Tranh cãi nảy lửa sao gờ giảm tốc xuất hiện nhiều ở TP.HCM: Lợi - hại ra sao?

16/08/2019 13:05 GMT+7

Bài viết Gờ giảm tốc 'bỗng nhiên' xuất hiện trong hẻm: An toàn hay nguy hiểm rình rập? được Thanh Niên đăng tải tiếp tục nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc. Nhiều người cho rằng gờ giảm tốc trong hẻm là cần thiết.

Sau khi Thanh Niên đăng tải những bài viết về gờ giảm tốc do một công ty tự ý lắp đặt trên Xa lộ Hà Nội (Q.9, TP.HCM) nghi làm một người té xe tử vong, nhiều bạn đọc (BĐ) đã gửi thông tin đến tòa soạn về những con hẻm người dân tự lắp gờ giảm tốc.
Bài viết ghi nhận  tại hẻm 186 và 196 đường Vườn Lài (P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM) có rất nhiều gờ giảm tốc dễ gây tai nạn đăng tải sáng nay, 14.8, tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Cụ thể, hẻm 186 dài khoảng 400m nhưng có đến 7 gờ giảm tốc bằng xi măng, trong đó có 2 gờ không sơn vàng cảnh báo rất khó nhận ra. Hẻm 196 Vườn Lài cũng có 4 gờ giảm tốc bằng nhựa và cao su.

Cần thiết nhưng phải có biển báo

Khác với luồng ý kiến trước đó về gờ giảm tốc trên Xa lộ Hà Nội, nhiều BĐ cho rằng việc lắp gờ giảm tốc trong hẻm nhỏ là cần thiết, tuy nhiên các gờ cần phải đúng quy chuẩn và tốt nhất nên lắp thêm các biển cảnh báo ở đầu hẻm.

Nhiều người cho rằng, lắp gờ giảm tốc trong hẻm là cần thiết, nhưng phải đúng quy chuẩn, an toàn hơn thì lắp thêm biển cảnh báo phía đầu hẻm

BĐ Manh Dung nêu ý kiến: “Lộ lớn thì phản đối, ngõ hẻm thì ok, bởi dân cư hẻm họ quen, biết vị trí nào có gờ, nên giảm tốc an toàn cho khu dân cư. Nếu kẻ trộm bên ngoài chạy vào cũng dễ bắt vì không chạy nhanh được. Tất cả các hẻm nhỏ có điều kiện nên làm”.
Đồng quan điểm, BĐ Nguyễn Hùng phân tích: “Nhà mọi người có con nhỏ trong hẻm mà thấy mấy anh mấy chị chạy xe như bị cướp có sợ không? Chạy tốc độ cao thì làm sao tránh được trẻ em đang chơi, dù là chơi bên lề. Lắp gờ giảm tốc này là một ý kiến hay. Tôi thấy mấy gờ như vậy thấp chứ có cao đâu, mấy bà mấy chị chạy được mà. Tuy nhiên, trước hẻm nên lắp biển cảnh báo “có lắp gờ giảm tốc”.
BĐ Đăng Thanh Vũ cũng cho rằng: “Nếu người dân đồng thuận thì nên làm. Khi ý thức người dân chưa có thì nên có những việc làm và hành động thiết thực trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Tôi thấy đây là việc làm tốt đối với giao thông trong hẻm, nhưng cần sơn phản quang hoặc sáng để dễ nhận thấy”.
“Gây bất tiện chỉ cho 1 số người, nhưng đem lại lợi ích cho đa phần dân cư sinh sống trong khu vực. Nếu những bạn comment phản đối ngồi ở hẻm theo dõi một ngày thì sẽ thay đổi ý kiến. Việc gờ giảm tốc chỉ gây nguy hiểm khi bạn phóng nhanh và không thèm quan sát, còn nếu chạy ở tốc độ chậm, quan sát tốt thì chẳng lo gì về việc mất an toàn hay tai nạn gây chết người”, BĐ Nam Le bình luận.

'Đây thực chất là cản trở giao thông!'

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều BĐ tỏ ra “rùng mình” vì gờ giảm tốc trong hẻm, vì cho rằng với những người lạ lần đầu vào hẻm hoặc chạy xe vào ban đêm mà gờ không có phản quang thì rất khó nhìn thấy.
BĐ Poet Hansy nêu quan điểm: “Cái gì cũng có 2 mặt cả. Đêm hôm trong hẻm ánh sáng nhập nhòa, với những khách lạ hoặc ai có chút hơi men xem chừng chả an toàn chút nào với những cái gờ giảm tốc này”.
BĐ Ng Tài tiếp tục phản đối: “Sợ phát khiếp mấy cái gờ giảm tốc bê tông trong hẻm, vừa cao vừa cứng. Không phải chạy nhanh té mà chạy chậm cũng té. Đây thực chất là cản trở giao thông, nhóm nào đắp gờ hoặc gắn gờ giảm tốc phải ghi tên tuổi địa chỉ cho phường, xã nắm, để khi có tai nạn bắt họ chịu trách nhiệm. Nếu không có ai chịu trách nhiệm thì tháo bỏ giải phóng gờ khỏi mặt đường”.
“Thiết nghĩ ngành giao thông nên thay thế các gờ giảm tốc bằng các đèn cảnh báo giảm tốc, sẽ hiệu quả hơn, ít gây tai nạn và đặc biệt là không làm hư hỏng xe, phương tiện giao thông khi chạy vào gờ giảm tốc cộng hưởng dao động này. Chưa kể là ảnh hưởng về môi trường âm thanh do va đập với gờ này gây ra đối với những nhà dân sống gần”, BĐ Nguyễn Tấn Nghĩa đưa ra giải pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.