Năm 2009, gia đình Schnabl có kế hoạch cho một kỳ nghỉ đến châu Âu và theo truyền thống du lịch của họ, cả nhà sẽ chia hai. Christine Badre Schnabl và con trai 5 tuổi Philipe đi một chuyến, còn chồng và một đứa nhỏ khác đi một chuyến.
Thật không may, ngày 31.5, Christine và Philipe lên chuyến bay 447 của Air France từ Rio de Janeiro, Brazil đến Paris, Pháp đã mất tích. Các nhà chức trách xác định chuyến bay Airbus chở tất cả 228 người, bao gồm mẹ con Schnabl, đã thiệt mạng ngoài khơi Đại Tây Dương vào ngày 1.6.2009. Đây là vụ tai nạn hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử Air France.
Trong khi Fernando và con gái đi chuyến bay khác và đến Paris an toàn. Nhiều người bày tỏ thương tiếc cho gia đình Schnabl, cảm thương tình cảnh của người chồng "gà trống nuôi con" và đứa nhỏ còn ở lại, đồng thời khẳng định việc tách ra hai chuyến bay riêng là hợp lý.
Tuy nhiên, bằng cả nỗi đau với các nạn nhân xấu số, không ít người cho rằng, gia đình là một đơn vị thống nhất nên nếu đi đâu cũng phải đi cùng nhau, cùng đối mặt nguy hiểm và cả bi kịch. "Chưa chắc người ở lại đã dễ dàng vượt qua đau khổ và cảm giác đối mặt với 'tội lỗi của người sống sót' là vô cùng kinh khủng", một người viết.
Nhiều người sợ đi máy bay nhưng tỷ lệ an toàn của máy bay là rất cao |
vi nguyễn |
Có nên chia gia đình làm hai khi di chuyển bằng máy bay hay không luôn được đặt ra trong suốt nhiều năm. Đó cũng là tranh luận, lẫn tranh cãi kéo dài không dứt cho đến tận ngày nay.
Gia đình Buckalew bay từ New Jersey đến Georgia vào tháng 12.2011 để nghỉ Giáng sinh nhưng chiếc máy bay một động cơ do Jeffrey Buckalew cầm lái đã chết máy và lao thẳng xuống đường cao tốc New Jersey. Cả gia đình 4 người gồm vợ chồng và hai con, cùng bạn của Jeffrey đều tử vong. Rất may, vợ của người bạn và các con không đi cùng đã sống sót. Sau vụ tai nạn, nhiều gia đình Mỹ thay đổi thói quen bay chung và bắt đầu tách riêng.
Nhiều người nổi tiếng khi đi nghỉ cùng nhau cũng thường xuyên bay hai chuyến riêng. Nữ diễn viên đoạt giải Oscar Kate Winslet và chồng cũ cho biết họ bay riêng khi đi du lịch để đảm bảo một trong hai người sống sót chăm sóc con cái.
Tranh luận bay chung hay chia đôi gia đình chưa bao giờ hết nóng giữa hai phe, ủng hộ của phe tình cảm và không ủng hộ của phe lý trí. "Bố mẹ tôi bảo rằng, bay cùng nhau trên một chuyến bay có thể dẫn tới những rủi ro đáng tiếc, trong đó chẳng may tai nạn, cả nhà sẽ không còn ai. Tôi chưa chia đôi gia đình khi bay đi du lịch bao giờ, liệu chúng tôi có nghe theo lời ông bà?", một người đặt câu hỏi trên diễn đàn hàng không.
Câu hỏi nhận vô số trả lời. "Tôi chưa từng nghĩ đến điều này bao giờ. Rõ ràng là luôn có những rủi ro khi bay từ A đến B. Nhưng tôi thấy, rủi ro di chuyển từ nhà tới sân bay có khi còn cao hơn", một ý kiến nhận được nhiều đồng thuận. Trên thực tế, tai nạn xe hơi giết chết nhiều người hơn tai nạn máy bay.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, dù có bất tiện khi cả gia đình bay làm hai chuyến, nhưng nếu hai chuyến không quá lệch giờ nhau và không chênh giá quá mức, thì phương án tách đôi là chấp nhận được.
"Tôi không nghĩ những người quyết định chia đôi gia đình khi bay là điên rồ, bởi họ đang phản ứng với nỗi sợ hãi thực sự. Việc bay chung hay bay riêng hoàn toàn là cá nhân", Terry Real, nhà trị liệu gia đình nhận định với ABC News.
Quy tắc Hoàng gia Anh có từ thời Nữ hoàng Elizabeth II, thì Thái tử Charles và Hoàng tử William (danh sách số 1 và 2 thừa kế ngai vàng lúc đấy) không được bay cùng nhau. Vì nếu máy bay rơi, nền quân chủ Anh sẽ cùng lúc mất hai người thừa kế ngai vàng. Tổng thống và Phó tổng thống Mỹ cũng không bay chung.
Bình luận (0)