Tranh cãi về quy định người nổi tiếng phải dùng sản phẩm trước khi quảng cáo

08/11/2024 17:30 GMT+7

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, quy định người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm phải dùng sản phẩm, ví dụ như quảng cáo thuốc tăng cường sinh lý nam giới 'rất phiền'.

Chiều 8.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quảng cáo. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, băn khoăn về thẩm quyền xử phạt các sai phạm trong lĩnh vực quảng cáo.

Tranh cãi về quy định người nổi tiếng phải dùng sản phẩm trước khi quảng cáo- Ảnh 1.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM

ẢNH: GIA HÂN

Đơn cử theo luật Dược, Bộ Y tế quản lý thuốc và thực phẩm chức năng. Nhưng nếu quảng cáo sản phẩm này thì Bộ Y tế lại không duyệt nội dung quảng cáo.

Về vấn đề trách nhiệm, dự luật mới quy định người quảng cáo phải sử dụng qua sản phẩm. Song từ thực tế, theo bà Lan, "quảng cáo thì phải thổi phồng, ngút trời mây về sản phẩm". Trong khi đó, người dân vẫn tin vào quảng cáo, nên vẫn có tình trạng lợi dụng người nổi tiếng để quảng cáo.

Đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng, bắt người nổi tiếng phải dùng rồi mới quảng cáo e rằng hơi khó. Không nước nào bắt phải dùng thử mới được quảng cáo.

"Có bao nhiêu mặt hàng, riêng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rất nhiều. Chưa kể cần thời gian bao lâu mới xác nhận có tác dụng. Chả lẽ người nổi tiếng thừa nhận bệnh này khi dùng thuốc. Đặc biệt khi quảng cáo các loại thuốc tăng cường sinh lý nam giới rất phiền", bà Lan nêu.

Tranh cãi về quy định người nổi tiếng phải dùng sản phẩm trước khi quảng cáo

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, quan trọng nhất là có biện pháp xử lý. Lâu nay có tình trạng "nắm người có tóc mà không nắm kẻ trọc đầu". Báo đài chính thống xét duyệt quảng cáo chặt chẽ, nhưng mạng xã hội quảng cáo như bán hàng online, lại không quản lý được.

Hiện sở này có riêng một bộ phận chỉ lọc quảng cáo, khi có quảng cáo đáng ngờ chuyển thanh tra xử lý. Nếu như sản phẩm quảng cáo sai, chủ sản phẩm chịu trách nhiệm thì thuộc thẩm quyền của Sở An toàn thực phẩm. Còn vai trò của tờ báo, đơn vị đăng quảng cáo, người nổi tiếng chuyển tải quảng cáo đó là việc của Sở TT-TT. Theo bà Lan, hai sở không chồng lấn, phối hợp rất tốt.

Tuy nhiên, một thực tế là chủ hàng khi mời lên cơ quan thanh tra đều chối bỏ trách nhiệm. "Tôi đề nghị có giải pháp với những trường hợp chây ì, chứ bắt như bắt ma chơi, không rõ ràng khi họ lên thanh tra cãi dữ lắm. Phải có cơ sở pháp lý đủ mạnh để chế tài được họ", bà Lan nêu.

Tranh cãi về quy định người nổi tiếng phải dùng sản phẩm trước khi quảng cáo- Ảnh 2.

Đại biểu Phan Thị Thanh Phương (TP.HCM)

ẢNH: GIA HÂN

Ở khía cạnh ngược lại, đại biểu Phan Thị Thanh Phương (TP.HCM) cho rằng, quy định người quảng cáo phải dùng thử sản phẩm là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, luật chưa làm rõ trách nhiệm, chủ thể trong hoạt động quảng cáo.

"Thực tế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm chất lượng, sản phẩm quảng cáo. Còn người quảng cáo chuyển tải thông điệp của nhãn hàng, người tiêu dùng trên tài liệu, thông tin được cung cấp", bà Phương nêu.

Người nổi tiếng khó khả năng kiểm chứng những thông tin được cung cấp đúng hay không. Do đó, nếu quy trách nhiệm liên đới của họ, đối chiếu với luật Dân sự năm 2015 sẽ thấy hậu quả pháp lý khá nặng. Do đó, bà đề nghị phải quy định cụ thể trách nhiệm của nhãn hàng, doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) cũng đưa ra quan điểm về người chuyển tải nội dung quảng cáo. Dự thảo luật bổ sung quy định mới khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải là người trực tiếp sử dụng sản phẩm.

"Một sản phẩm không vi diệu tới mức dùng xong có kết quả ngay. Ví dụ một mỹ phẩm trong 1 tuần, 1 tháng có kết quả ngay được. Để người đứng ra quảng cáo phải sử dụng sản phẩm đó mong muốn của chúng ta nhưng làm được cực khó", bà nêu quan điểm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.