Đạo diễn Lê Hoàng gây tranh cãi khi đưa ra quan điểm "lì xì là món nợ" |
THANH NIÊN |
Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng khi chúng ta hỏi 10 người Việt thì phải có 9 người sợ việc lì xì vào ngày tết và xem đây là một "món nợ".
"Nếu một cái tết không phải lì xì, nhiều công dân sẽ cảm thấy nhẹ trong người, lâng lâng như được sống trên mây. Vì tiền lì xì mà trong ngày xuân rất nhiều người không dám đi thăm bạn bè. Không biết bao nhiêu giận hờn, bao nhiêu cãi vã, bao nhiêu tức tối, bao nhiêu tự ái và quê kệch gây ra do tiền lì xì, không sao thống kê hết. Chả thiếu gì những trường hợp vợ đay nghiến chồng, con nhăn nhó cha, bà bĩu môi cháu do tiền lì xì đem lại", đạo diễn Lê Hoàng nêu quan điểm.
Câu chuyện về lì xì thu hút sự tranh cãi của cộng đồng mạng |
Lì xì là áp lực vô hình?
Ngay sau khi quan điểm của đạo diễn Lê Hoàng về vấn đề lì xì được chia sẻ trên mạng xã hội, lập tức đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Hoàng Tuấn Dương (32 tuổi, nhà ở 505/5 đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho rằng: "Đạo diễn Lê Hoàng nói có lý. Tôi cảm thấy việc lì xì là một áp lực vô hình. Cứ mỗi khi tết đến là tôi hay lo vì tiền đâu lì xì cho những đứa trẻ trong gia đình".
Dương kể thêm mỗi dịp tết, số tiền anh chi cho việc lì xì không dưới 5 triệu đồng, bằng 2/3 thu nhập hàng tháng. Chính vì thế, theo Dương: "Nếu không có lì xì thì tốt biết nhường nào".
Cùng quan điểm, Lê Thị Bảo Yến (35 tuổi, quản lý ở chuỗi cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf, ở Q.1, TP.HCM) cũng nói: "Có nhiều khi muốn đi thăm thầy cô giáo cũ hay họp lớp với bạn bè trong dịp tết. Tuy nhiên mất tự tin khi... nghĩ đến chuyện lì xì cho trẻ con. Thiết nghĩ, nếu không có chuyện lì xì thì cuộc sống ngày tết... dễ thở hơn rất nhiều".
Tương tự, Lê Trọng Lương (27 tuổi, nhân viên công ty Zitahima, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng ta thán vì một nỗi lo thường trực trong những ngày tết chính là... tiền đâu để lì xì? "Dù rằng mỗi phong bao lì xì có giá trị không lớn. Tuy nhiên nếu phải lì xì nhiều cháu, nhiều em, thì cũng tốn một số tiền kha khá. Như tôi, mỗi tết tiền lì xì cho con, cháu khoảng 3 triệu đồng", Lương kể.
Cũng có những trường hợp vợ chồng trẻ cho biết, chỉ vì câu chuyện mà họ trở nên hục hặc, cãi vã nhau trong dịp đầu năm. Mà lý do vì "phân bì" chuyện lì xì cho đứa cháu này ít nhưng lì xì cho đứa cháu khác nhiều hơn, lì xì phía ngoại và phía nội không tương đồng, hoặc đơn giản là vì phải chi tiền để lì xì khá nhiều, tốn kém.
Lì xì ngày tết là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam |
TẤN ĐẠT |
Lì xì không phải là một món nợ...
Tuy nhiên, bên cạnh luồng quan điểm ủng hộ và đứng về phía của đạo diễn Lê Hoàng, thì vẫn có những ý kiến phản bác.
"Lì xì là nét đẹp văn hóa vào mỗi dịp tết đến. Lì xì là tự nguyện chứ không ai ép buộc cả. Chính vì thế, nếu đủ khả năng hãy lì xì. Còn nếu cảm thấy áp lực tài chính vì chuyện lì xì là không nên. Vả lại, lì xì đâu có đáng là bao mà cho rằng là một món nợ. Theo tôi, lì xì không phải là một món nợ", Huỳnh Thị Thủy Tiên (31 tuổi, làm việc ở công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, TP.HCM), chia sẻ.
Còn Huỳnh Phan Vũ (29 tuổi, nhà ở 46/12 Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng nói rằng: "Không hiểu có phải là đạo diễn Lê Hoàng nhận định quá phiến diện hay không mà bảo "có biết bao nhiêu giận hờn, bao nhiêu cãi vã, bao nhiêu tức tối, bao nhiêu tự ái và quê kệch gây ra do tiền lì xì, không sao thống kê hết". Bản thân tôi nói riêng và những người quen thân nói chung, chưa ai từng cau mày nhăn nhó than thở vì chuyện lì xì cả. Tôi không đồng tình với quan điểm lì xì là một món nợ".
Đặng Nghĩa Anh (34 tuổi, nhà ở 27 Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM) thì bảo: "Ngày tết, lì xì cho con cháu như là một hành động để động viên cháu con học giỏi, lì xì cho cha mẹ, ông bà như một cách để chúc năm mới sức khỏe. Câu chuyện lì xì mang ý nghĩa tốt đẹp. Đừng để chuyện tiền bạc chi phối ý nghĩa vốn dĩ tốt đẹp ấy. Theo tôi, nên duy trì tục lệ lì xì vào ngày tết".
Bình luận (0)