không nên đánh đồng “giải phóng phụ nữ” là giải phóng khỏi chuyện bếp núc hay việc nhà. Thứ cần được “giải phóng”, là những định kiến cho rằng cái bếp và việc nhà là lãnh địa duy nhất mà phụ nữ có thể tìm thấy tính nữ, niềm vui và giá trị của mình
 Nguyễn Thuý Uyên Phương (Chủ tịch Hội đồng Giáo dục ICS)             
“Đàn bà không làm việc nhà thì làm gì?”. Đàn bà không làm việc nhà thì làm bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, giáo viên...", chị Uyên Phương khẳng định.
"Nếu tôi có con trai, tôi cũng dạy con làm việc nhà vì nó là kỹ năng sống căn bản của con người, không liên quan gì đến chuyện giới tính! Đàn ông không hèn đi vì kiếm ít tiền, đàn bà cũng không kém hấp dẫn đi vì không làm được chuyện bếp núc”, chị Uyên Phương chia sẻ.
Nữ CEO này cũng khẳng định: "Không nên đánh đồng “giải phóng phụ nữ” là giải phóng khỏi chuyện bếp núc hay việc nhà. Thứ cần được “giải phóng”, là những định kiến cho rằng cái bếp và việc nhà là lãnh địa duy nhất mà phụ nữ có thể tìm thấy tính nữ, niềm vui và giá trị của mình".

Tại sao lại gắn việc bếp núc cho phụ nữ?

Trong khi đó, phản đối gay gắt với quan điểm của MC Thuý Trác Miêu, chị Vũ Thị Thu Hằng - Founder CMC - tổ hợp giáo dục sáng tạo dành cho cha mẹ (Q.3, TP.HCM), cho rằng tại sao lại gắn việc bếp núc cho phụ nữ?
Chúng ta sống trong một thế giới tồn tại những quan niệm phụ nữ là yếu mềm, là thích màu hồng, là yêu bếp núc, là may vá bên khung cửa, là nhỏ nhẹ thu vén, là chăm con hy sinh thánh thiện ...  Con trai, con gái - muốn làm gì thì làm, miễn là đừng làm biếng”, chị Thu Hằng phản biện về việc gắn việc nhà, bếp núc vào vai phụ nữ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.