Tranh cãi lễ tân phủ bóng hội nghị G20

05/09/2016 07:44 GMT+7

Nhiều sự cố đã xảy ra trong chuyến đi của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thành phố Hàng Châu, Trung Quốc để dự Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 4 và 5.9.

Theo tiết lộ của tờ The New York Times, rắc rối nảy sinh ngay từ khi chiếc Không lực Một chở Tổng thống Barack Obama đáp xuống Hàng Châu ngày 3.9. Các phóng viên tháp tùng không được phép đến gần tổng thống Mỹ để ghi lại cảnh ông bước xuống máy bay. Đáng chú ý là phía chủ nhà không cung cấp xe thang trải thảm đỏ như thường lệ. Điều này làm phát sinh nhiều đồn đoán về việc Bắc Kinh cố tình tỏ ra coi thường tổng thống Mỹ. Chưa hết, Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice và cấp phó Ben Rhodes còn bị một quan chức Trung Quốc chặn lại khi cố gắng đến gần Tổng thống Obama.
Phía Trung Quốc không cung cấp xe thang trải thảm đỏ cho ông Obama như thường lệ Reuters
Nhưng bất ngờ chưa dừng lại ở đó. Trước cuộc gặp giữa ông Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại nhà khách Tây Hồ, các trợ lý của Nhà Trắng, quan chức phụ trách lễ tân và các mật vụ Mỹ đã cãi nhau liên hồi với phía chủ nhà về số lượng người Mỹ được phép bước vào khu nhà trước khi ông Obama đến. Có lúc người ta lo sợ ẩu đả nảy sinh từ cuộc cãi vã. “Làm ơn bình tĩnh lại”, một quan chức Mỹ khuyên can. Còn một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì nói: “Làm ơn ngưng đi. Có phóng viên ở đây”. Theo AP, người ta đã phải can hai quan chức Trung Quốc, trong đó có một người hỗ trợ phái đoàn Mỹ, sắp lao vào đánh nhau.
Anh cảnh giác nữ gián điệp Trung Quốc
Giới an ninh Anh cảnh báo phái đoàn tháp tùng Thủ tướng Theresa May dự hội nghị G-20 rằng họ có thể là mục tiêu của những nữ điệp viên xinh đẹp Trung Quốc sẵn sàng mời gọi quan hệ tình dục, theo tờ The Telegraph.
Hồi năm 2008, một quan chức tháp tùng Thủ tướng Gordon Brown đến Trung Quốc đã bị nữ điệp viên Trung Quốc dụ dỗ. Cụ thể, vị quan chức này đưa cô gái về phòng khách sạn nhưng đến khi thức dậy thì phát hiện điện thoại di động Blackberry, tài liệu từ cặp hồ sơ biến mất.
Giới an ninh Anh cũng khuyến cáo phái đoàn không nhận bất kỳ món quà nào và cảnh giác những thiết bị điện tử như bộ sạc điện thoại, thẻ nhớ được phía Trung Quốc cung cấp. Chính phủ Anh lo ngại Trung Quốc có thể lợi dụng cơ hội lần này để đánh cắp những bí mật từ quan chức Anh dự hội nghị hoặc cố cài chương trình do thám trên thiết bị điện tử của họ. 
Minh Trung
Tuy vậy, trong cuộc họp báo ngày 4.9, ông Obama đã cố gắng xua tan căng thẳng xung quanh những sự cố nói trên, nói rằng đó chỉ là kết quả từ cách tiếp cận khác nhau giữa hai phía về quyền tự do báo chí. Ông Obama khẳng định Mỹ không xin lỗi khi đòi hỏi quyền tự do báo chí bởi “chúng tôi không để các giá trị và lý tưởng của mình lại phía sau khi thực hiện các chuyến công du”.
Còn tờ South China Morning Post dẫn một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay chính phía Mỹ từ chối sử dụng xe thang. “Phía Mỹ phàn nàn người tài xế (xe thang) không biết tiếng Anh nên không hiểu được các chỉ dẫn an ninh, nên Trung Quốc đề nghị đưa một thông dịch viên ngồi bên cạnh tài xế nhưng phía Mỹ từ chối và tuyên bố họ không cần xe thang của sân bay”, người này nói.
Nhiều bất đồng
Trong khi đó, các thành viên của G20 vẫn còn nhiều bất đồng trong những chủ đề chính tại kỳ Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 4 và 5.9 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Theo tờ Le Monde, tại bàn nghị sự ở Hàng Châu, các nhà lãnh đạo của khối này chủ yếu bàn về những biện pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng sẽ khó có thể tìm được sự đồng thuận. Sau khi người Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) trong kỳ trưng cầu hồi cuối tháng 6, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2017 giảm từ 3,5% còn 3,4%. Ngoài Brexit, còn nhiều yếu tố có thể khiến tỷ lệ này bị giảm: giá dầu giảm; nhiều nước thuộc nhóm các quốc gia có nền kinh tế mới nổi tiếp tục tăng trưởng chậm, thậm chí bị suy thoái...
Thủ tướng Anh Theresa May trong phiên khai mạc hội nghị G20 Reuters
Tình hình trao đổi thương mại quốc tế cũng đang “u ám”, với tỷ lệ tăng trưởng chỉ khoảng 3%/năm, so với mức hơn 7%/năm liên tục trong 2 thập niên trước khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ vào năm 2008. Hồi tháng 7, cuộc họp giữa các bộ trưởng thương mại của G20 đã đưa ra kết luận không mấy lạc quan: “Bất chấp các thành viên G20 đã nhiều lần hứa nhưng vẫn có ngày càng nhiều các quy định có thể khiến ngành thương mại và dịch vụ bị hạn chế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.