Tranh cãi về quyết định tránh thai, triệt sản loài capybara

16/02/2025 21:49 GMT+7

Thành phố Buenos Aires (Argentina) phê duyệt biện pháp tránh thai và triệt sản cho capybara, khi số lượng loài này tăng mạnh đã ảnh hưởng đến đời sống người dân.

The Guardian ngày 16.2 đưa tin cư dân thị trấn Nordelta, với khoảng 45.000 dân và nằm ở ngoại ô Buenos Aires, tranh cãi về biện pháp kiểm soát số lượng capybara. Trong 3 năm qua, số lượng capybara đã tăng gấp 3, lên hơn 1.000 con tại Nordelta.

Trước tình hình trên, chính quyền Buenos Aires đã phê duyệt kế hoạch kiểm soát quần thể động vật hoang dã, bao gồm sử dụng biện pháp tránh thai và triệt sản có chọn lọc, nhằm giảm số lượng capybara.

Tranh cãi về quyết định tránh thai, triệt sản loài capybara- Ảnh 1.

Những con capybara con bên cạnh mẹ tại sở thú ở Colombia năm 2023

ẢNH: AFP

Ông Marcelo Canton, đại diện phát ngôn hiệp hội khu phố Nordelta, nói rằng bản thân loài capybara không gây vấn đề gì nhưng số lượng quá đông đã dẫn đến trường hợp loài vật này đánh nhau, gây gổ với chó của người dân, phá hoại cây hoa và dẫn đến những vụ tai nạn giao thông. Dù bản chất loài này hiền lành, những con capybara mẹ sẽ trở nên hung dữ nếu bị tiếp cận.

“Ở đây có hơn 500 ha diện tích công viên, hồ nước cho capybara sinh sống, không có thú săn mồi hay thợ săn, do đó không có biện pháp nào giảm số lượng loài vật này”, ông Canton nói.

Giới chức địa phương cho biết capybara (hay chuột lang nước) là loài gặm nhấm sinh sản nhanh chóng. Con cái có thể sinh 2 lần mỗi năm và tối đa 8 con mỗi lần. Theo kế hoạch, thành phố sẽ tiêm 2 liều thuốc tránh thai vào 250 con capybara, qua đó ngăn khả năng sinh sản của chúng trong 1 năm và sẽ theo dõi số lượng loài trong thời gian này.

Tuy nhiên, cư dân Nordelta Silvia Soto cùng một nhóm những hàng xóm tại thị trấn này phản đối kế hoạch trên của chính quyền địa phương, chỉ trích các nhà phát triển bất động sản đã bỏ qua những đề xuất trước đây về việc xây dựng khu bảo tồn.

“Trong nhiều năm, chúng tôi đã yêu cầu liên kết các khu vực nhiều cây cỏ tạo thành khu bảo tồn tự nhiên, giúp bảo vệ và tạo môi trường sống cho capybara. Tuy nhiên, đề xuất của chúng tôi không được xem xét”, bà Soto nói.

Các nhà môi trường cũng đang cân nhắc và kêu gọi chính phủ Argentina có các biện pháp bảo vệ những cá thể capybara, loài gặm nhấm lớn nhất thế giới hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.