Trong báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ được công bố ngày 18.6, Không quân Mỹ lập luận việc giảm biên chế F-22 sẽ giúp quân đội có ngân sách cho kế hoạch hiện đại hóa các mẫu tiêm kích tàng hình. Phía không quân đề nghị loại các tiêm kích F-22 cũ, chủ yếu được dùng để huấn luyện và thử nghiệm, theo trang The War Zone.
Tuy nhiên, Văn phòng Kiểm toán Chính phủ (GAO) cho rằng Không quân Mỹ đã không đưa kế hoạch chi tiết về chương trình đào tạo F-22 thay thế, cũng như không đánh giá rủi ro việc phải bố trí các chiếc F-22 sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ quay về dùng để đào tạo.
Không quân Mỹ vì sao muốn cho "nghỉ hưu" nhiều "Chim săn mồi" F-22?
"Không quân cho rằng loại bỏ lô máy bay F-22 thuộc đề án Block 20 sẽ giúp giảm chi phí, nhưng đã không tính đến các phí phát sinh, chẳng hạn chi phí bảo trì nhằm tăng cường hoạt động để bù đắp cho việc thiếu máy bay", báo cáo của GAO có đoạn.
Hiện tại, 90% khóa huấn luyện phi công F-22 cơ bản sử dụng các tiêm kích nằm trong đề án Block 20. Theo GAO, nếu thông qua kế hoạch của Không quân Mỹ, các máy bay thuộc đơn vị sẵn sàng chiến đấu, nằm trong đề án Block 30 và 35, phải đảm nhận thêm nhiệm vụ huấn luyện, qua đó gia tăng chi phí bảo trì.
Trang The War Zone dẫn lời các chuyên gia cho rằng những chiếc F-22 mà Không quân Mỹ muốn loại biên vẫn hữu dụng để thử nghiệm các loại vũ khí, tạo tiền đề cho dự án phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ mới mà Washington đang xây dựng.
Được ra mắt vào năm 2005, chiến đấu cơ F-22 với biệt danh "Chim ăn thịt" được đánh giá là một trong những mẫu tiêm kích hiện đại nhất thế giới, với khả năng mang theo vũ khí đối không và đối đất, cùng công nghệ tàng hình tiên tiến. Theo website của Không quân Mỹ, hiện có 183 chiếc F-22 trong biên chế. Quốc hội Mỹ đã cấm bán F-22 cho nước ngoài, do lo ngại lộ bí mật về năng lực tàng hình.
Theo trang The Aviationist ngày 18.6, phi đội F-22A do hãng Lockheed Martin sản xuất đã lập cột mốc bay tổng cộng 500.000 giờ.
Bình luận (0)