Sau khi một lớp học đàn tranh Trung Quốc (đàn Guzheng) tại Cần Thơ dưới tên gọi lớp học "cổ tranh" được giới thiệu trong bản tin Sáng Phương Nam phát sóng trên kênh VTV9 - Nhịp sống phương Nam hồi cuối tháng 6 qua, có không ít nghệ sĩ đàn tranh Việt và những người am hiểu nhạc cụ dân tộc bày tỏ ý kiến bất bình.
Đặc biệt không ít người am hiểu về nhạc cụ dân tộc đã phản ứng với câu kết mà người dẫn chương trình đọc cuối bản tin: “Việc nghe nhiều những thanh âm mang sắc thái tình cảm này giúp khơi gợi cảm xúc trong mỗi con người chúng ta, gắn kết tình yêu thương, xóa đi sự vô cảm. Người không vô cảm trong gia đình sẽ trở thành những công dân sống có trách nhiệm với đất nước”. Bởi lẽ với cách kết này, vô hình trung khiến các bạn trẻ Việt, những người chưa hiểu rõ về nhạc cụ truyền thống dân tộc, càng lầm tưởng rằng cổ tranh (đàn Guzheng - NV) là một loại đàn truyền thống của dân tộc Việt Nam, cần theo học để "sống có trách nhiệm với đất nước".
|
Cổ tranh không phải là đàn tranh cổ của Việt Nam
Cô Võ Mỹ Thuận (tốt nghiệp chuyên ngành Đàn tranh năm 2004-2012 và chuyên ngành Việt Nam học năm 2013-2016 tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Nha Trang) cho biết trong quá trình làm việc, giới thiệu và biểu diễn một số nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại khu du lịch danh thắng Hòn Chồng, TP.Nha Trang, cô nhận thấy rất nhiều du khách đã lầm tưởng rằng cổ tranh là đàn tranh Việt Nam và nhiều người gọi đàn tranh Việt Nam là cổ tranh. Điều này khiến cô rất lo ngại.
Cô Võ Mỹ Thuận nói: “Yêu thích cổ tranh thì cứ yêu thích, học đàn thì cứ học, dạy cũng cứ dạy, nhưng truyền đạt không khéo, thậm chí sai lệch, sẽ dễ khiến các bạn trẻ lầm tưởng rằng đây là nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. Rồi các thế hệ sau tiếp nhận kiến thức này như điều hiển nhiên. Cổ tranh từ lâu đã được công nhận là nhạc cụ truyền thống của Trung Quốc. Có không ít người Việt không phân biệt được đàn tranh của nước mình với cổ tranh của Trung Quốc. Vì vậy nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ ngay từ bây giờ, thì thật đáng lo!”
|
Với hơn 45 năm gắn bó với đàn tranh và nhạc dân tộc, NSƯT Hải Phượng cũng cho rằng cách gọi “cổ tranh” cho đàn tranh Trung Quốc (đàn Guzheng) là cách gọi rất dễ gây hiểu lầm và nhập nhằng trong việc xác định danh tính và chủ sở hữu.
Một số người am hiểu nhạc cụ dân tộc cũng kiến nghị rằng không nên sử dụng cách gọi "cổ tranh" cho loại đàn tranh truyền thống Trung Quốc, mặc dù đó là phiên âm Hán - Việt của từ 古筝 (Guzheng). Điều này nhằm tránh gây hiểu lầm rằng đây là đàn tranh cổ của người Việt. Chỉ nên gọi đó là đàn Guzheng hoặc đàn tranh Trung Quốc để phân biệt rõ hơn. Ngoài ra không ít người yêu thích nhạc cụ dân tộc và đàn tranh cho rằng nhà đài lớn như VTV9 cần phải tìm hiểu thật kỹ thông tin, nội dung cần chọn lọc, ngôn từ rõ ràng khi đưa tin về các vấn đề văn hóa.
Đàn tranh có gì khác với cổ tranh?
Đàn tranh là một nhạc cụ truyền thống của nước ta. Dù cùng nguồn gốc nguyên thủy với cổ tranh (đàn Guzheng) của Trung Quốc nhưng đàn tranh khác biệt hoàn toàn với đàn Guzheng cũng như bất cứ phiên bản đàn tranh của các quốc gia khác và đây là nhạc cụ đặc trưng của Việt Nam.
|
Theo thông tin từ trang Nhạc cụ Tiến Mạnh, bề ngoài tuy có vẻ giống nhau, nhưng đàn tranh Việt Nam và đàn tranh Trung Quốc (đàn Guzheng) có cấu tạo, thiết kế và kỹ thuật chơi có rất nhiều điểm khác nhau. Nếu so sánh về âm sắc thì âm thanh của đàn tranh Việt có phần trong và sáng, có khả năng thể hiện tốt các giai điệu vui tươi, nhưng không thích hợp lắm với phong cách trầm hùng. Còn âm thanh của đàn Guzheng mang tới cảm giác thánh thót hơn.
Đàn tranh Việt mang nét đặc thù từ trong thủ pháp đánh đàn, ngón đàn, cách nhấn nhá, thế cung, âm thanh, nhạc điệu... Đàn tranh đã trở thành biểu trưng của âm nhạc dân gian Việt Nam, nhắc tới nhạc cụ dân gian thì một trong những loại nhạc cụ người ta nghĩ ngay đến chính là đàn tranh.
Bình luận (0)