Tranh cãi quy định taxi công nghệ phải gắn mào

19/07/2018 22:10 GMT+7

Trong khi nhiều chuyên gia không đồng tình với quy định "ép" taxi công nghệ phải gắn mào, các hãng taxi truyền thống lại cho rằng quy định này hoàn toàn cần thiết.

Hiệp hội Taxi TP.HCM vừa có văn bản nêu quan điểm về quy định taxi công nghệ phải có hộp đèn (mào) gắn cố định trên nóc xe, phải gắn phù hiệu xe taxi trên kính xe… trong dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Cụ thể, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng Grab đã và đang hoạt động đúng như một doanh nghiệp kinh doanh taxi với các phần việc kết nối tài xế, điều xe, đưa ra mức giá cước, phí sử dụng phần mềm, thu tiền, đón khách và thực hiện các chương trình khuyến mãi, tăng giảm giá, cả việc thưởng phạt với tài xế và khách hàng…
"Đây là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi chứ không phải công ty kinh doanh phần mềm kết nối hành khách và hợp tác xã, mà trong đó có những hợp tác xã chỉ tồn tại trên giấy" - ông Hỷ khẳng định. Chính vì thế, Hiệp hội Taxi TP.HCM đồng ý với quan điểm: Các xe “taxi công nghệ” phải có hộp đèn với chữ “Taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Trên xe phải có thiết bị được cài đặt phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách, đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm thông tin về đơn vị kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại); thông tin về xe (biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe, năm sản xuất); điểm bắt đầu và điểm kết thúc chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; hành trình; cự ly chuyến đi (km); thông tin về giá cước và số tiền hành khách phải trả bằng tiền Việt Nam (VND)...
Bên cạnh đó, Grab cũng phải hợp tác và cung cấp các thông tin kinh doanh như: Số lượng xe, số lượng tài xế, quy trình quản lý hợp tác với lái xe, nghĩa vụ thuế... khi được yêu cầu cung cấp. Tất cả hoạt động kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch như các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Việt Nam đã và đang phải làm.
"Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, phù hợp xu thế và khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch giữa các đơn vị taxi truyền thống và các đơn vị taxi ứng dụng công nghệ như Bộ GTVT đã giải trình" - văn bản nêu rõ.
Cũng trong văn bản, Hiệp hội Taxi TP.HCM một lần nữa đề xuất ngưng kéo dài thí điểm đối với Quyết định 24 của Bộ GTVT vì vào thời điểm hiện tại, lượng phương tiện giao thông (xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ) đã và đang phát triển bất thường gây ùn tắc giao thông; không kiểm soát được số lượng xe, khó nhận diện để xử lý vi phạm.
Trước đó, trả lời Thanh Niên (trong bài viết Taxi công nghệ cũng phải gắn mào? ngày 16.7), hầu hết các chuyên gia, luật sư đều có chung quan điểm quy định "ép" taxi công nghệ phải gắn mào là thừa, không có ý nghĩa về mặt quản lý, chỉ mang tính hình thức. Quy định trên không những không kiểm soát được các vấn nạn hiện tại mà còn làm mất đi bản chất của taxi công nghệ, nguy cơ gây tăng tiêu cực, tăng chi phí xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.