Tranh cãi nội dung cần trưng cầu ý dân

24/04/2015 06:59 GMT+7

Ngày 23.4, tại TP.HCM, Văn phòng Chính phủ phối hợp Hội Luật gia VN tổ chức hội thảo góp ý luật Trưng cầu ý dân. Một trong những điểm được các chuyên gia quan tâm và tranh cãi nhiều nhất là vấn đề nào sẽ phải trưng cầu ý dân.

Ngày 23.4, tại TP.HCM, Văn phòng Chính phủ phối hợp Hội Luật gia VN tổ chức hội thảo góp ý luật Trưng cầu ý dân. Một trong những điểm được các chuyên gia quan tâm và tranh cãi nhiều nhất là vấn đề nào sẽ phải trưng cầu ý dân.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM phát biểu  tại hội thảo	Ảnh: PHAN THƯƠNG
Dự thảo luật đưa ra hai phương án về những vấn đề phải trưng cầu ý dân. Một là, những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội (QH). Hai là, những vấn đề về sửa đổi Hiến pháp; những chính sách quan trọng liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quan trọng; những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của QH.
Luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN, cho rằng: “Thực tiễn có sự khác biệt về đánh giá các vấn đề giữa nhà nước và người dân. Người dân thấy quyền lợi trực tiếp của mình bị ảnh hưởng do quyết sách, chính sách pháp luật của nhà nước. Vì vậy, việc trưng cầu ý dân là cần thiết”. Ông Hoài đồng ý với phương án 2, nhưng cũng cho rằng “quy định như vậy vẫn còn chung chung, cần đưa ra những vấn đề cụ thể hơn dựa trên tiêu chí nhất định”.
Cũng đồng ý phương án 2, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nói: “QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, nhưng không phải lúc nào QH, ĐBQH cũng phản ánh, thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Do đó, cần thiết phải có cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến của nhân dân rồi quy định cụ thể các trường hợp cơ bản được quyền đề nghị QH quyết định trưng cầu ý dân”.
Trong khi đó, luật gia Đặng Đình Thịnh, Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM - Hội Luật gia VN, cho rằng không nên liệt kê cụ thể từng nội dung hay mặc định vấn đề gì bắt buộc phải trưng cầu, mà nên mở rộng bất cứ vấn đề gì cũng được trưng cầu nếu vấn đề đó đụng đến quyền lợi của nhân dân, hoặc vấn đề hệ trọng mang tầm quốc gia. Ông Thịnh dẫn chứng về sự kiện chặt cây ở Hà Nội, hay lấp sông ở Đồng Nai, nhấn mạnh: “Đó là hậu quả của việc không trưng cầu ý dân, dù rằng nó ảnh hưởng trực tiếp đến người dân tại địa phương đó”.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.